Edison, sinh ngày 11/2/1847, tại Milan, Ohio (Mỹ), vốn bị coi là đứa trẻ „đần độn, rối trí“. Vào khoảng năm 7 tuổi, một hôm cậu từ trường về nhà và nói với mẹ: „Mẹ, thầy giáo bảo con đưa cho mẹ cái này !“.
Cẩn thận mở ra xem, bên trong kèm lá thư của giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh em Edison, nước mắt bà Nancy Elliott giàn giụa. Cậu bé đứng ngẩn người kinh ngạc, cậu hỏi mẹ rằng thầy giáo đã viết gì trong đó?
Ngập ngừng một lát, bà Nancy đọc to lá thư cho con trai mình: „Con trai của ông bà là một thiên tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình“.
Kể từ đó, Edison được mẹ, cũng từng là giáo viên ở Canada kèm cặp, dạy dỗ mà không đến trường thêm lần nào nữa.
Nhiều năm sau đó, mẹ của Edison đã qua đời, còn con trai bà thì trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20, người được mệnh danh là „Thầy phù thủy ở Menlo Park“ nhờ những sáng chế thiên tài cống hiến cho nhân loại.
Một ngày, khi xem lại những kỷ vật của gia đình, Edison vô tình nhìn thấy một tờ giấy gập nhỏ được cất trong ngăn kéo bàn. Tò mò mở ra đọc, trước mắt cậu chính là lá thư của thầy giáo năm nào. Trong thư, có đoạn: „Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí. Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa“.
Edison đã khóc hàng giờ sau khi đọc lá thư năm nào. Thiên tài viết trong nhật ký rằng: „Thomas Alva Edison là một đứa trẻ rối trí, vậy mà, nhờ có một người mẹ tuyệt vời, cậu đã trở thành thiên tài của thế kỷ“.
– Trong chiến tranh Viêt Nam, Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến là hai binh chủng mà Việt Cộng cố tránh đối đầu càng nhiều càng tốt. Một trong những yếu tố khiến hai binh chủng này làm quân đội miền Bắc khiếp đảm là vì họ có cấp chỉ huy giỏi.
Mỗi tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đều mang một tên riêng, trong đó có Tiểu đoàn 2 Trâu Điên và Tiểu Đoàn 8 Ó Biển.
Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Phán, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 8 Ó Biển, một người con của Huế, đã từ trần ngày 1 tháng 12 vừa qua tại Houston, tiểu bang Texas, thọ 80 tuổi.
Như một lời tiễn biệt Ó Biển giữa lúc đại dịch Covid, chúng tôi xin mời bạn đọc xem lại tường thuật của Trung tá Phán về trận đánh tái chiếm Kỳ Đài ở Huế trong đợt Tết Mậu Thân 1968. Lúc đó, ông còn là Đại úy Đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 1 Quái Điểu.
Kế tiếp là một bài thơ của ông trong một ngày buồn ở Mỹ sau năm 1975.
Huế, Tôi và Mậu Thân
Tác giả: Mũ Xanh Nguyễn Văn Phán
Từ Cai Lậy về thủ đô Sài Gòn, nhập ngay vào đánh giải tỏa trại Cổ Loa của Thiết Giáp và Xóm Mới Gia Ðịnh xong xuôi, Quái Ðiểu Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến về nằm dọc đường Ngô Tùng Châu, Gia Định.
Mười hai giờ khuya họp Tiểu Đoàn, 2 giờ sáng có mặt tại Tân Sơn Nhất, 4 giờ sáng lên máy bay đi, đi đâu không biết.
Ðồ khô và tái trang bị không lãnh kịp. Cứ lên phi trường rồi hay. Ðó đây những loạt pháo kích, những loạt đại liên rời rạc, những đốm hỏa châu lũng lẳng trên bầu trời.
Tôi để lại đằng sau một Sài Gòn mang nặng bộ mặt chiến tranh. Những chiếc máy bay C.13O khổng lồ nuốt gọn 8OO Quái Ðiểu và đưa chúng tôi lên cao trong đêm tối mịt mùng.
– Ði đâu bây?
– Nha Trang, tao nghe Nha Trang đang có đánh nặng.
Lượm, Ðại Đội Trưởng Ðại Đội 1, dân Nha Trang, trả lời. Tôn, Ðại Đội Trưởng Ðại Đội 2 là dân Ðà Lạt, cãi:
– Ðà Lạt.
Phán Phu Nhơn nói:
– Ði đâu cũng được, đổi vùng là khoái rồi.
(Khi vào quân trường, Phán trình diện: Tui chánh quán làng Phú Nhơn, ở gần hồ Tịnh Tâm, quận Thành Nội, Huế. Thế là sau đấy, giữa lửa đạn và thịt đổ xương rơi, qua tiếng thét trong máy truyền tin, cái tên ngụy trang “Phu Nhơn” ra đời, nghe thật lạ tai!)
– Máy bay chi bay mãi ri bây?
Thời tiết thật xấu, và rồi bánh phi cơ cũng chạm đất, những cặp mắt đổ dồn ra khung cửa sổ máy bay. Phú Bài!
Cơn gió cắt da, bãi cát trắng trải dài, mưa nặng hột. Thiếu áo lạnh, tất cả đều quấn Poncho đứng nhìn đoàn người gánh gồng xuôi ngược, hấp tấp và lo sợ, một số về Truồi, một số lên Giạ Lê, An Cựu.
Phú Bài đó, Tịnh Tâm đó, Cầu Kho đó, Mạ, dì, chị và em mình đó mà không liên lạc được. Tình hình không biết sao, ruột như lửa đốt. Trách nhiệm nặng nề, tôi nằm trằn trọc suy nghĩ thật nhiều để chờ sáng mai. Kỷ niệm thời đi học kéo về trong trí tôi, đẹp quá, nhẹ nhàng quá, vụng dại quá.
Mười giờ sáng, đoàn GMC đưa chúng tôi về Huế. Qua Giạ Lê, đồng bào hỗn loạn, nét lo âu hiện rõ trên mặt. Tới An Cựu, dân chúng thưa thớt, nhà hai bên đường đóng kín cửa. Dọc quốc lộ 1 từ Huế về Phú Bài, binh sĩ Nhảy Dù từng toán dìu nhau âm thầm đếm bước. Những cái nhìn như nhắn gửi, như lo sợ giùm chúng tôi. Mạnh, Ðại Úy Nhảy Dù, cùng khóa cho tôi biết:
– Huế tang thương và điêu tàn lắm Phán ơi. Thừa (cùng khóa) chết, Phạm Như Ðà Lạt bị thương…
Mạnh khắp người băng bó đang được hai đệ tử dìu đi bộ về phi trường Phú Bài. Mạnh tiếp:
– Phán, mày cẩn thận. Không yểm trợ, không thực phẩm, không tiếp liệu, thời tiết quá xấu. Tụi nó chiếm hết thành phố, Ðại Nội, Gia Hội. Tụi nó chốt rất kỹ, chỉ còn cái lõm nhỏ ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 tại Mang Cá*.
(*Sau này tôi được nghe nói: Vì nghe tin Tướng Ngô Quang Trưởng kẹt nặng nên Đại Bàng Lê Quang Lưỡng, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn Nhảy Dù đã xua quân đi bộ từ cây số 17 về Huế để cứu Tướng Trưởng. Tôi xin Tướng Lưỡng cho tôi được nghiêng mình chào Ông một cách đầy kính phục cho cái tình nghĩa huynh đệ không bút nào tả nổi này. Ðể đáp trọn tình nghĩa, Lữ Đoàn của Đại Bàng Lưỡng cũng hao hụt nặng nề).
Ðoàn xe dừng lại bên hông đại học Văn Khoa, cách con đường là trường Kiểu Mẫu mới xây, đối diện là đài phát thanh Huế, và trước mặt là cầu Trường Tiền, chiếc cầu tượng trưng cho xứ Huế, chiếc cầu đã hàng ngàn, hàng vạn lần qua lại, đầy ắp kỷ niệm.
Nhìn qua chợ Ðông Ba và phố Trần Hưng Ðạo mà lòng quặn thắt. Một mái chợ đã sập, những cột khói ngút trời cách khoảng. Từ đầu đường đến cuối đường Trần Hưng Ðạo không một bóng người. Nhìn bên phải là cầu Gia Hội vắng tanh, những cột khói khác vươn lên… Cả thành phố đã chết, Huế tôi tang thương đến thế sao! Một nhịp cầu đã sập, tôi nghĩ vành khăn tang đã cuốn lấy Huế.
Xuống tàu tại chân cầu Trường Tiền, xuôi dòng Hương xanh biếc ngang Gia Hội, quẹo trái sông Hang Bè, cầu Ðông Ba đó, có tiệm La Ngu ngày xưa chúng tôi thường mua dụng cụ học trò. Tiếp tục xuống ngang tiệm gạo Mụ Ðội, có người con gái đẹp não nùng tên Xuân mà con trai Huế lứa tuổi tôi đều hơn một lần đi qua đó để nhìn người con gái trời cho đẹp. Qua trường Bình Minh, nơi tôi học năm Đệ Tam, nhiều kỷ niệm đẹp. Ðến Bao Vinh, dân chúng nhốn nháo khi thấy một đơn vị lớn đang đổ bộ tại bến đò.
Tôi hướng dẫn đơn vị vào Mang Cá Nhỏ để tới bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ðịch chào đón bằng hàng loạt hỏa tiễn 107 và 122. Tất cả nằm sát bờ tường để tránh pháo và tìm chổ phòng thủ. Tôi cho lệnh Sự, Trung Úy Ðại Đội Phó, kiểm soát con cái và chuẩn bị cơm chiều. Trung Úy Sự là sĩ quan trẻ, có tài và đầy nhiệt huyết, xuất thân Khóa 19 Võ Bị Ðà Lạt, thủ môn đội tuyển Nha Trang, đúng là đa năng đa hiệu.
Tôi dự buổi họp Tiểu Đoàn khẩn cấp và quan trọng. Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh:
– Phu Nhơn rành địa thế dẫn đầu, 8 giờ sáng mai xuất phát. Kế tiếp là Tôn, Ðại Đội 1, Lượm Ðại Đội 2, tiếp theo là Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn cùng Ðại Đội Chỉ Huy, sau cùng là Tòng Ðại Đội 4. Mục tiêu Phu Nhân phải chiếm là trường tiểu học Trần Cao Vân. Trước trường có thành Quân Cụ, vào khoảng một đại đội ta đóng ở đó, không biết còn hay mất.
Phán hỏi:
– Còn phi trường Thành Nội thì sao? Tình hình trong Ðại Nội, Thiếu Tá có nắm vững không?
– Không rõ, tụi nó chiếm hết, chốt rất kỹ. Tất cả các cửa Thành Nội tụi nó đều kiền và chốt rất chặt. Cửa Hữu, cửa Chánh Tây, cửa Sập, cửa An Hòa, cửa Ðông Ba, Kỳ Đài Phú Vân Lâu..v.v.. tụi nó đều chiếm hết.
Trong óc tôi, một bản đồ chi tiết hiện ra rất rõ cho một cuộc hành quân mà tình hình tôi nắm không được vững. Tôi cố tìm một con đường ngắn và an toàn nhất cho đơn vị để tới mục tiêu. Có rất nhiều đường đưa tới trường Trần Cao Vân, nơi từ 9 tuổi đến 19 tuổi tôi đã bao nhiêu lần đi lại. Con đường nào cũng đầy hoa và mộng, nay tôi đang tìm một con đường không có máu để cho anh em chúng tôi đi.
Tám giờ sáng, tất cả gọn gàng, sẵn sàng di chuyển. Ba trăm thước đường từ Mang Cá đến nhà tôi sao quá dài. Bồn chồn, nóng ruột vì nơi đó Mạ tôi, dì tôi, chị tôi và em trai út của tôi đang trông ngóng. Không biết có bị gì không?
Thiếu Uý Duật, Trung Đội Trưởng Trung Đội 2 dẫn đầu. Duật xuất thân Khóa 21 Ðà Lạt, hăng say, gan, thích xóc đĩa và gái đẹp, uống rượu rất ít, chỉ phá mồi. Phán và Ban Chỉ Huy Đại Đội kế tiếp. Thiếu Uý Nghênh, Trung Đội Trưởng Trung Đội 1 tiếp theo. Nghênh xuất thân từ “Commando Du Nord”, kinh nghiệm, gan lỳ, thích đánh phé nhưng đánh nhỏ, rượu rất ít và không thích gái. Kế đến là Thượng Sĩ Nhất Mã Khện, Trung Đội Trưởng Trung Đội 3, xuất thân Commando trong Nam, rất gan lỳ, ít nói, mê rượu, không mê gái. Sau cùng là Thượng Sĩ Nhất Hải, Trung Đội Trưởng Trung Đội súng nặng. Hải xuất thân “Commando Du Nord”, người Nùng, lỳ lợm già dặn chiến trường, không rượu, không gái và không thuốc lá.
Hai bên đường dân chúng đứng chen chúc, vẻ mặt hớn hở, thật tội nghiệp cho họ. Lần lần những khuôn mặt quen thuộc hiện ra, những cánh tay vẫy chào, nào mụ Ðội Dậu, mụ Ba, ông Sung, ông Dung, anh Thiên chủ bàn Ping Pong… Những tiếng nói đó đây:
– Anh Phán đó tề! Anh Phán! Anh Phán…
Tiếng gọi lớn dần và lan dài suốt con đường tôi đi.
Con hẻm sát hồ Tịnh Tâm là đường vào nhà tôi. Mạ tôi đó, dì, chị và em tôi đó, xao xuyến quá! Tôi đi nhanh đến ôm Mạ tôi, dì và chị tôi khóc như mưa. Thằng em luống cuống chạy quanh, bị Mạ tôi nạt:
– Mi chạy mau vô nhà lấy khúc cá kho khô và đòn bánh tét gói lại đem ra đây bới cho anh mi.
Mạ tôi dụi vào tay tôi chai dầu Nhị thiên đường:
– Con xức cho khỏi gió.
Lính đi ngang hỏi nhau:
– Mạ Ðại Úy sao đầu trọc lóc vậy bây?
– Bà ấy đi tu để phước cho con, tụi mình cũng được hưởng ké đấy.
Phán và âm thoại viên vẫn còn dừng lại:
– Nhà mình có răng không Mạ? Bà con thân thuộc có ai bị chi không?
– Nhà ông Quế chủ quán Chiêu bị trúng hai trái nhưng người thì không răng. Nhà mình bị ngói đổ một góc, cây đào bị gãy ngọn. Còn thằng Chỉ không biết đi mô.
Chỉ là bạn tôi xuất thân Khóa 17 Võ Bị Ðà Lạt. Tôi xót xa đắng miệng:
– Thôi con đi, Mạ và gia đình đừng lo cho con.
Mạ tôi khóc òa, tôi thật não lòng. Những tiếng gọi anh Phán, anh Phán tiếp tục vang lên cho đến giữa hồ Tịnh Tâm.
Tiếng gọi, giọt nước mắt và những cánh tay chào vẫy, phải chăng nhắc nhở trách nhiệm của tôi. Bây giờ là lúc đền đáp ơn sâu nghĩa nặng. Vinh dự này thật khổ. Máu nóng sôi trong người, tôi và hai âm thoại viên vượt lên đi với trung đội đầu.
Cuối hồ Tịnh Tâm là đường Tịnh Tâm, tôi cho lệnh quẹo tay mặt theo đường lên nhà ông Ngự Ðạt. Như vậy bên hông mặt của con cái tôi lúc nào cũng có bức thành và cái hồ che chở. Cuối đường Tịnh Tâm quẹo trái là trường tiểu học Ðoàn Thị Ðiểm, nhưng tôi không đi con đường này. Tiếp tục đi thẳng qua một con hẻm nhỏ, con đường đã bao lần đi lại, nào ăn cắp me, nào trộm sấu, nào hái xoài, nào đào sen, nào học thi, nào thăm người yêu… Con đường nào cũng nhắc tôi bao kỷ niệm yêu dấu khôn quên.
Ðến Canh Nông, chưa thấy phản ứng nào của địch, gần sân bay Thành Nội dân chúng thưa thớt và kinh hãi. Tôi cho dừng quân bên này đường, một ông già mách:
– Con đường ni bị bắn rất rát, từ trong cửa Hòa Bình ở Ðại Nội bắn ra.
– Còn sân bay Thành Nội ra sao ôn, có ai khôn?
– Ðánh nhau mấy ngày ni dữ lắm, mà tui không biết răng, không biết mình hơn hay thua nữa.
Tôi chỉ con đường và hướng dẫn Duật: Băng qua khỏi con đường này, đến một xóm nhà, qua một cái cống thì bên trái là thành Quân cụ. Nghênh và Mã Khện yểm trợ hông mặt cho Duật, và sau đó băng qua đường theo tôi. Con đường chỉ có 5 thước mà hơn một giờ mới vượt qua với 6 thằng em rớt rụng trên mặt đất. Lần mò theo mép đường tới sát ống cống, tôi cho dừng lại, phi trường vắng tanh. Tôi bảo Duật:
– Mày cho một thằng con nhỏ qua trước làm đầu cầu bên kia cống, sau đó cho tất cả con cái mày qua rờ vào thành Quân Cụ, chờ tau lên.
Thành Quân Cụ cao khỏi đầu người, không liên lạc được với bên trong. Tất cả con cái nằm sát thành để tôi và đám cận vệ bò tới cổng chính. Loáng thoáng thấy nón sắt, Field -Jacket, giây ba chạc, không phải tụi nó đâu, chắc chắn là bạn rồi. Thằng đệ tử tôi gọi lớn:
– Ê! Thủy Quân Lục Chiến đây.
Một loạt đạn bay qua khỏi đầu một cách rùng rợn. Bò lết vào tới trong đồn, ông trưởng đồn nói tiếng Huế đặc sệt, ông là Trung Uý Cát, thủ môn nổi tiếng của Huế:
– Ðại Úy ơi, 7 ngày không ra vào nổi, nó bao hết. Trường Trần Cao Vân, Ðại Nội, xóm nhà trước mặt và bao quanh đồn tụi nó chốt hết. Nhà bảo sanh sau lưng trường cách một cái hồ tụi nó cũng chiếm luôn. Dân chúng chạy hết rồi, không còn ai cả. Tụi nó pháo liên miên, không cho ngóc đầu được, đủ loại: 61, 82 hỏa tiễn 107, 122. Tôi ráng cố thủ đây được ngày mô hay ngày nấy, còn ngoài nớ tôi không liên lạc được nên không biết tình hình các nơi khác ra răng.
Tôi trở ra báo cáo về Tiểu Đoàn, lệnh của Tiểu Đoàn Trưởng:
– Phu Nhơn chiếm cho bằng được trường Trần Cao Vân, dọn sạch chung quanh. Tiểu Đoàn Trưởng và Bộ Chỉ Huy sẽ lên ở trại Quân Cụ. Quan sát địa thế thêm một lần nữa, trước mặt trường là cái am lên đồng, bên cạnh là quán hớt tóc lợp tranh chỉ có một ghế ngồi. Sát đó là ngã ba đường, một đường chạy lên cửa Sập, một chạy về trường Ðào Duy Từ và một chạy đến trường Trần Cao Vân. Có bốn năm cái đầu lố nhố bên trong trường. Duật phải chiếm am trước, trong trường bắn ra mãnh liệt, có cả B.40. Tôi ra lệnh Nghênh và Mã Khện cầm chân hỏa lực trong trường học. Duật chiếm xong am không một tổn thất. Tôi gọi Thượng Sĩ Hải đem hai đại liên và một 57 không giật lên tăng cường cho Duật để Duật yểm trợ cho Mã Khện vào trường. Sau 45 phút dùng mưu kế cùng với hỏa lực và sự gan dạ, kinh nghiệm, Mã Khện đã chiếm được một lớp của trường. Nghênh tràn vào cùng với Mã Khện lục soát và làm sạch sẽ. Hỏa lực từ góc Thành Nội đổ dồn về phía trường học, không sao, có thành của các lớp học che chở.
Tôi kêu Sự:
– Pháo binh có chưa? Kêu về đại bàng Thanh Hoá cứ bắn vào góc thành cho tau.
Ðến chiều vẫn không có một trái pháo bắn, anh em tôi có 7 đã lót đường cho mục tiêu đầu và 3 bị thương nặng. Tôi lên sát Duật và bảo đem cây 57 đến:
– Nhắm ngay vào góc thành, tụi nó bắn rát quá cứ “phơ” cho tau, trật trúng gì không cần, chỉ cần tiếng nổ.
Qua một vạt đất trống, trong một ngôi nhà gạch có bóng người lấp ló. Duật quay 57 nhắm thẳng:
– Nhột quá, cho em bung cái nhà này đi.
Tôi bỗng thấy có bóng đàn bà, tôi la lớn:
– Khoan bắn, nhà thầy Tiềm.
Rồi tôi băng qua đám đất trống đến nhà gặp cô và các cháu. Không thấy thầy, tôi chào cô và giới thiệu tôi học Sử Địa với thầy ở trường Bồ Ðề và khuyên cô về dưới phố. Tôi trở lại vị trí mà lòng nao nao buồn. Giờ này vẫn chưa có pháo, làm sao khóa góc thành đó lại. Duật bảo con cái đào hầm hố thật kỹ, tôi dặn:
– Mày cố thủ tại đây cho Tiểu Đoàn lên.
Tôi cùng đám đệ tử lúp xúp chạy đến tiệm hớt tóc để quan sát ngã ba đường và góc Thành Nội. Tôi chợt nghe tiếng đàn bà rên la quằn quại, sau cùng chỉ còn tiếng rên nho nhỏ. Nơi góc quán tối tăm, một người đàn bà máu me khắp nửa phần thân thể, vừa bị thương nặng lại vừa sanh ra một bào thai lờ mờ tượng hình đứa bé, trông giống như con rắn mối. Xót xa, chịu không nổi, tôi ra lệnh đem chôn đứa bé ngay và chuyển người mẹ về đồn Quân Cụ cho bác sĩ Tựu cứu giúp.
Ðến lúc ấy đại đội tôi đã có 13 chết, 3 bị thương nặng để trải thảm cho đơn vị.
Tối đó, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đến trại Quân Cụ. Sáng hôm sau, Tiểu Đoàn Trưởng cho Ðại Đội 2 của Tôn và Ðại Đội 1 của Lượm dưới sự chỉ huy của đại ca Ðã, Tiểu Đoàn Phó, chiếm nhà bảo sanh. Ðoạn đường có 30 thước, cách một hồ nhỏ mà phải trả bằng 50 đứa con thân yêu. Sau 8 tiếng đồng hồ mới chiếm được nhà bảo sanh, Tôn bị thương ngay từ phút đầu, Lộc Ðại Đội Phó lên thay.
Mười ngày tiếp theo, nhìn nhau qua một con đường rộng vừa đủ cho xe chạy mà hai bên đều khựng. Mưa vẫn rơi ray rức lê thê, thỉnh thoảng cơn gió thật lạnh thổi qua. Có những trận tấn công chớp nhoáng của địch vào Ðại Đội của Lượm và Lộc đều bị đánh bật lui. Ngược lại ta cũng nhiều lần cố tràn qua bên kia nhưng không chiếm được thêm một tấc đất. Hai bên tải thương đều thấy nhau rất rõ. Lượm bị hao hụt nặng, Phu Nhân lên thay. Tôi và con cái bò lên từng toán một, địch và ta đã sát nhau, ngóc đầu lên là đạn bắn xuyên mũ sắt ngay. Hơn nửa ngày mới trám hết vị trí của Lượm. Lượm và Tòng về phòng thủ cho Tiểu Đoàn. Tối đến pháo địch đủ loại nổ vang trời. Xác chết của anh em nằm trên mặt đường, sình lớn mà không lấy được. Phía bên kia bốn năm xác địch vẫn để yên, tụi nó cũng không dám ra lấy về. Cố giữ đất, giữ vị trí và làm vài cuộc tấn công nhỏ vẫn không qua đường được.
Từ căn nhà hai tầng cuối đường nhìn xéo từ nhà bảo sanh, một thượng liên và và trung liên nồi của tụi nó kiểm soát con đường rất kỹ, dưới sự chỉ huy của một đứa con gái mặc áo choàng màu xám, tóc xỏa dài nhưng không thấy rõ mặt. Tay đứa con gái chỉ tới đâu thì đạn nổ dồn về hướng đó. Tôi nhắm bắn hai phát M16 nhưng hụt, nó trốn nhanh vào sau cửa và mất luôn.
Hai mươi ngày nằm chịu pháo và bị bắn sẻ, tối nào hai bên cũng rà máy chửi nhau. Theo dõi máy, đột nhiên tôi bắt được một câu báo cáo của tụi nó:
– Bồ câu hết thóc!
Tôi nghĩ ngay tụi nó đang thiếu đạn, nếu cứ nằm như thế này, một lúc nào đó tụi nó tập trung tấn công, mình cũng sẽ bị mất vị trí ngay, chỉ vì áp lực quá nặng nề, tổn thất nhiều, tinh thần anh em quá mệt mỏi. Tôi đi đến kết luận riêng: “Nếu mình không đánh nó, chắc chắn nó sẽ tấn công mình”. Tôi trình với Tiểu Đoàn Trưởng:
– Thiếu Tá cho tôi luôn thằng 2 để tôi tấn công tụi nó. Tôi thấy tinh thần anh em xuống quá và sức khỏe ngày càng hao hụt.
Tiểu đoàn trưởng không cho, bắt ráng giữ vị trí. Phu Nhơn năn nỉ:
– Nếu không thì cho tôi đột kích, tôi cùng vài toán nhỏ tràn qua đường đánh đột kích rồi rút về. Mình phải chứng minh cho tụi nó thấy mình còn đủ sức chơi tụi nó, thời tụi nó không dám tấn công mình.
Tiểu đoàn trưởng nói:
– Làm kế hoạch xong cho tôi hay.
Tại hầm của tôi anh em đang chờ, họ gồm: Lộc Ðại đội 2, Sự Ðại đội phó của tôi, Duật, Nghênh và Mã Khện. Tôi nói:
– Nằm chờ lâu tau chán quá, chỉ muốn qua đột kích tụi nó rồi rút về.
Tất cả im lặng, tôi tiếp:
– 4 giờ sáng mai mình đột kích, nếu giữ được vị trí thời tau cho tràn luôn. Bây giờ tao chọn 4 toán:
Tất cả trang bị thật nhẹ: mỗi người 20 quả lựu đạn và hai băng đạn cong ráp ngược cho M16.
Sự và Lộc dẫn con cái ra sát bờ đường, khi thấy khói xanh thì lùa tất cả tràn qua. Nếu thấy khói màu vàng, yểm trợ tối đa cho tụi tau dọt về. Sự và Lộc hãy về lo cho con cái, đúng 4 giờ sáng sẵn sàng tại vị trí.
Duật, Nghênh và Hải ở lại, tôi nhìn anh em thật lâu rồi cho biết:
– Tau theo dõi tụi nó báo cáo qua máy, hình như tụi nó thiếu đạn. Do đó tau quyết định cuộc đột kích hôm nay.
Tôi nghiêm mặt và lạnh lùng nói:
– Hai ông Duật và Nghênh tôi chỉ định phải đi với tôi. Riêng ông Hải, tôi cho ông suy nghĩ lần nữa. Lần này đi khó trở về, ông con cái đông, muốn ở lại vị trí tôi cho phép và tôi hứa rằng tôi không nghĩ là ông thiếu can đảm.
Suy nghĩ một lát, Thượng sĩ Hải trả lời:
– Ðại úy cho tôi ở lại vị trí.
Tôi vui vẻ bằng lòng và gọi Mã Khện đến, Mã Khện đồng ý đi và xin đem theo Hạ Sĩ Nhất Mười. Tôi tiếp:
– Bây giờ các ông về chọn người xong lên gặp tôi.
Tôi ngồi suy nghĩ miên man, liều, phải liều mới cứu được đơn vị. Chiều hôm đó, lúc 4 giờ, các toán trưởng lên gặp tôi, có thêm Trung Úy Sự. Tôi hỏi lần chót:
– Có ai xin ở lại cho tôi hay.
Không ai trả lời. Tôi căn dặn Sự nhắc Lộc khi thấy khói xanh thì sao và khói vàng thì sao, phải nhớ kỹ. Tôi đưa ba toán trưởng bò đến hầm trú ẩn của nhóm tiền đồn ở sát ngã tư đường. Tôi chỉ từng căn nhà bên kia đường:
– Cái thứ nhất gần ngã tư là mục tiêu của tau, cái thứ hai kế tiếp có hàng rào là của Nghênh, căn thứ ba cũng có hàng rào và cây nhãn cao là của Mã Khện, căn thứ tư có mấy bụi chuối lớn là của Duật. Tất cả hãy quan sát cho kỹ và cố chọn một con đường tiến quân thích hợp, không cần báo cáo miễn sao thích hợp thôi.
Tôi tiếp tục quan sát mục tiêu của tôi. Căn nhà bằng gạch có nhà trên và nhà dưới, kế đó là cầu tiêu xây bằng đá lợp tôn, sát đường là cái giếng xi măng. Trước sân có hai cây vú sữa cao và sai trái. Tôi biết phải làm gì để chiếm căn nhà đó. Tôi quay lại nói:
– Lần chót tôi hỏi các ông có ý kiến gì không? Ðúng 4 giờ sáng mai tôi sẽ chiếm trước, sau đó tùy các ông bằng mọi cách phải hốt cho bằng được các mục tiêu tôi ấn định.
Trở lại vị trí, tôi dặn dò Ðiểu, Việt, Can, Dư và Phúc mang máy:
– Tối nay miễn gác, 3 giờ sáng mai gặp tau ở đây.
Sau đó tôi đi gặp Tiểu đoàn trưởng để trình bày kế hoạch. Ông nói:
– Nguy hiểm quá, không được, chết cả lũ!
Tôi nói:
– Nếu Thiếu Tá không làm bây giờ, một vài ngày nữa tụi nó chỉ cần ho là lính mình chạy hết.
Cuối cùng ông chấp thuận:
– Nhớ là có gì thì trở về liền, càng sớm càng tốt.
Tôi dạ nhưng trong đầu tôi nghĩ khác. Trước mắt tôi bây giờ không có gì ngoài đoạn đường từ tiền đồn qua cái giếng, lên cầu tiêu, tới nhà dưới rồi chiếm nhà trên. Tôi nằm suy nghĩ triền miên cho đến 3 giờ sáng.
Trước khi bò ra tuyến xuất phát, tôi nhắc Sự và Lộc một lần nữa cho chắc ăn. Bốn giờ kém mười sáng, toán tôi có mặt tại tiền đồn.
Trời vẫn mưa, mưa xứ Huế có dư âm cái lạnh của ngày Tết. Trời tối không thấy gì, tôi ngại bắn lầm nhau. Gắng chờ một chút nữa, đến 5 giờ sáng mưa vẫn không tạnh, trời vẫn tối mù. Năm giờ rưỡi, cái giếng đã nhìn thấy được. Chuẩn bị! Tôi cảm thấy hồi hộp, chỉ cần bốn cái nhảy vọt là qua bên kia đường nhưng khó như đi lên trời vì con đường này là con đường tử thần làm ranh giới bên ta và địch, là hai mươi ngày trời không nuốt nổi 5 thước đất. Rách nát bao nhiêu cũng vẫn không qua được. Bây giờ mình cắt băng khánh thành, phải làm để cứu đơn vị, phải hy sinh để cứu đồng đội.
Vừa suy nghĩ xong, tôi phóng vụt qua ôm bờ giếng. Kế tiếp là Ðiểu, Việt, Can, Dư băng theo. Tất cả ngồi ôm thành giếng, mồ hôi ra như tắm mặc dù trời lạnh như cắt. Ðiểu và Can chiếm cầu tiêu. Bỗng một loạt đạn thật giòn và thật gần, tôi quay nhìn ra đường. Phúc và cái máy nát mình nằm trên mặt đường nhựa, dưới làn đạn mịt mùng của địch. Tôi hét lớn:
– Dư, Việt chiếm nhà bếp.
Tôi theo sát lên cầu tiêu bên cạnh Ðiểu và Can. Súng và pháo nổ dồn dập, một B.40 nổ ngay trên đầu mái tôn cong, cả ba thầy trò đều bị miểng nhỏ đâm đầy mặt, tóc râu và lông mày đều bị cháy. Cầu tiêu nhỏ quá nên tôi cùng Ðiểu và Can lên nhà bếp. Tôi ra lệnh:
– Ðiểu và Dư chiếm nhà trên, lục soát thật kỹ. Ðể Việt ở lại, tôi và Can cũng lên nhà trên. Ðiểu và Can giữ cửa chính nhìn ra sân, tôi và Dư giữ cửa sổ nhìn ra vườn có nhiều luống khoai lang.
Trời sáng hẳn, tôi lắng tai chẳng nghe nhà bên cạnh có gì cả bèn bò trở ra bờ giếng và thấy Duật, Nghênh, Mã Khện vẫn còn bên kia đường. Tôi toát mồ hôi. Tôi nhìn thẳng vào mấy ổng rất nghiêm và lấy ngón tay ngoắc. Tôi không dám gọi lớn tiếng, mấy ông kia gật đầu. Tôi bò trở lên nhà trên. Lựu đạn, súng nhỏ, súng lớn nổ khắp nơi và nhất là bên phía tay mặt tôi. Tôi biết rằng tụi tôi đã băng được qua đường. Tôi hỏi khẽ:
– Thấy gì không Dư?
Dư lắc đầu, tôi nghe tiếng thì thào sát vách tường phía ngoài. Tôi đoán khoảng 7-8 người đang ở trong một cái hầm, tôi dùng ngón tay đẩy nhẹ cửa sổ. Một loạt đạn từ phía nhà đối diện xuyên ào ào vào cửa sổ. Bỗng Dư chỉ tay về phía các luống khoai, tôi đếm đủ 11 người đang bò qua, kaki Nam Ðịnh, súng AK và B.40, cách vách tường khoảng 20 thước, 15 thước rồi 10 thước. Tôi đưa súng lên lên định bóp cò thì Dư kéo lại và ra dấu dùng lựu đạn. Tôi dựng cây súng xuống thật nhẹ, hai tay rút hai trái lựu đạn miệng cắn chốt. Dư cũng thế, bốn lựu đạn ném ra cùng lúc, tiếng nổ xé trời, rồi bốn trái tiếp theo. Bên ngoài tường, tiếng hét lớn rồi tiếng rên và sau đó im lặng, tụi còn lại bò sát vào chân tường. Nhìn ra cửa, 5 xác nằm vắt trên luống khoai. Một loạt đạn nổ và tôi nghe:
– Chết em, Ðại uý!
Tôi sững sờ nhìn Dư, tay trái ôm ngón út của bàn tay mặt đầy máu, ruột của Dư đổ ra lòng thòng. Dư ngã vật ra chết tại chỗ, nơi Dư đứng có một lỗ hổng nhỏ ở vách tường. Vì mãi nhìn qua cửa sổ mà không để ý ở phía dưới: nguyên một họng AK thọc qua lỗ tường để sát bụng Dư mà nhả đạn. Tôi bắn một loạt M16 ra cửa sổ, và cứ thế hết quả này qua quả khác tôi ném tất cả lựu đạn của tôi ra ngoài bờ tường.
Hai thằng em đã hy sinh, còn bốn thầy trò phải giữ vững vị trí. Phía bên tay phải của tôi, súng vẫn nổ dữ dội. Ðến 10 giờ 30 sáng tôi cho Ðiểu liên lạc với Nghênh, Duật và Mã Khện. Ðiểu băng người ra đi, bốn căn nhà cách nhau mười phút đi bộ mà hơn một tiếng đồng hồ sau Ðiểu mới về báo cáo là tất cả đã chiếm được mục tiêu. Có đoạn đường nào xa và xấu hơn đoạn đường tôi đang đi!
Toán Duật: một chết một bị thương.
Toán Mã Khện: hai chết.
Toán Nghênh: một chết một bị thương.
Tất cả là 6 chết 2 bị thương, chúng tôi còn lại 11 người tại tuyến.
Ðiểu bò ra giếng cố đem qua cho tôi một cái máy. Cột máy vào một đầu dây và quăng đầu dây kia qua cho Ðiểu kéo. Can mờ máy liên lạc với Tiểu đoàn:
– Trình đại bàng, tôi sẽ cho tràn ngập vị trí với thằng 2 của Lộc và thằng 3 của tôi.
Ðại bàng hỏi:
– Tại sao từ sáng đến giờ không chịu liên lạc với tôi? Tôi ra lệnh rút về ngay.
Phán nài nỉ:
– Ðây là dịp may, tinh thần anh em đang lên, tôi xin đại bàng cho làm luôn.
Ðại bàng Thanh Hóa nói bằng bạch văn không ngụy trang:
– Nếu anh không rút về, tôi sẽ đưa anh ra tòa án quân sự.
Khí giận bừng bừng, tôi tắt máy không trả lời, trên tay vẫn cầm trái khói xanh. Suy nghĩ thật kỹ. Suy nghĩ thật kỹ. Hơn mấy giờ để đánh mục tiêu, bốn căn nhà và một con đường ngập máu. Mưa vẫn lạnh như cắt da và mồ hôi vẫn ra như tắm.
Cuối cùng tôi đành bảo Ðiểu chuyển lệnh cho các toán:
Năm thước đường đi đã khó, về còn khó hơn. Mỗi bóng người nhúc nhích là đạn nổ hàng loạt, liên hồi, đạn bắn chéo bao phía, đan lưới thật dày trên mặt đường và khắp vị trí. Làm sao trở về đây? Con cái bên kia đường đưa mắt theo dõi. Toán tôi bò ra giếng, bỗng mấy bóng đen vụt qua đường như sao xẹt, nhào vào bờ lề và được anh em kéo ra sau. Ðạn nổ dòn tan cày nát mặt đường. Ðây là mấy đứa bị thương nặng, tưởng là di chuyển không nổi, nhưng khi nghe lệnh rút chúng thu hết tàn lực vùng chạy về, chớp mắt không kịp thấy.
Hỏa lực 3 phía nổ vùi vào vị trí chúng tôi. Các toán đột kích không còn liên lạc với nhau. Ðiểu và Can vẫn giữ căn nhà. Ðịch kiểm soát con đường bằng mấy cây thượng liên và trung liên, chúng bắn liên miên. Bên kia đường, Sự và Lộc đáp lễ bằng hỏa lực cơ hữu của Khăn Tím và của 2. Tôi lấy chân đạp vào thành giếng phóng người băng qua đường, lăn mình, nhảy, chạy và té ào vô bờ lề. Anh em kéo vội tôi ra sau, tôi dừng lại bảo Lộc và Sự bắn từng loạt một để tụi nó dọt về.
Nhìn thấy Việt ngồi thành giếng trố mắt ngó về mà tội nghiệp. Sống và chết cách nhau có một con đường. Tôi hồi hộp xót xa cho mấy thằng em. Tôi vừa quay mặt hét:
– Bắn kềm mấy cây thượng liên.
Những bóng người bay vọt qua đường. Tim tôi thắt lại, đạn nổ mịt mù. Lần lượt tôi gặp Nghênh, Duật, Mã Khện và tất cả anh em. Tôi ôm ghì từng đứa, tụi nó còn sống cả. Can và Việt nhào đến ôm tôi một cách dữ dội mà đậm đà trìu mến. Lính với tay sờ người, nắm nhẹ áo tôi:
– Ðại Úy, tóc và râu Ðại Úy cháy hết rồi, mặt bị dăm nhiều chỗ.
Cả Ðại đội bất chấp đạn địch, đứng dậy nhìn nhau hãnh diện và sung sướng. Tôi báo cáo Tiểu đoàn:
– Tất cả đã về vị trí.
Bỗng tôi thấy thiếu một cái gì, tôi nhìn Can và Việt hỏi:
– Thằng Ðiểu đâu?
Tụi nó nói:
– Lần cuối cùng em thấy nó vừa khóc vừa chạy lung tung tìm Ðại Úy ở bên ấy.
– Thôi chết tau rồi, tau phải cứu nó, hai thằng bây theo tau.
Tôi, Can và Việt bò trở ra đường. Bỗng nhiên một bóng người nhảy qua khỏi hàng rào, nhảy qua khỏi miệng giếng, phóng nhanh qua đường, nhào lăn vào vị trí và la lớn:
– Ê, tụi bay thấy anh Hai đâu không?
Ðiểu đứng dậy nước mắt đầm đìa, tôi lao đến ôm Ðiểu:
– Tau định qua kiếm mày đây.
– Trời anh Hai, tụi nó nói anh Hai chết rồi. Em đi lục hết căn nhà mấy chục lần, chỉ không dám ra ngoài hè mà không thấy xác anh Hai đâu. Hôm trước Mạ có dặn nhỏ với em, phải sát bên cạnh anh Hai, nếu có gì cũng phải nhớ đem anh Hai về cho Mạ.
Tóc tai mặt mày râu ria Ðiểu cháy nám, áo quần rách bươm, nó khóc mùi mẫn vì thấy tôi còn sống. Rồi nó lại bẻn lẻn cúi đầu hai hàng nước mắt lã chã giọt xuống đất. Trong một cuộc chiến bạc bẽo lại có chút tình nghĩa trao nhau qua mấy giọt nước mắt nóng hổi. Sáu giờ chiều, xuống trình diện Tiểu Đoàn Trưởng, ông nói ngay:
– Ông làm chuyện nguy hiểm quá, lỡ kẹt bên đó thì nói làm sao với Lữ Đoàn?
Tôi dạ dạ vâng vâng cho qua rồi nghiêm mặt đề nghị:
– Thưa Thiếu Tá, ngày mai cho tôi tấn công, tôi tin chắc sẽ tràn ngập vị trí tụi nó. Cho tôi thêm thằng 2 của Lộc, để thằng 1 của Lượm đi sau thu dọn chiến lợi phẩm. Chỉ xin Thiếu Tá cho tôi hai chiếc tank kèm hai bên hông của tôi.
Ông hỏi:
– Có chắc ăn không Phán?
Tôi cương quyết:
– Chắc, và nếu tràn được vị trí Thiếu Tá cho phép tôi đánh thẳng lên Kỳ Ðài nếu kịp thời gian.
Tôi theo Tiểu Đoàn Trưởng lên trình ông Già Hự, Ðại Tá Yên Tư Lệnh Phó. Ông già chấp thuận.
Tôi trở về họp các trung đội trưởng:
– Ngày mai, 8 giờ sáng, Ðại Đội 3 Khăn Tím bên trái, Ðại Đội 2 của Lộc bên phải, dàn hàng ngang lấy con đường lên cửa Sập làm chuẩn tiến song song. Sau khi hai chiếc tank yểm trợ bằng hỏa lực xong, cả hai đại đội xung phong tràn ngập vượt qua mỗi chốt thật nhanh, không cần thâu chiến lợi phẩm, để Ðại Đội 1 đi sau làm chuyện đó. Tất cả ba lô và đồ ăn để lại, trang bị thật nhẹ, Khi tới xóm nhà sát cửa thành thì dừng lại chờ tôi.
Ðúng 8 giờ sáng ngày hôm sau, dàn quân, hai chiếc tank Ontos hạng nặng tiến lên, mỗi chiếc trang bị 6 cây đại bác 106 ly. Tôi chỉ vị trí tác xạ cho hai trưởng xa người Mỹ rồi ra lệnh khai hỏa. Hy vọng 12 cây 106 ly này sẽ san bằng mục tiêu trước mặt cho con cái tôi được dễ dàng đôi chút. Nhưng mỗi chiếc tăng chỉ bắn một phát đạn duy nhất rồi chạy lùi biến mất, không biết chạy về đâu. Tôi hết hồn, quân đã dàn xong, bắt buộc tôi phải ra lệnh xung phong. Tôi hét thật lớn, hét khản cả cổ:
– XUNG PHONG!!!
Cả một đoàn quân dàn hàng ngang, không một ai nhúc nhích.
Con đường trước mặt, con đường của 21 ngày máu và nước mắt, con đường tráng nhựa đẹp đẽ nhưng băng qua là đi vào cõi chết. Tôi tức giận chửi thề lung tung rồi chụp cây đại liên M.60 của người lính bên cạnh bắn một loạt dài rồi một mình tôi vừa bắn vừa băng qua đường cùng với toán cận vệ: Can, Việt, Ðiểu và hai thằng mang máy. Qua khỏi đường xông tới trước, tiếng đại liên của tôi nổ dòn. Ðúng lúc ấy cả đoàn quân đồng thanh hô xung phong và ào qua đường. Sau đó, đoàn người vượt nhanh qua mặt tôi và lướt tới trước. Súng nổ vang rền, đoàn quân tiến đều, M16 bắn vãi vào chốt, lựu đạn ném vào chốt, đạp chốt, bang chốt, lướt qua, cố giữ đội hình. Tiếng nổ inh tai liên tục, đàn áp thật mãnh liệt và chạy tới trước. Ðến 3 giờ chiều, chúng tôi đến xóm nhà sát cửa Sập.
Lính vỗ vai nhau cười làm tôi bắt cười lớn vì xóm nhà này rất quen thuộc với họ. Lính thường hay đến xóm này rồi về kể nhau nghe con này đẹp, con kia chân dài, con nọ… Nào khăn, nào thau vứt bừa bãi khắp nơi. Lính vui vẻ kể chuyện tục cho nhau nghe và hồn nhiên đùa nghịch. Những tiếng cười đầy ham muốn và thèm thuồng, hơn 40 ngày, từ vùng 4 về giải tỏa Sài Gòn rồi ra đây, không thấy mặt một người đàn bà, chỉ thấy toàn máu và mồ hôi. Tôi ra lệnh:
– Lộc và Sự mỗi ông cho 1 toán 10 người băng nhanh đến sát mặt thành rồi ngồi xuống. Toán kế tiếp chạy đến leo lên vai toán thứ nhất để toán này đồn đồn lên thành. Khi bám được mặt thành thì tác xạ tối đa và bằng mọi cách giữ vị trí để làm đầu cầu.
Con cái tôi hành động đẹp còn hơn tài tử xi nê. Tiếng đạn lớn nhỏ nổ rền, hai toán lên thành chiếm xong vị trí. Tôi cho tất cả con cái đem bàn ghế ra chất sát tường và leo lên ngay. Tiếng đạn và pháo địch vẫn mãnh liệt trên nóc thành.
Một chặng đường xương máu đã vượt qua, bây giờ mục tiêu chính, mục tiêu của niềm hãnh diện, mục tiêu của ơn sâu và nghĩa nặng: Kỳ Ðài Huế.
Ðây là nơi tượng trưng cho linh thiêng của dân tộc nói chung và cho Huế nói riêng. Duật và 20 người tiến chiếm 6 cây súng thần công to lớn, từ đó Duật dùng hỏa lực kềm địch ở cửa Ngọ Môn, yểm trợ cho Nghênh và Mã Khện chiếm Kỳ Ðài.
Ðịch bắn trả. Con cái tôi dùng hỏa lực tối đa và thần tốc tiến vào Kỳ Ðài. Phản ứng của địch bắt đầu yếu, 5 giờ 12 phút chiều, màu áo rằn ri Thủy Quân Lục Chiến đã làm chủ Kỳ Ðài. Lá cờ xanh đỏ sao vàng đầy hận thù còn ở trên không. Một thằng em rút đâu trong người ra một lá cờ vàng ba sọc đỏ thật lớn. Tôi gọi về Tiểu đoàn:
– Tất cả đã sạch sẽ, xin Thiếu Tá cho tôi treo cờ.
Tôi nhớ rõ lệnh của Trung tướng Lê Nguyên Khang:
– Một người lính Thủy Quân Lục Chiến duy nhất còn sống sót cũng phải dựng lại cho được ngọn cờ vàng tại Phú Vân Lâu.
Trong niềm vui cùng tột, Hạ Sĩ Hạnh hét lớn: “Thủy Quân Lục Chiến”, xong lấy trái hỏa châu đập mạnh định bắn pháo bông lên trời ăn mừng. Trong cơn say chiến thắng, Hạnh xoay ngược hỏa châu vào mình, hỏa châu nổ xuyên bụng. Hạnh cười tươi:
– Em không sao Ðại Úy.
Phán nghĩ thằng em này tỉnh táo quá, chắc nó chết, và nó chết thật.
Tiểu Đoàn Trưởng bảo Phu Nhân giữ đầu máy chờ.
(Sau này tôi được nghe: Khi báo cáo về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1, Chuẩn Tướng Trưởng xin Thủy Quân Lục Chiến dành vinh dự treo cờ cho Sư Đoàn 1. Sáng hôm sau ngày 24/2 Phạm Văn Ðính dẫn một đơn vị của Sư Đoàn 1 từ cửa Thượng Tứ lên làm lễ thượng kỳ.)
Nhìn lá cờ vàng phất phới trên nền trời màu xám của Huế, tôi hãnh diện thật sự vì một thằng con của Huế đã góp phần dựng lại ngọn cờ này.
Trung úy Sự trình tôi:
– Thằng Hạnh chết, mình còn 67 người.
Ðại đội ra đi hơn 17O người, sau 24 ngày và sau bao nhiêu lần bổ sung quân số, chỉ có 3 mục tiêu: con đường, cửa Sập và Kỳ Ðài mà bây giờ tôi chỉ còn lại 67 người.
Sáng hôm sau tôi về phối trí đóng quân lục soát ở khu vực cửa Ðông Ba, Nhà Thương Nhỏ, chợ Xép, ngã tư Anh Danh. Ban chỉ huy của tôi đóng tại một tiệm cầm đồ, tiệm này có Tôn và Lưu cùng học một lớp với tôi hồi nhỏ. Trong nhà không còn ai cả.
Chiều hôm đó tôi gặp lại rất nhiều bạn bè cũ. Tình hình chưa được an ninh hoàn toàn nhưng đóng ở đây chúng tôi nhẩn nha hơn trước nhiều. Tôi đi kiểm soát các vị trí và cho lệnh lục soát tàn quân địch. Lính canh bắt giải tới một người đàn ông lớn tuổi, gầy ốm ăn mặc lếch thếch, áo vét nhàu rách, tóc tai rối bù và dơ bẩn, miệng nói lí nhí.
– “Lệnh giới nghiêm, đã 11 giờ đêm sao ông này còn lang thang trên hè phố, em nghi quá,” Người lính nói.
Tôi sững sờ nhìn người đàn ông. Thầy Cao Hữu Triêm!
– Trời ơi Thầy!
Tôi gọi mấy tiếng lớn mà thầy cũng không nghe, thầy tiếp tục lẩm bẩm rất nhỏ. Tôi cầm tay mời thầy ngồi:
– Con là học trò cũ của thầy đây.
Một ánh mắt lạc lỏng xa vời:
– Ờ, ờ sao con khỏe không? Thầy mấy ngày ni chưa ăn chi cả.
Lính tôi kiếm cơm trắng và một đĩa gà luộc về mời thầy xơi. Tụi nó còn kiếm được một bình trà nóng mời thầy. Sau một hồi thầy tỉnh táo, và cho biết: cô và sắp nhỏ vào Ðà Nẵng, thằng con lớn bị chết rồi, thầy không muốn về nhà nữa. Rồi thầy khóc, giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo. Tôi nói:
– Thôi thầy ở đây với con cho yên.
Lính của tôi thay nhau hầu hạ thầy ân cần, đến ngày thứ tư thầy đòi đi, tôi thu xếp để thầy vô Ðà Nẵng. Từ đó, tôi mất tin tức của thầy. Cầu mong thầy được bằng an.
Ðược sinh ra và lớn lên ở Huế, tôi cố trả một phần nào chữ Hiếu cho nơi chôn nhau cắt rún. Máu của tôi, của anh em tôi, của đồng bào tôi đã tạo thành một cơn sóng thần cuốn đi tất cả kẻ thù để dựng lại ngọn cờ trên Kỳ Ðài tượng trưng cho Huế. Hai mươi năm sau, hồi tưởng lại, máu và xương kia đã theo dòng Hương Giang cuốn tôi và bằng hữu ra biển bắt làm người biệt xứ!
Lạy trời, một ngày nào đó, cũng Cố Ðô đó, cũng Kỳ Ðài đó, cho tôi được góp phần dựng lại ngọn cờ một lần nữa để đền đáp ơn sâu và nghĩa nặng, nơi tôi đã sinh ra, nuôi tôi lớn lên và cho tôi làm người.
Hôm 27-5-1958, lúc 22 giờ 40 phút 12 giây rưỡi, đương kim vô địch bóng bàn thế giới Tanaka quăng cây vợt quý giá xuống sân, chạy đến quì xuống ôm chân mẹ khóc rưng rức. Hơn 10.000 khán giả Nhật Bản ngồi lặng ngắt sững sờ. Hoàng Thái tử lẳng lặng ra về, nguyên ngày hôm sau không thèm tiếp khách.
Chuyện gì mà gớm thế?
Là đội bóng bàn nam Nhật Bản không có đối thủ trong suốt thập niên 1950 nay bỗng dưng bị các tay vợt Việt Nam Cộng hòa (VNCH) hạ gục ngay tại sân nhà. Làng bóng bàn thế giới rúng động. Nhật báo Đông Kinh viết:
“Trong lịch sử thể thao Nhật, có hai biến cố làm chúng ta đau lòng nhất là việc để đoàn Việt Nam đoạt Huy chương Vàng bóng bàn đồng đội nam ngay tại Asiad lần 3-Tokyo 1958 và võ sĩ Hà Lan Auton Geenik đoạt chức vô địch judo thế giới”.
Đội tuyển bóng bàn VNCH do Đinh Văn Ngọc làm trưởng đoàn, Chu Văn Sáng làm Huấn luyện viên cùng 5 tay vợt Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu, Lê Văn Tiết và Nguyễn Kim Hằng.
Ở vòng loại, 4 tay vợt Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu, Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết đã thắng như chẻ tre trước Philippines 5-1, Đài Loan 5-1, Iran 5-2, Hong Kong 5-1 và Nam Triều Tiên 5-2.
Vào chung kết, VNCH chọn 3 tay vợt chủ lực Hòa, Được và Tiết; đối phương tung ra đương kim vô địch nam thế giới Tanaka, cựu vô địch thế giới nhiều năm liền Ogimura và cây vợt số 2 của Nhật Bản lúc đó là Tsunoda.
Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu, Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết
Trước trận đấu, dư luận đánh giá các tay vợt VNCH chỉ có 10% hy vọng làm chuyện bất ngờ, bởi năm trước (1957) tại giải vô địch thế giới ở Thụy Điển, đội Nhật Bản đã hạ đội VNCH với tỉ số 5-3. Vì vậy, Liên đoàn bóng bàn Nhật rất tự tin mời Hoàng Thái tử đến xem và sẽ trao Huy chương Vàng cho đội thắng trận. Thế nhưng, cái 10% hy vọng chiến thắng lại trở thành hiện thực. Thế mới tài!
Thể thức thi đấu là đánh 9 trận đơn, bên nào đến 5 trước là thắng. Trận đầu, Hòa thắng Tsunoda 2-1. Kế đến, Ogimura gỡ hòa bằng chiến thắng 2-0 trước Được. VNCH vượt lên ở trận thứ 3 khi Tiết hạ Tanaka 2-0. Đội Nhật Bản lại bắt kịp khi Ogimura hạ Hòa 2-1. Ở ván thứ 5, Tiết hạ Tsunoda 2-0. Đội VNCH vượt lên dẫn 4-2 khi Được thắng Tanaka 2-0. Tay vợt lão luyện Ogimura là người “rửa mặt” cho chủ nhà khi thắng Tiết 2-1. Ván thứ 8, Hòa gặp Tanaka và xuất sắc thắng 2-0.
Trở về, đội được chào đón tưng bừng. Kỳ nữ Kim Cương tặng hoa cho vợt thủ Trần Cảnh Được tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Bộ phim nhựa quay những trận đấu ấy được công chiếu tùm lum các rạp chớp bóng toàn miền Nam. Sướng mê tơi.
Kim Cương tặng hoa cho vợt thủ Trần Cảnh Được tại phi trường Tân Sơn Nhất
Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, đến bữa ăn gia đình thường quây quần bên mâm cơm đạm bạc, không có người ăn trước người ăn sau, bởi nếu như vậy thức ăn sẽ không đủ cả cho gia đình mười người con.
Anh em có một thông lệ ngầm là mỗi tháng phải nấu hai lần canh chua, đó là ngày Ba tôi lãnh lương và ngày anh em chúng tôi đề nghị.
Mỗi lần nghe Ba tôi nói với Má: “Bà ơi mai nấu canh chua nghe bà” dường như đêm đó tôi không ngủ được, thử hỏi một thằng con trai còn non và chưa xanh vừa tròn mười lăm tuổi… ngày mai xách giỏ lẽo đẽo đi chợ với Má, thì ôi thôi “còn có danh gì với núi sông“ nữa.
Vào chợ, Má lựa chọn tỉ mỉ, cá phải là cá còn sống, rau phải tươi ngon, trái me không được già hay non quá, khóm mua nguyên trái vừa chín tới, bạc hà mới cắt phải còn mủ, lấy móng tay bấm vào phải xốp…
Việc mua nguyên liệu, Má đã cẩn thận, thì công đoạn nấu nồi canh chua còn công phu hơn nữa, để cạo lớp nhớt trên mình con cá Hú (Ú) phải là nước sôi vừa “reo” sau đó chà xát với muối tránh mùi tanh, cá cắt ra từng khứa bằng nhau để vào rỗ cho ráo nước không được để trên dĩa cá đọng nước sẽ không ngon, trái me cạo sạch và dằm me bên ngoài lấy nước chua tuyệt đối không dằm me trong nồi canh chua, khóm và các rau khác xắt ra đều để thứ tự trong rỗ…
Khi nghe tiếng xe đi làm về của Ba tôi ngoài cửa, Má tôi mới bắt đầu nấu nồi canh chua, Má nói nồi canh chua không được nấu sớm hay trễ quá sẽ mất đi mùi vị của nồi canh chua, giống như trái cây chín tới khi ăn mới cảm nhận được cái ngon của nó.
Tôi không quên được tiếng húp xì sụp, những giọt mồ hôi chảy dài của anh em tôi bên mâm cơm bởi vị ngon của tô canh chua.
– ”Bà nấu ngon quá“, Ba tôi khen.
Nhìn chồng và các con ăn, tôi thấy gương mặt Má tôi hạnh phúc và mãn nguyện.
Có lần Má tôi hỏi:
– “Theo con nguyên liệu nào quan trọng nhất của nồi canh chua?”
Tôi liền đáp:
– “Cá, me, bạc hà phải không Má“
Má từ tốn nói:
– “Nếu chỉ có cá, me, bạc hà là nguyên liệu chính để quyết định nồi canh chua ngon, theo Má như vậy thì chưa đủ, con thử nghĩ nếu canh chua thiếu chút ớt hay hành, ngò, giá… thì hương vị của canh chua như thế nào ? Tuy những nguyên liệu đó không sánh được với nguyên liệu khác, nhưng nó là yếu tố quan trọng làm kết dính những mùi vị khác để hình thành nồi canh chua ngon”.
Những điều Má tôi nói, giúp tôi hiểu ra được nhiều vấn đề trong đó có việc học của tôi, trong lớp tôi chỉ giỏi toán, lý, hóa, sinh ngữ còn những môn khác tôi không cho là quan trọng.
Từ dạo đó tôi ít đi chơi, chăm học hơn những môn kém, đi học về tôi phụ giúp Má nhiều hơn và việc học của tôi tiến bộ.
Tôi nghĩ: “Trong cuộc sống có những vật bình thường ở cạnh mình, mình không gìn giữ, trân trọng khi mình cần nó đã thất lạc hay bị mất đi làm mình tiếc nuối khôn nguôi”.
Ba năm sau !
Vào một chiều mưa muộn, Má tôi đã bỏ anh em tôi ra đi mãi mãi ! Tạo hóa rất công bằng và oan nghiệt, tạo hóa ban tặng cho tôi một người Mẹ để tôi sống trong yêu thương, giận hờn, vòi vĩnh và tạo hóa đòi lại người Mẹ của tôi, chưa cho anh em tôi đủ trưởng thành để được báo hiếu.
Từ ngày Má mất, gia đình tôi ít tiếng đùa vui, anh em tự chăm sóc cho nhau, đi học về tôi nấu nướng chính cho gia đình. Riêng Ba tôi tóc bạc nhiều, ít nói và trầm mặc.
Có những lần tôi chợt thức giấc nửa đêm thấy Ba ngồi ngoài sân nhìn vào cõi xa xăm, tôi biết Ba tôi đang nhớ Má lắm, Ba thật cô đơn như chết nửa tâm hồn.
Tháng năm dần qua, anh em tôi ra đời làm việc, người thành đạt, người công chức, người giáo viên cuộc sống ổn định.
Riêng tôi, hành trang ra đời là nồi canh chua của Má, cái nồi canh chua dân miền Nam ai cũng nấu được, chỉ khác nhau sự nêm nếm, tùy theo khẩu vị mọi người khi ăn xong chỉ khen ngon hay dở mà thôi.
Nồi canh chua của Má cũng dung dị như bao nồi canh chua khác. Nhưng với tôi nồi canh chua của Má lại có tính triết lý dạy cho tôi biết vận dụng trong cuộc sống và ngộ ra được nhiều điều.
Ở công ty, tôi biết coi trọng chị nấu bếp, anh lái xe, người bảo vệ… Tôi không coi tôi là một khúc cá, me và bạc hà để quyết định nồi canh chua, chính họ – ngò, ớt, hành… là những nguyên liệu quan trọng kết dính để phát triển công ty, và tôi đã thành công.
Với con tôi, tôi là người cha, người bạn, người thầy và cả là người em nữa.
Mọi người tin tôi không ?
– “Bố ơiiiiiii, tắm con”
– “Yes Sirrrrrr !!!“
Được Má chỉ dẫn phương thức nấu nhưng tôi chưa bao giờ nấu được nồi canh chua ngon như Má tôi.
Nhân ngày họp mặt, anh em đề nghị tôi nấu nồi canh chua, tôi tận dụng mọi kỹ năng của mình để hoàn thành nồi canh chua thật to đãi các anh em.
Đang ăn cơm, tôi thấy mọi người ăn trầm ngâm và đăm chiêu, đến khi đứa em út thốt lên một câu: “Ăn canh chua làm em nhớ Má!“, từng đôi đũa để chầm chậm xuống bàn, mọi người từ từ đứng dậy không nói với nhau lời nào, tôi biết anh em đang hoài niệm lại ngày Má còn sống bên tuổi ấu thơ của chúng tôi.
Nồi canh chua của tôi nhạt nhẽo !
Nồi canh chua tôi nấu dư thừa của người có tiền, còn Má tôi phải đi từ đầu chợ đến cuối chợ trả giá, mua con cá vừa phải, xin thêm người bán cọng ngò trái ớt… vì túi tiền eo hẹp.
Nồi canh chua, tôi nấu nhanh chóng vì có người giúp việc. Nồi canh chua của Má tự tay làm có pha mồ hôi và nước mắt vì khói củi cay xè.
Canh chua của tôi vừa ăn có nhạc du dương, còn canh chua của Má chỉ có mồ hôi và tiếng xì xụp, đũa muỗng lanh canh của mười đứa con đang đói.
Canh chua của Má tràn ngập thương yêu có sự đợi chờ chồng và các con về trong hạnh phúc đầy mãn nguyện, còn canh chua của tôi thì mau chóng, no nê và thừa thải.
Má tôi luôn luôn là người ăn sau cùng, có lần nghe thằng Út nói lại với tôi:
– “Má mút lại những cái xương cá của anh em mình đó anh !”, em hỏi Má, Má quay đi chỗ khác và nói:
– “Tụi con ăn phí quá!”
Đây là bài học có lẽ tôi không bao giờ quên cho đến khi xuôi tay nhắm mắt.
Nếu tôi được một điều ước, tôi sẽ ước Má tôi sống lại để anh em tôi được phụng dưỡng Má, dù tạo hóa có lấy đi bao nhiêu tuổi thọ của tôi cho điều ước đó tôi cũng vui vẻ chấp nhận, mãi được ôm Má vào lòng và gọi hai tiếng
Vợ chồng Việt – Mỹ mở quán bún đậu mắm tôm giữa lòng New York
Vợ chồng Nhung Đào – Jerald Head chụp hình trước quán bún đậu tại New York
Tác giả,Thương Lê BBC News Tiếng Việt 7 tháng 5, 2023
Ở nước Mỹ ngày nay không khó để tìm một nhà hàng phục vụ các món đặc trưng của Việt Nam như phở hay bánh mì…
Thế nhưng bún đậu mắm tôm thì rất hiếm hoi vì tại Hoa Kỳ không phải ai cũng mê mùi vị đặc trưng của mắm tôm, và nguyên liệu làm ra món này cũng không dễ tìm ở nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất.
Ấy vậy mà cặp vợ chồng trẻ Nhung Đào – Jerald Head đã đưa được mắm tôm qua Mỹ, bán ngay trên vỉa hè Manhattan và quán ăn nhỏ của họ được The New York Times bình chọn là 26/100 nhà hàng ngon nhất ở New York năm 2023.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, Nhung và Jerald cho biết ý tưởng mở nhà hàng tên Mắm xuất phát từ việc cả hai vợ chồng đều rất mê món này.
Vốn là đầu bếp chuyên nấu món Việt bên Mỹ, Jerald sang Việt Nam lần đầu năm 2016 với mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm từ nền ẩm thực bản địa. Tới ngày thứ ba, anh tình cờ gặp Nhung tại một quán ăn, hai người chào nhau rồi trò chuyện, từ đó chính thức quen nhau vào năm 2017.
“Mê mắm tôm hơn cả người Việt”
Nhung cho biết, hồi mới quen nhau ở Việt Nam, mỗi lần hẹn hò hai người đều đi ăn bún đậu mắm tôm, thậm chí ăn hết ba suất đặc biệt.
“Bình thường mới quen người ta thường hạn chế ăn mắm tôm vì hơi “nặng mùi”, nhưng Jerald thì mê mắm tôm hơn cả người Việt”, người vợ Việt chia sẻ.
Sau khi hai người kết hôn thì Việt Nam đóng cửa biên giới vì Covid, Jerald không qua thăm vợ được. Nhung chuyển sang Mỹ ở cùng chồng vào tháng 7/2020, cũng là lúc đỉnh dịch, mọi người không được ra đường và nhà hàng đều đóng cửa.
“Khi đó hai vợ chồng chỉ nghĩ ở nhà lâu quá nên chán, muốn làm bún đậu là món mình thích nhất mà muốn mua ở ngoài cũng không có huống gì là lúc dịch bệnh”, Nhung nói.
„Dù mục đích ban đầu là chỉ làm vài bàn cho bạn bè biết và tới ăn là vui rồi, nhưng chỉ sau một tuần, khách tới ăn truyền tai nhau và chia sẻ trên mạng xã hội, quán dần đông khách“.
Và mới đây, đầu tháng 4/2023, khi tờ báo danh tiếng của nước Mỹ The New York Times có bài viết giới thiệu “món ăn Việt Nam hấp dẫn nhất ở New York” về quán ăn tên Mắm của Nhung và Jerald, thì nhà hàng nhỏ lại càng nhộn nhịp.
Vỏn vẹn chưa tới 40 mét vuông, Mắm chỉ chứa được tối đa 19 chỗ ngồi nên khách thường ngồi tràn ra vỉa hè trên những bộ bàn ghế nhựa xanh đậm chất Việt Nam.
Thực khách ngồi ăn bún đậu trên vỉa hè New York
“Bữa trưa Hà Nội giữa lòng Manhattan”
Có lẽ một trong những điểm hấp dẫn của Mắm là thực khách tới đây được thưởng thức một trải nghiệm „rất Việt Nam“: ngồi ăn trên bộ bàn ghế nhựa Duy Tân, trong khi người đi bộ, chó mèo, xe đạp điện, xe đạp và xe gắn máy tấp nập qua lại.
Nhà phê bình ẩm thực Pete Wells của The New York Times đánh giá đây là: “một trải nghiệm gần giống bữa trưa Hà Nội giữa lòng Manhattan vậy”.
Chuyên gia này đã tới Mắm nhiều lần, xếp quán vào thứ 26 trong “Top 100 nhà hàng ngon nhất New York 2023”, và đây cũng là quán Việt duy nhất nằm trong danh sách.
Nhung chia sẻ rằng từ cuối năm ngoái, nhà hàng có nhiều khách nước ngoài vào ăn vì họ đi ngang qua thấy bàn ghế nhựa kê ở ngoài đường, bên trên kê một cái mâm có mẹt bún đậu, rồi khách vừa ăn uống vừa trò chuyện rất thoải mái. Đó là một điều gì đó khác hoàn toàn với nhà hàng quán ăn bên Mỹ, nên họ tò mò và muốn thử.
“Tất cả đều là ý tưởng của Jerald trong lần về Việt Nam chơi cuối năm 2022, hai vợ chồng dù có con nhỏ nhưng ráng mang sang Mỹ đồ đạc lỉnh kỉnh gồm nào bàn ghế, mâm đồng, rổ nhựa Duy Tân, mẹt tre… Tiền hành lý quá khổ còn đắt hơn tiền mua nhưng hai vợ chồng đều thấy rất đáng”, Nhung nói với BBC.
Vỏn vẹn chưa tới 40 mét vuông, nhà hàng có sức chứa tối đa 19 chỗ ngồi
Và tất nhiên là phải nhắc đến tay nghề công phu của anh đầu bếp người Mỹ nói được tiếng Việt nữa. Ngoại trừ mắm tôm là nhập khẩu từ Việt Nam, tất cả mọi thứ còn lại gồm bún, đậu phụ, dồi, chả cốm… đều được Jerald cùng vợ tự làm theo cách riêng vô cùng kỳ công.
Đầu bếp người Mỹ cho biết: “Ở Mỹ có muốn làm mắm tôm cũng không được, vì không có tôm tươi. May mắn là Nhung đã tìm được một làng chài ở Thanh Hoá, nơi ngư dân tự đánh bắt thuỷ sản xong rồi làm mắm, nên chất lượng rất tốt”.
Bún đậu nhà làm
Tất cả thành phần còn lại đều được hai vợ chồng tự đi chợ rồi chế biến rất tỉ mỉ. Để làm đậu phụ, hai vợ chồng mang sang từ Việt Nam chiếc máy 40 lít. Đầu tiên là xay nhuyễn hạt đậu nành thành sữa, sau đó thì nấu chín, ép thành miếng đậu phụ.
Trước khi có chiếc máy này, hai vợ chồng phải đứng quậy bằng tay rất lâu, chưa kể có những lúc bị cháy, rất mất công và tốn thời gian. Mỗi ngày, hai vợ chồng làm ra được 30 cân đậu phụ.
Với chả cốm, Jerald trộn cốm tươi mua ở Hà Nội trong chuyến về Việt Nam năm 2022 vào giò sống và rán trong chảo dầu nóng, còn dồi được chế biến theo công thức riêng của bố Nhung.
“Bán món này ở Mỹ rất vất vả bởi thiếu nguyên liệu”, Nhung chia sẻ. “Ở Việt Nam cái gì cũng có sẵn, chỉ cần chọn chỗ bán đậu phụ ngon, ra chợ mua bún, ngay cả nếu muốn đặt hàng đơn vị họ chuyên làm chả cốm họ sẽ giao tận nơi và dồi cũng thế”.
Mẹt bún đậu được chế biến kỳ công của cặp vợ chồng Việt – Mỹ
“Đậu nành, lá chuối đông lạnh thì dễ tìm, lòng cũng có nhiều chỗ bán, nhưng huyết thì chỉ có một chỗ thôi. Rau thơm như tía tô, kinh giới… thì New York không có, hai vợ chồng phải mua từ một phụ nữ người Việt tại Florida, nơi có khí hậu phù hợp để trồng các loại rau này…”
Công sức của họ đã được đền đáp bằng những đánh giá tích cực của thực khách qua các chia sẻ của họ trên mạng xã hội. Nhiều người Việt nhận xét bún đậu tại Mắm ngon hơn cả quán ở Hà Nội.
“Kể câu chuyện ẩm thực Việt”
Nhung và Jerald cho biết các nhà hàng Việt ở Mỹ thường thay đổi mùi vị của thức ăn để phù hợp hơn với người bản xứ, nhưng hai vợ chồng muốn giữ nguyên hồn cốt của món bún đậu.
“Với những vị khách đến ăn lần đầu tiên, chúng tôi đều khuyến khích họ hãy thử ăn mắm tôm. Chỉ khi họ không ăn được thì mới đổi qua nước mắm hoặc nước tương”, Nhung nói.
Với mong muốn hoàn thiện món ăn này hơn nữa, hai vợ chồng còn đưa vào thực đơn những món ăn kèm phù hợp như gỏi nghêu, chả ốc cuốn lá lốt nướng, cà tím nướng… Ngoài ra, để đổi món thì có vài tuần nhà hàng sẽ bán bún hến, bún riêu cua bắp bò, cháo lòng, bún bò huế, vịt cháy tỏi, lẩu dê… nhằm mang đến nhiều hương vị Việt cho thực khách.
Món ốc ăn kèm với bún đậu cho đầu bếp Mỹ chế biến (xin xem ảnh đính kèm)
Sau khi thu hút được sự chú ý của truyền thông Mỹ, nhà hàng nhỏ ngày càng đông khách người Việt lẫn nước ngoài. Nhung nói rằng có rất nhiều người Việt đã dành hàng tiếng đồng hồ di chuyển từ các bang khác sang New York để được thưởng thức hương vị quê nhà.
Dù chỉ mở vào một số buổi trong ba ngày cuối tuần do bận chăm con nhỏ, cặp vợ chồng Việt-Mỹ luôn cố gắng duy trì sự ổn định và hướng tới sự hoàn thiện.
“Có nhiều người ngỏ ý hợp tác mở chi nhánh ở các bang khác, nhưng chúng tôi hiện chỉ muốn tập trung hoàn thiện nhà hàng bún đậu của mình”, Jerald nói.
Cuối cùng, anh chia sẻ một quan sát rằng: “Tôi nghĩ rằng rất nhiều nhà hàng Việt Nam ở Mỹ đang trở thành nạn nhân của việc có quá nhiều món trong thực đơn vì họ cố gắng làm quá nhiều. Vì vậy, chúng tôi muốn thực đơn của mình đơn giản hơn nhưng gắn kết và có ý nghĩa, giống như kể một câu chuyện về món bún đậu mắm tôm và văn hóa dùng thức ăn ở vỉa hè của Việt Nam vậy”.
Anh bạn cùng quê vô Bà Rịa dạy học từ thời bao cấp. Hôm qua anh về quê và vợ chồng anh ghé đến nhà thăm. Ngồi nói chuyện, bất giác anh nhìn lên bàn thờ cha tôi hỏi:
– Ba mày hồi trước là ngụy quân hay ngụy quyền mậy?
Tôi hỏi:
– Ngụy quân là sao? Ngụy quyền là sao?
Anh ngạc nhiên:
– Ơ, mày không biết à? Ngụy quyền là người làm trong chính quyền ngụy, ngụy quân là lính trong chính quyền ngụy. Có thế mà không biết à?
Tôi lắc đầu trả lời:
– Cha tui chỉ là một công chức của chính phủ miền Nam thôi, chứ ổng có theo cộng sản đâu mà ngụy quân với ngụy quyền?!
Anh đưa mắt nhìn sang vợ rồi ngước mặt lên trần nhà cười lớn:
– Mày nói cái gì thế? Ngụy là chính phủ miền Nam đó! Những người làm việc cho miền Nam là ngụy quyền, ai đi lính là ngụy quân… Hiểu chưa?
Tui nghiêm mặt:
– Anh nói bậy! Anh có hiểu nghĩa tính từ NGỤY là gì không.? Theo wikipedia, ngụy, có nghĩa là sự giả tạo, ví dụ như: ngụy trang, ngụy tạo, ngụy biện, ngụy quân tử… Riêng về ngụy quyền là để ám chỉ một chính quyền do soán đoạt mà có (có nghĩa là cướp) hoặc do quân xâm lược nước ngoài dựng lên để làm tay sai cho nó trong quá trình xâm lược. Vậy thì chính quyền của ông Ngô Đình Diệm ăn cướp từ chính quyền nào mà anh gọi là ngụy? Và chính quyền miền Nam làm tay sai cho ai mà anh gọi là ngụy? Anh đừng nghĩ rằng chính phủ VNCH là tay sai của Mỹ nha? Không đâu! Quân, dân, cán, chính miền Nam chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ tổ quốc của họ. Mỹ cũng có nghĩa vụ ngăn chặn làn sóng đỏ cộng sản tiến sâu vào phương nam. Do đó, họ viện trợ cho miền Nam Việt Nam và cùng quân dân miền Nam chiến đấu chống cộng sản bành trướng hại đời. Việt Nam Cộng Hòa nhận viện trợ của Mỹ, họ xem Mỹ là đồng minh cùng chung chiến hào, chứ chưa bao giờ nhận Mỹ là anh em, hay bạn vàng. Trong tất cả các khẩu hiệu, báo chí, thơ ca, âm nhạc… người miền Nam chưa bao giờ ca ngợi Mỹ, tung hô chính phủ Mỹ… Và, tổng thống Ngô Đình Diệm là người phản đối Mỹ đưa quân sang tham chiến ở miền Nam. Vậy thì, làm sao có thể gọi chính quyền miền Nam là ngụy? Anh nói đi!
Anh chồng đưa mắt nhìn chị vợ, chị ta nghiêng người lên tiếng:
– Xưa nay em nghe người ta nói chính quyền cũ là ngụy quyền Sài Gòn, và bọn em cũng cứ thế mà gọi chứ cũng không nghĩ ngợi hay tìm hiểu gì. Vậy là, theo anh, dùng từ ngụy quân – ngụy quyền là không đúng phải hông?
– Từ ngữ thì nó không sai, nếu dùng nó để ám chỉ cho chính quyền miền Nam thì sai, nhưng để chỉ cho chính quyền miền Bắc thì hoàn toàn đúng!
Anh bạn nghe tui nói vậy liền trợn mắt lên hỏi:
– Sao? Mầy nói chính quyền này là ngụy à?
– Tôi chỉ dựa trên định nghĩa của wikipedia mà nhận xét. Ngụy quyền, có nghĩa rằng chính quyền đó từ cướp của nhà nước khác mà có! Anh là giáo viên, chẳng lẽ anh không biết ông Hồ Chí Minh lãnh đạo đảng Cộng sản cướp chính quyền từ tay thủ tướng Trần Trọng Kim? Như vậy, chính quyền hôm nay được thừa kế từ đời ông Hồ cướp từ tay người khác chứ còn gì nữa? Anh có biết, ông Lê Duẩn đã từng tuyên bố: “Ta đánh Mỹ đây là đánh cho Liên Xô, TQ, đánh cho các nước XHCN anh em…”, quân đội mà đi đánh thuê từa lưa như vậy có phải là ngụy quân không? Nếu chính phủ của ông Hồ là chính phủ của dân miền Bắc, mắc mớ chi treo hình ông Mác, ông Lê-nin, ông Mao… ở chốn nghị trường? Mắc mớ chi đưa ra chủ trương quyết đi theo con đường mà TQ đã chọn? Mắc mớ chi in chữ TQ trên đồng tiền lưu hành ở miền Bắc? Và mắc mớ chi in hình quốc kỳ TQ trên con tem mang quốc hiệu nước VNDCCH??? Anh sống ở miền Nam cũng gần 20 năm, anh có bao giờ thấy chính quyền miền Nam làm những điều vừa nhục, vừa hèn như đám tà quyền miền Bắc vậy không mà anh nói chính phủ miền Nam là ngụy?
– Mầy… phản động!
– Ôi trời! Nãy giờ nói chuyện với anh tui tưởng anh là con người biết đúng, biết sai. Không ngờ, anh như con Vẹt! Người ta nói ngụy thì anh nói ngụy, người ta hô phản động thì anh hô phản động… cứ lặp theo lời thiên hạ như thế thì cái đầu chỉ để đội nón thôi sao?
Thấy tình hình căng thẳng, chị vợ vội nắm tay chồng đứng dậy chào tui. Hy vọng rằng anh chị sẽ sáng suốt hơn về vấn đề ai mới chính là ngụy quân, ngụy quyền, và ai là những kẻ bán nước hại dân.
Đúng năm giờ bác Chu tài xế xe taxi phải giao xe, nhìn đồng hồ đã năm giờ mười lăm rồi, nên bác tài đem tấm bảng “tạm thời không đón khách” treo lên. Đúng ngày cuối tuần, học sinh trong ký túc xá của trường trung học số bốn mươi chạy ùa ra. Bác Chu tài xế nhịn không được thói quen này nên dừng xe lại, nhìn học sinh đi đi lại lại, chúng nó mặc đồng phục nhà trường, trên mặt tươi cười rạng rỡ.
– “Bác tài, cháu cháu muốn ngồi xe của bác.” Một bé gái chân đi cà thọt lưng mang cặp sách đi đến, nhìn hai bên phải trái nói vội vàng.
Bác tài nói phải giao xe, và chỉ có dừng xe chút xíu thôi.
Em bé gái cúi đầu, mấy giây sau nó lại thành khẩn nói: “Cám ơn bác, bác tài, cháu chỉ ngồi một trạm là một trạm thôi.”
Hai chữ “cám ơn” làm cho bác Chu tài xế động lòng, bác nhìn trên trên thân em bé gái mặc cái áo giặt trắng tinh, một cái cặp sách cũ không thể cũ hơn được nữa, nên nhịn không được bèn thở dài nói: „Lên xe”. Em bé gái sung sướng lên xe. Xe đến khúc quanh, em bé gái đột nhiên đằng hắng nói: “Bác tài, cháu chỉ có ba đồng bạc mà thôi, cho nên, đến nửa trạm thì cháu xuống.” Bác tài nhìn trong kính chiếu hậu thấy em bé gái mặt đỏ gấc, không nói gì. Đây là xe taxi ở thành phố, giá mỗi đoạn đường có thể là năm đồng.
Lái xe đến trạm dừng công cộng thì bác tài dừng xe lại, em bé đứng nơi cửa vui vẻ nói: “Thật cám ơn bác, bác tài.” Bác Chu tài xế nhìn thấy em bé gái khập khiễng đi về phía trước, đột nhiên trong lòng có chút ái ngại.
Cũng từ ngày cuối tuần ấy, bác Chu tài xế mỗi ngày cuối tuần đều nhìn thấy em bé gái đứng đợi ở cổng trường, mấy chiếc xe taxi chạy qua, em bé gái nhìn như không nhìn, chỉ biết đứng chờ. Em bé gái đợi mình ? Bác Chu đoán và trong lòng cảm thấy ấm áp, bác lái xe đến, em bé gái từ đàng xa giơ tay vẫy vẫy, bác Chu tài xế rất kinh ngạc, xe bác ta màu da cam giống với các xe taxi khác, em bé gái làm sao có thể nhìn mà biết được chứ ? Đây là ba đồng, đây là một trạm. Bác tài không hỏi nó tại sao chỉ đứng đợi xe của mình, và cũng không hỏi tại sao chỉ ngồi có một trạm?
Trong lòng em bé gái có một bí mật nhỏ, bác Chu tài xế rất hiểu điều này. Một lần, hai lần, ba lần, dần dần bác Chu tài xế trở thành thói quen. Cuối tuần trước khi giao xe, thì người cuối cùng phải chở nhất định là cô bé thọt chân trong trường trung học số bốn mươi. Bác tài đem tấm bảng “tạm không chở khách” treo lên, chuyên tâm đợi trước cổng trường. Em bé gái chỉ mười bốn mười lăm tuổi mà thôi, vừa nhìn thấy ông thì giống như con nai nhỏ chạy qua đường, lớn tiếng nói với bạn học “tạm biệt”, bất quá chỉ năm phút đồng hồ là em bé gái xuống xe, câu cuối cùng vẫn là: “Cám ơn bác, bác tài.” Hình như chỉ đợi câu nói ấy, cuối tuần bất kể là đi bao xa thì bác Chu cũng lái xe đến trường. Có lúc giao xe bị phạt, bác ta cũng nhất định chở em bé gái đi một đoạn đường. Thời gian qua rất nhanh, tình hình này tiếp tục thêm một năm nữa, chớp mắt mùa hè của năm thứ hai đã đến. Nhìn em bé gái mang cặp sách thật nặng nề, bác Chu đột nhiên cảm thấy như đánh mất cái gì đó. Bác biết em đã tốt nghiệp phổ thông cấp hai, và nó sẽ học cấp ba ở đâu?
– “Bác tài, cám ơn bác, có lẽ đây là lần cuối cùng cháu ngồi xe của bác, thật làm phiền bác quá. Cháu thi đậu trường trung học Tân Tập Nhất, có lẽ nửa năm mới về nhà một lần,” em bé gái nói như thế.
Bác tài từ trong kính chiếu hậu nhìn cặp mắt em bé gái, trong lòng rất là không yên. Em bé quả nhiên rất ưu tú, trường Tân Tập Nhất là trường điểm của tỉnh, thi đậu vào đó thì đã bước một chân vào ngưỡng cửa đại học rồi.
– “Vậy thì bác đưa con về nhà.” bác tài nói.
Em bé gái lắc đầu nói mình chỉ có ba đồng bạc mà thôi.
– “Lần này không lấy tiền.” Bác tài nói xong thì nhìn đồng hồ, đưa em bé gái về nhà thì nhất định giao xe bị trễ giờ, có thể bị phạt chút tiền, nhưng có quan hệ gì chứ ? Bác muốn ngồi chung với em bé gái thêm chút nữa. Em bé gái nói địa chỉ rất xa, còn thêm bảy trạm nữa, nửa giờ sau, bác tài dừng xe, em bé ôm cặp bước xuống, bác tài lấy một cái hộp trong xe ra, nói: “Đây là món quà bác tặng cháu.”
Em bé gái kinh ngạc tiếp nhận quà, sau đó cúi mình chào bác tài, nói: “Cám ơn bác, bác tài.”
Nhìn em bé gái thọt chân đi vào nhà, bác Chu tài xế thở dài. Cháu bé, từ nay không còn gặp lại nữa? Bác tài cũng không biết tên em bé là gì nữa!
Đã qua mười năm rồi. Bác Chu tài xế vẫn còn lái xe taxi.
Hôm nay, việc làm không nhiều, ông đang lái xe, nhưng lại nghe được chương trình ca nhạc của đài giao thông phát đi chương trình “nhắn tin tìm người, tìm bác tài xế mười năm trước thuê xe của công ty Thắng Lợi, số xe là Axxxx.” Bác Chu tài xế vừa nghe thì ngớ người ra, có người tìm ông ta? Mười năm trước, ông ta lái chính là chiếc xe này. Điện thoại gọi thẳng đến tổng đài, người phụ trách tổng đài kinh ngạc đưa cho bác tài xế số điện thoại, bác Chu nghi hoặc, là ai nhỉ ? Mỗi ngày bận bịu vì kế sinh nhai, ngoại trừ bà vợ ra thì bác tài không quen biết người phụ nữ nào khác.
Gọi điện thoại, bác tài nghe âm thanh của một cô gái trẻ, cô ta kinh ngạc vui mừng hỏi: “Là bác sao, bác tài ?”
Bác tài giựt mình, âm thanh này, lời nói này rất là quen thuộc, nhưng bác tài không nhớ là ai cả.
– “Cám ơn bác, bác tài.” Cô gái lại nói.
Hai người hẹn gặp nhau ở một quán cà phê, khi gặp cô gái ấy, bác Chu hình như nhận không ra, trước mắt là một cô gái thướt tha, là bé gái mười năm trước đi xe chỉ có ba đồng bạc đó ư? Cô gái đứng lên cúi mình chào bác tài và nói: “Từ trong lòng cháu cám ơn bác, bác tài.”
Uống cà phê, cô gái kể chuyện ngày trước: Mười hai năm trước, ba của cô cũng là một tài xế lái xe taxi, ông rất thương yêu cô gái, mỗi ngày cuối tuần, dù bận cách mấy ông cũng lái xe đến trường đưa cô về nhà. Tết đến, cả nhà về quê ăn tết, vì để mang được nhiều đồ, ba của cô mượn xe bánh mì của người bạn. Lái xe được nửa đường, đột nhiên tuyết rơi rất nhiều, không may tông vào một chiếc xe hàng, xe bánh mì bị hư toàn bộ, ba của cô chết tại chỗ, từ đó chân của cô bị thương nặng. Chôn cất ba xong, mẹ phải bồi thường xe cho người bạn của ba một khoản tiền lớn, và để làm phẫu thuật chân cho cô, nên mẹ làm việc ngày đêm không nghỉ, còn cô, sau khi vết thương lành thi lập tức đi học, nhất tâm muốn mau lớn.
Cô rất kiên cường, việc gì cũng có thể chịu đựng, nhưng duy chỉ có một việc là không chấp nhận người khác thương hại mình. Cho nên, cô không nói cho ai biết việc bị tai nạn trên đường. Tan học về nhà, khi bị bạn học hỏi tại sao bây giờ lại đi xe công cộng ? Cô bé nói dối là vì ba đi xa, nói dối được nửa năm, cho đến khi gặp bác Chu tài xế. Cô bé thấy chiếc xe taxi dừng bên đường không chút động đậy, giống như ba cô bé lái xe đến đợi trước cổng trường.
Cô bé chỉ có ba đồng để đi xe công cộng, nhưng cô bé lấy tất cả để ngồi xe taxi, chỉ ngồi một trạm, sau đó đi bộ nửa giờ nữa về nhà, mặc dù đường rất xa, nhưng cô bé vẫn thản nhiên đi, bởi vì không ai có thể đoán biết là ba của cô bé đã chết.
– “Bác nhất định không biết, chiếc xe taxi mà bác đang lái đó là chiếc xe mà ba của cháu đã lái, số xe cứ in mãi trong óc của cháu.”
Cô gái nói xong thì nước mắt rơi xuống: “Cho nên, từ xa xa, chỉ cần nhìn thì cháu liền nhận ra nó.” Bác Chu tài xế thấy lỗ mũi nóng, chút xíu nữa thì cũng chảy nước mắt.
– “Tấm huy chương này cháu luôn mang trên mình, cháu không biết, nếu không có nó thì cháu có thể đi được đến ngày hôm nay không. Hơn nữa, bác trả lại cháu tiền xe, cháu vẫn cứ giữ nó. Có một chút tiền, cháu cảm thấy vấn đề gì cũng có thể khắc phục được. Mặc dù mất phụ thân, nhưng cháu vẫn có phụ thân như cũ.” Nói xong, cô gái lấy trong túi ra tấm huy chương mang vào mình. Góc cạnh của tấm huy chương đó đã biến thành màu đen, sau tấm huy chương có viết hàng chữ: “Chúc cuộc sống của con cũng như tấm huy chương này.”
Tấm huy chương này là của bác Chu tài xế làm quà tặng cho cô gái mười năm trước. Cô gái dắt cánh tay của bác Chu tài xế rời khỏi quán cà phê. Nhìn cô gái lái xe đi rất xa, bác Chu dừng xe bên đường, để cho nước mắt chảy xuống. Cô gái thọt chân ấy, cô gái ấy bây giờ bác tài mới biết tên cô ta là Lâm Mỹ Tuyết, cô gái và con của bác tài đã chết cách đây mười năm vì ung thư, thật quả là ấn tượng giống nhau! Con gái của bác khi còn sống, cứ mỗi ngày cuối tuần thì bác đều lái xe đến trường đón nó. Con gái trước khi lên xe thì nói: “Cám ơn ba.”, xuống xe cũng câu ấy: “Ba, con cám ơn ba.”, làm cho bác tài cảm nhận được rất nhiều hạnh phúc!
Tấm huy chương ấy là của con gái ông được thưởng trong kỳ thi Olympic, đã làm cho ông ta rất kiêu hãnh và hy vọng, nhưng con gái ông đột nhiên chết đi khiến cho ông ta không kịp đề phòng. Lại đến ngày cuối tuần, đi ngang qua trường trung học số bốn mươi, ông ta đều dừng xe lại, hình như con gái vẫn có thể từ cổng trường chạy ra, lên xe, và lớn tiếng nói: “Ba, cám ơn ba.”
Trên đường trở về nhà, bác Chu mua một tờ báo, vừa mở báo ra xem thì bác liền thấy ngay hình của cô gái thọt chân ấy. Cô ta cười tươi với bác Chu tài xế, trên đề mục có chạy hàng chữ lớn: Lâm Mỹ Tuyết – phó tổng giám đốc trẻ nhất của công ty đa quốc gia, niềm kiêu hãnh của thành phố S…” bác Chu tài xế kinh ngạc há hốc miệng, đọc nhanh như chớp, vừa đọc vừa móc túi lấy thuốc ra hút theo thói quen.
Đột nhiên, tay của ông ta chạm phải một phong bì, lấy ra, bên trong phong bì đựng đầy tiền đô la Mỹ dày cộm, bác Chu ngớ ra, bác ta nghĩ không ra Lâm Mỹ Tuyết bỏ tiền vào túi ông lúc nào? Có phải khi cầm cánh tay mình dẫn đi không ?
Giữa xấp tiền mỹ kim ấy còn kẹp một tờ giấy nhỏ: “Bác tài, đây là lợi tức của yêu thương, xin bác nhận lấy. Cái vốn vô giá thì vĩnh viễn ở trong lòng cháu. Cám ơn bác, bác tài!
Luật sư Nguyễn Thị Hậu – Người mặc áo dài “lối mới” đầu tiên năm 1935 trở thành nữ thị trưởng Đà Lạt năm 1966
Tấm hình này được đăng trên tuần báo Ngày Nay (tiền thân là báo Phong Hóa) của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, số đầu tiên ra ngày 30/1/1935, với lời chú thích: “Cô Nguyễn Thị Hậu – người thiếu nữ đầu tiên mặc quần áo lối mới kiểu Lemur”.
Nhân vật chính trong ảnh này, “cô Nguyễn Thị Hậu” là một cô gái Hà Nội sinh năm 1919, khi đó mới 16 tuổi, là người đầu tiên mặc áo dài “lối mới” của họa sĩ – nhà thiết kế Nguyễn Cát Tường, chính là tiền thân của áo dài Việt Nam hiện nay. Một điều đặc biệt hơn nữa, bà Nguyễn Thị Hậu sau này trở thành một luật sư, và là thị trưởng Đà Lạt nhiệm kỳ 1966-1968, là nữ thị trưởng duy nhất của Việt Nam cho đến nay.
Bà Hậu khi là thị trưởng Đà Lạt
Bà Hậu làm thị trưởng trong khoảng thời gian thị xã Đà Lạt có nhiều biến động, vừa phát triển nhưng cũng lại vừa chịu nhiều đau thương. Bà là người đã cho xuất tiền mua hạt giống hoa rải khắp hai bên đồi thông của dinh thị trưởng, nên suốt một thời gian dài vài chục năm sau đó, ngọn đồi này lúc nào cũng đầy hoa: cúc dại, glaieul, bồ công anh, xen lẫn mùi hoa thông, trắc bách diệp, mimosa…
Bà Nguyễn Thị Hậu tại văn phòng thị trưởng Đà Lạt năm 1967
Trong tất cả các hình ảnh còn lưu lại của bà Nguyễn Thị Hậu, từ khi còn trẻ cho đến khi là thị trưởng, bà luôn luôn trong trang phục áo dài Việt Nam.
Cho đến nay, thông tin về nữ thị trưởng Nguyễn Thị Hậu không có nhiều, chỉ biết là bà xuất thân từ gia đình khá giả ở Hà Nội, từng theo học sư phạm, sau đó lầy bằng luật sư rồi dấn thân vào chốn quan trường. Bà được bổ nhiệm làm thị trưởng Đà Lạt năm 1966, khi đó bà 47 tuổi, kế nhiệm đại tá Trần Văn Phấn. Trước đó ông Phấn là tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức (nay là tỉnh Lâm Đồng), kiêm thị trưởng Đà Lạt vào năm 1965-1966. Tuy nhiên từ thời của bà Nguyễn Thị Hậu thì hai chức này không còn kiêm nhiệm nữa mà tách hẳn ra.
Luật sư Nguyễn Thị Hậu năm 1966, khi được bổ nhiệm thành thị trưởng Đà Lạt. Bà là nữ thị trưởng duy nhất của Việt Nam cho đến nay
Từ khi mới 15 tuổi, cô nữ sinh Nguyễn Thị Hậu đã là người mẫu ảnh xuất hiện trên các tạp chí chữ quốc ngữ thời thập niên 1930, trong đó bà vinh dự trở thành người phụ nữ đầu tiên mặc áo dài theo kiểu mới (còn gọi là áo dài Lemur) do họa sĩ Cát Tường thiết kế để chụp hình đăng trên báo. Áo dài của ông Cát Tường thiết kế từ thập niên 1930 này được xem là “thủy tổ” của áo dài Việt Nam hiện đại.
Ngoài Nguyễn Thị Hậu, còn có Nam Phương hoàng hậu, thứ phi Mộng Đẹp hay nghệ sĩ Phùng Há… là những người đầu tiên mặc áo dài Lemur của Nguyễn Cát Tường (Lemur là một bút danh của ông, tiếng Pháp nghĩa là bức tường).
Nguyễn Cát Tường (1912-1946) vốn là một họa sĩ cộng tác vẽ tranh biếm hoạ (ký tên: A. S. Lemur) cho tuần báo Phong Hóa (vào thời điểm trước khi Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam làm chủ bút). Khi chuyên mục “Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô” được Nhất Linh mở ra trên tuần báo Phong Hóa số 85 (ngày 11/2/1934 – Xuân Giáp Tuất), Nguyễn Cát Tường trở thành nhà mỹ thuật vừa viết bài, vừa nghiên cứu y phục, vừa chế kiểu và còn chụp ảnh, vẽ minh hoạ ‘thời trang’ cho các ấn phẩm mà nhóm Tự Lực Văn Đoàn xuất bản, và ông được xem là người đặt nến móng cho áo dài hiện đại, với kiểu dáng gần nhất với hiện nay.
Trước thập niên 1930, y phục của phụ nữ Việt có màu u tối, chỉ có mầu nâu hay màu đen. Áo lùng thùng, ba bốn tà, quần thì rộng. Ngoài Bắc thì hay mặc mầu nâu, màu đen, trong Nam thì có những lối mặc khác, áo thì màu khác, nhưng thường thường thì màu vẫn không được tươi.
Vào đầu thập niên 1930, chiếc áo dài thuần tuý của Việt Nam bắt đầu thay đổi, giới phụ nữ bắt đầu mặc áo nhiều màu sắc, và từ năm 1934 thì hoạ sĩ Cát Tường đã tung ra một loạt các loại mẫu áo dài tân thời dưới cái tên “Lemur”.
Thông qua tập san Đẹp, tuần báo Phong Hóa, sau đó là Ngày Nay, hoạ sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường đã có nhiều hoạt động đa dạng khác giới thiệu y phục lối mới đến công chúng, đặc biệt là các quý bà quý cô thành thị khắp cả nước, như hợp tác với nhà may, hiệu vải, sáng tạo kiểu với các họa sĩ khác…
Trên tờ Phong Hóa số 86, ông nêu quan điểm: “Theo ý tôi, quần áo tuy dùng để che thân thể, song, nó có thể là tấm gương phản chiếu ra ngoài cái trình độ tri thức của một nước. Muốn biết nước nào có tiến bộ, có mỹ thuật hay không, cứ xem y phục của người nước họ, ta cũng đủ hiểu”
Ông Cát Tường đã nói rất chi tiết, cặn kẽ về vấn đề này, từ việc phụ nữ Việt Nam phải có một vẻ riêng không nhầm lẫn với Tây, Tàu hay Nhật, đến việc sửa sang cách ăn mặc từ tốn từng bước sao cho phù hợp với vóc dáng riêng, cải thiện những chi tiết không cần thiết, và quan trọng là “gác bỏ ra ngoài những điều bình-phẩm vô giá-trị”, “miễn là ta không làm gì quá lạm, rởm đời, có thể tổn đến hạnh phúc, hại đến danh-dự của ta và của nước”.
Qua phân tích của hoạ sĩ Lemur đã phần nào thể hiện tư duy thẩm mỹ và sáng tạo của ông, cũng như ý chí cải cách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn thông qua báo chí. Rằng trang phục lối mới “cũng phải có tính cách riêng của nước nhà”, sự canh tân cần phù hợp với những đặc tính bản địa như khí hậu, văn hoá và hình thể cá nhân của mỗi người, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, khi phong trào cải cách y phục nổi lên, không ít phụ nữ khước từ, không thiếu những nhà trí thức phê phán gay gắt, trong đó có nhà văn Vũ Trọng Phụng, cho rằng đó là lối sống học đòi, lệch lạc thuần phong mỹ tục, không thể hiện được “tính cách Việt-Nam”.
Dù vậy, các mẫu y phục do hoạ sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu đã thổi một luồng gió đổi mới vào xã hội miền Bắc lúc bấy giờ, từ đó lan tỏa sức ảnh hưởng đến miền Trung và Nam Kỳ. Được các quý bà quý cô hoan nghênh nhất chính là những kiểu cách tân từ y phục phụ nữ 5 thân truyền thống, sáng chế dựa theo kiểu dáng và chi tiết âu phục của các “bà đầm” Pháp. Y phục lối mới dưới bút hoạ kiểu Lemur không chỉ làm dấy lên xu hướng “áo dài thời trang” thời bấy giờ, mà còn khởi xướng cuộc cải cách y phục phụ nữ táo bạo, có sức ảnh hưởng và được thán phục bởi nhiều thế hệ cho đến tận ngày nay.
Để chiếc áo dài Lemur bước từ trang báo ra cuộc đời, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã hợp tác với hiệu may Cử Chung ở số 100 phố Hàng Bông – Hà Nội và hiệu may Phạm Tá ở số 23 phố Bờ Hồ – Hà Nội. Đích thân họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã đi tìm những phụ liệu nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn cho chiếc áo dài.
Ông Cát Tường còn nói về phần chính và cốt yếu trong bộ y phục như sau: “Nói ra sợ không ai tin, điều quan trọng nhất của y phục phụ nữ là chiếc quần. […] Từ cạp đến đầu gối nên thu hẹp bớt để vừa khít với thân hình, như thế những vẻ đẹp thiên nhiên của từng người mới lộ ra được. Còn từ đầu gối trở xuống đến chân, hai ống quần lại phải may rộng dần ra để khi đi đứng cái dáng điệu của các bạn được tăng thêm vẻ nhẹ nhàng”. (báo Phong Hóa số 89 – 16/3/1934).
Chính Lemur Cát Tường đã cải biến khiến cho cái quần trở nên thon gọn và khoe được phần bụng phụ nữ hấp dẫn hơn, gợi mở hơn so với loại quần ngày trước.
Không dừng lại ở việc tạo kiểu cách tân cho áo dài truyền thống, hoạ sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường còn sáng chế và hiện đại hoá các mẫu áo cánh mặc trong nhà. Ông cũng chế kiểu áo pyjama mặc đi biển, áo mặc mùa nực, áo cánh, áo yếm, giày cao gót và hợp tác với hiệu dệt để cho ra đời quần áo tắm, đồ mặc lót.
Tháng 9/1934, hoạ sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường và các đồng môn cùng thời gồm hoạ sĩ Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Trần Quang Tran cho ra đời đặc san “Đẹp”, do NXB Đời Nay (do nhóm Tự Lực Văn Đoàn thành lập) phát hành. Trong phần quảng cáo phát hành số đầu tiên, báo Đẹp có nhắc đến cô Nguyễn Thị Hậu – người mặc bộ áo mới đầu tiên. Vì vậy có thể thấy Nguyễn Thị Hậu đã trở thành người mẫu cho Lemur từ năm 15 tuổi.
Vài tháng sau đặc san Đẹp ra đời, đến lượt tuần báo Ngày Nay xuất bản số đầu tiên, Lemur Cát Tường tiếp tục công cuộc cải cách y phục phụ nữ. Số bào Ngày Nay đầu tiên được ra vào dịp Tết, các bản tin xoay quanh chủ đề y phục tân thời khắp Bắc Trung Nam xuất hiện ở những vị trí tốt nhất, hình ảnh các thiếu nữ mặc y phục lối mới kiểu Lemur và chụp bởi Lemur được dùng làm ảnh bìa hoặc minh hoạ cho các trang tin nói về mùa hội hè, Lễ Tết, chợ phiên.
Những cuộc tranh luận về cải cách y phục phụ nữ trong giới truyền thông đã không xuất hiện nữa, thay vào đó là đầy ắp những thông tin, kiến thức về thế giới lớn giữa một thời đại mới, xã hội mới. “Ngày Nay” cho thấy phụ nữ tân thời không chỉ mặc vào bộ y phục lối mới mà còn ‘cải cách tri thức’ của mình thêm nữa. Y phục tân thời đã đi vào đời sống, ‘phong cách’ ăn mặc giữa lối mới và lối cũ được dung hoà, thị trường nội hoá thời “áo dài Le Mur” bắt đầu thích ứng khi các cửa hiệu, nhà may, xưởng dệt tích cực mang đến nhiều kiểu quần áo, vải vóc, giày dép, mũ nón, nữ trang phù hợp và bổ trợ cho thị hiếu tân thời.
Báo Ngày Nay không có chuyên mục “Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô”, mà thay vào đó là chuyên mục “Phụ Nữ”, bắt đầu từ số 17 ngày 19 tháng 7 năm 1936. Hoạ sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường cùng nhiều tác giả khác phát động lối sống hiện đại “khoẻ và đẹp”, bày cách đánh phấn tô son, dưỡng nhan, chăm sóc da móng tóc, luyện tập thể thao, nâng cao hiểu biết và bàn về cách đối nhân xử thế của phụ nữ.
Báo Ngày Nay đăng thông tin về “Bảng đo những bộ phận của người khuôn mẫu (girl standard) năm 1935 và 1936 ở Mỹ”, trên số 28 ngày 4 tháng 10 năm 1936
Giai đoạn giữa thập niên 30, sau cơn chấn động của ý tưởng cải cách y phục phụ nữ bởi Le Mur và tuần báo Phong Hóa, sự cởi mở trong việc ăn mặc ‘hợp mố’ và trang điểm làm đẹp đối với các bạn trẻ, đã giúp nữ giới học cách quý trọng bản thân và nhận thức được giá trị xứng đáng của mình. Những năm 1934 – 1936 không chỉ là phong trào đổi mới y phục phụ nữ sôi nổi mà còn đánh dấu sự hình thành tư duy về “nữ quyền” trong đại chúng thành thị thời bấy giờ. Tháng 10/1936, tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc hội họp nhỏ của chị em phụ nữ miền Bắc, tuy nhỏ nhưng là cuộc hội họp đầu tiên ghi nhận ý nguyện khẳng định bản thân của phụ nữ Việt Nam.
Cuối năm 1936, sau khi kết hôn với con gái của một chủ xưởng dệt ren ở Bắc Ninh, hoạ sĩ Cát Tường và vợ là Nguyễn Thị Nội, cùng phát triển tên tuổi của ‘nhà tạo mẫu Le Mur’ và khai trường cửa hiệu y phục phụ nữ tân thời ở số 16, phố Lê Lợi vào ngày 9 tháng 7 năm 1937. Được sự giúp sức và quán xuyến của vợ, việc kinh doanh của Lemur rất phát đạt. Tuy nhiên cuộc đời và sự nghiệp của ông bị dừng lại vĩnh viễn một cách đáng tiếc vào cuối năm 1946. Khi đó tình hình ở Hà Nội rối ren khi quân Pháp đang trở lại miền Bắc, dân Hà Nội được lệnh tản cư. Gia đình Lemur Cát Tường dời về làng Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Ðông.
Ngày 17 tháng 12 năm 1946, khi ông Cát Tường trở về nhà để lấy thuốc men, quần áo cho các con và người vợ sắp tới ngày sinh. ông đã bị dân quân bắt tại Hà Nội và đưa đi biệt tích. Gia đình lấy ngày 17/12 năm đó làm ngày giỗ của ông.
Còn lại một mình, vợ của Lemur Cát Tường là bà Nguyễn Thị Nội tần tảo nuôi năm con thơ trong thời biến loạn, có lúc phải lưu lạc tận đất Lào sinh sống. Sau năm 1954, bà nán đợi tin tức chồng trong tuyệt vọng, rồi di cư vào Nam trên chuyến máy bay cuối cùng. Sau 1975, bốn con qua Mỹ, bà ở lại Việt Nam với con gái út và mất ngày 21-12-1979, thọ 67 tuổi.