Trong cuộc sống của chúng ta, thay vì “đánh bại người khác”, “chèn ép người khác”, “vượt trên người khác”, chúng ta cũng có thể “thành tựu cho người khác”. Điều này mới thật là đáng để suy ngẫm…

Câu chuyện 1: Màn đấu giá 5 đô la.
Hải quan Hoa Kỳ có một lô xe đạp bị tịch thu và quyết định thông báo bán đấu giá. Trong cuộc đấu giá, mỗi chiếc xe được bán đi, người trả giá đầu tiên luôn là một cậu bé 10 tuổi trả với giá là “5 đô la”. Sau đó cậu bé lại trơ mắt nhìn những chiếc xe bị người khác mua mất với giá họ trả là 30 hoặc 40 đô la.
Cuộc bán đấu giá tạm nghỉ giữa giờ, người bán đấu giá đã hỏi cậu bé là sao không trả với giá cao hơn để mua chiếc xe. Cậu bé nói rằng bản thân chỉ có 5 đô la.

Cuộc bán đấu giá xe đạp
Sau giờ nghỉ ngơi, cuộc đấu giá bắt đầu. Cậu bé vẫn là người đầu tiên trả giá với mức 5 đô la. Đương nhiên, cuối cùng chiếc xe vẫn bị người khác mua mất. Dần dần, những người tham gia trong cuộc bán đấu giá cũng bắt đầu chú ý đến cậu bé, nhiều người trong số họ còn cảm thấy yêu mến cậu bé.
Cuộc đấu giá rất nhanh đến thời điểm kết thúc. Trên sàn đấu giá chỉ còn lại một chiếc xe đạp, thân xe sáng như mới, có nhiều mức tốc độ, hộp số 10 cấp, phanh tay hai chiều, có màn hình hiển thị tốc độ và thiết bị chiếu sáng vào ban đêm. Thật không thể nghi ngờ, đây là chiếc xe tốt hiếm có.
Người bán đấu giá hỏi: “Ai sẽ trả giá?”
Ở vị trí đầu tiên, cậu bé dường như đã không còn hy vọng nhưng vẫn quyết định trả giá 5 đô la. Lúc này toàn hội trường bỗng im bặt, tất cả mọi người đều nín lặng, ngồi ở đó đợi kết quả.
Họ hướng cặp mắt về phía cậu bé, không một ai lên tiếng cũng không nhấc tay xin trả giá. Mãi cho đến khi người bán đấu giá đếm hết 3 lượt, cuối cùng nói: “Chiếc xe đạp được bán cho cậu bé mặc quần đùi và đi giày thể thao màu trắng”.
Lời vừa nói ra, toàn hội trường vỗ tay nhiệt liệt. Cậu bé cũng vỗ tay hoan hô, sau đó lấy trong túi ra tờ 5 đô la nhàu nhĩ và nhận về chiếc xe đạp đẹp nhất, trên mặt nở nụ cười tươi vui rạng rỡ tới mức mà mọi người chưa từng thấy.
Trong cuộc sống của chúng ta, thay vì “đánh bại người khác”, “chèn ép người khác”, “vượt trên người khác”, chúng ta cũng có thể “thành tựu cho người khác”. Điều này mới thật là đáng để suy ngẫm…
Câu chuyện thứ 2: Thành tựu người khác chính là thành tựu chính mình.
Trong cuộc sống của chúng ta thường phát sinh những sự tình khó khăn tới mức không thể lường trước được. Có lúc chúng ta là người đi giúp đỡ người khác, cũng có lúc phải nói lời cảm ơn người khác. Trong cõi vô minh, luân hồi đời đời kiếp kiếp, có lẽ chúng ta đã gieo nên những nhân duyên này.
Vào buổi chiều cách đây hơn 100 năm, có một người nông dân ở nước Anh đang làm việc tay chân trên đồng ruộng. Bỗng nhiên anh nghe được tiếng kêu cứu từ xa vọng lại, hóa ra đó là tiếng kêu cứu của một cậu thiếu niên không may rơi xuống nước.
Không chút mảy may suy nghĩ, người nông dân vội nhảy xuống nước cứu người. Nhờ vậy mà cậu thiếu niên đã được cứu sống.
Sau này mọi người mới biết, câu thiếu niên được cứu khỏi bị chết đuối năm đó là một công tử con nhà quý tộc.
Vài ngày sau, cha của cậu bé đích thân mang theo lễ vật đến nhà người nông dân để cảm ơn. Người nông dân lại nhất quyết không nhận món quà này.
Theo quan điểm của anh, việc cứu người lúc đó chỉ là do lương tâm sai khiến, anh không thể vì người được cứu có xuất thân cao quý mà tham lam tài vật của họ.
Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa kết thúc.
Nhà quý tộc ngưỡng mộ lòng tốt và sự cao thượng của người nông dân, ông đã luôn ghi nhớ ân đức này. Vì vậy ông muốn giúp đỡ cậu con trai của người nông dân đến Luân Đôn để học lên cao hơn.
Người nông dân đã chấp thuận đề nghị này. Bởi vì ước mơ bao năm của ông chính là có thể giúp cho đứa con của mình được học hành đến nơi đến chốn.
Người nông dân cảm thấy rất hạnh phúc vì cuối cùng con trai mình cũng có cơ hội bước ra thế giới bên ngoài và thay đổi số phận. Còn nhà quý tộc kia cũng cảm thấy hạnh phúc vì cuối cùng đã thực hiện được ước mơ giúp đỡ ân nhân của mình.
Nhiều năm sau, cậu con trai của người nông dân này tốt nghiệp Đại học Y khoa St. Mary ở London. Với thành tích xuất sắc toàn diện cả về tư cách lẫn học thức, cậu đã được Hoàng gia Anh phong tước hiệp sĩ và đoạt giải Nobel Y học năm 1945.
Ông là Alexander Fleming, người phát minh ra penicillin.

Alexander Fleming
Cậu con trai nhà quý tộc cũng lớn lên. Trong thế chiến thứ 2, cậu bị mắc bệnh viêm phổi nặng, nhưng may mắn Thay, dựa vào penicillin, cậu đã nhanh chóng bình phục.
Và cậu con trai nhà quý tộc này chính là Thủ tướng Anh, Winston Churchill.
San San biên dịch