Đoàn Xuân Thu

Trần Bang Thạch, bạn văn, Houston, Texas, cách tôi một biển Thái Bình, viết:
“Cứ tà tà mần văn như vậy!”

Mèn ơi! đọc thơ bạn hiền gặp lại chữ “mần” khoái tỉ tê… như quê người, tình cờ gặp lại ‘em xưa’ mà con vợ mình không hay, không biết…

Tôi xa chữ “mần” đã khá lâu, dễ chừng năm chục năm rồi có lẽ. Hồi tôi còn nhỏ, bạn văn của ba, như Sơn Nam đến nhà tìm: “Ba có nhà không cháu?”

“Thưa bác Sơn Nam, ba con đi mần việc.” – Tôi vòng tay lại.

Ba tôi, mần việc là mần việc; mần văn là mần văn. Nhưng với Sơn Nam mần việc là mần văn. Mần văn là mần việc!

Hồi tắm sông còn ở truồng, tôi đã hết lòng kính trọng mấy bác nhà văn, bạn của ba, vì nghĩ làm sao mà có thể viết được những truyện ngắn làm người ta rớt nước mắt được như vậy chớ? Trong trí óc non nớt đó, nhà văn không phải là người thường mà là người ‘Thượng’… tức thuộc cõi trên…

Sau nầy lớn lên đi học, thầy cho dăm ba chữ dằn bụng, đọc Sơn Nam tôi càng ‘ê càng’ ổng hơn! Có lẽ trong làng văn chương Việt Nam, Sơn Nam là người duy nhất sống trọn một cuộc đời bằng chữ nghĩa và sống vì chữ nghĩa. Ông sống để viết và viết để nuôi cuộc sống.

Ngay những năm đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn, để tìm chén cơm, manh áo ông đã bắt đầu cầm bút.

“Trước 1975, tôi đồng thời viết cho bảy tờ báo. Sau năm 1975, tôi tiếp tục công tác với nhiều tờ báo. Thật ra, tôi mê viết văn hơn viết báo và với tôi, viết văn bao giờ cũng là trọng tâm. Tôi viết báo để kiếm sống và để giải trí. Tôi quan niệm: Viết văn để viết văn, để yêu nước chứ không nhằm một mục đích nào khác.”

Sơn Nam viết văn là vậy còn cái tánh ổng là sao cà? Hãy lục tìm vài chỗ:

Có nhà báo nói là thích Sơn Nam ở chỗ ông thân tình, dễ gần, không lên mặt kênh kiệu với bất kỳ ai. Ông xuề xòa, vui tính, dường như tôi chưa hề thấy ông giận ai bao giờ.

Cái này không đúng lắm đâu. Sơn Nam có giận chớ… mà giận dữ với “Tây” mới oai.

“Hiền hòa, nhỏ nhoi vậy, nhưng ông đã nổi giận thì thật ghê gớm. Cũng phim Người Tình, trong cảnh đám cưới ở chợ Sa Đéc, có mấy chục cụ ông, cụ bà mặc áo dài, khăn đống đóng vai nhà trai, nhà gái. Giờ nghỉ trưa, thấy mấy cụ ngồi bệt dưới đất ăn cơm, trong khi đoàn phim vào nhà hàng ăn đàng hoàng, ông đã nổi giận thực sự. Mặt bừng bừng sát khí, ông đứng giữa nhà lồng chợ ra lệnh gọi đạo diễn ra cho ông nói chuyện. Chủ nhiệm đoàn phim vội hét lính dọn bàn ghế mời các cụ ngồi ăn.”

Giận dữ với ‘Tây’ đã là ngon mà ổng còn đổ cộc với ‘ta’ nữa, như trong truyện “Âm dương cách trở”:

Ông già hớt tóc vỉa hè bị công an khu vực xét hộ khẩu. Ông nói: “Tôi sống ở đây gần trọn một đời người, chỉ biết mình là công dân của Tổ quốc Việt Nam thôi”.

Anh công an hỏi: “Vậy theo ông thế nào là Tổ quốc?”.

Ông già nói: “Với tôi, Tổ quốc là một nơi kiếm sống được bằng một việc lương thiện nào đó, không bị ai làm khó dễ, có vài người bạn chơi được, không ba trợn”.

Hồi cha sanh mẹ đẻ tới bây giờ thú thiệt là: tôi chưa hề may mắn được bực thức giả nào đó định nghĩa Tổ quốc thâm trầm hơn nữa!

Ông ước có được vài ba người bạn chơi được, không ba trợn… Nhưng Sơn Nam xui quá… lại gặp hai người: một ở Bắc Ninh: một ở (?!)… Hãy nghe:

Khi chụp ảnh chân dung nhà văn Sơn Nam, các nhiếp ảnh gia rất chú trọng tới “chi tiết đặc tả” là đôi tai… ngoại cỡ của ông.

Có độc giả ở Bắc Ninh tên là Nguyễn Đình Tự đã đặt câu hỏi với ông: “Nhà văn Sơn Nam có lỗ tai đạt kích cỡ khoảng 7 cm x 20 cm. Có lẽ vì vậy mà ông… nghe được lắm chuyện xưa tích cũ hay ho về vùng đất Nam bộ để viết lại thành nhiều tác phẩm giá trị về đất nước, con người Đồng bằng sông Cửu Long… Có đúng như vậy không nhà văn?”

Sơn Nam đã trả lời rất một cõi U Minh rằng: “Tai tôi quả là cũng có to hơn người bình thường một chút, nhưng không phải vì do nghe nhiều mà tai to đâu. Thiếu gì người “tai to mặt lớn” mà chẳng bao giờ biết lắng nghe gì cả.”

Một câu hỏi ba trợn và một câu trả lời có thể ở tù.

Nhưng chưa hết, Sơn Nam còn gặp một ông cũng hỏng thèm chơi với ông nữa. Té ra lý do ông giận đòi nghỉ chơi là vì: “Sơn Nam, có lẽ, vì tuổi đời đã cao nên không còn nghe và thấy được những tiếng kêu thương và cảnh đời vô vọng (đến thế) từ nơi sinh trưởng của ông.”

Nói vậy mà Hội cao niên nghe được… tôi e nó sẽ lôi ông ra ba tòa quan lớn… vì tội “age discrimination”.

Sau đó… còn thêm: “Sơn Nam qua đời vào ngày 13 tháng 8 năm 2008 nhưng ông đã chết (trong tôi) hơi lâu, trước đó!”

Cái này thì ông đúng chỉ 50%… vì Sơn Nam chết mà không mất… vì ổng còn để lại “Hương Rừng Cà Mau”.

Riêng tôi với ông, dù cũng mần văn, theo chữ Trần Bang Thạch, nếu chết là mất vì mình không để lại cái gì hết… ngoài một nhúm tro.

Có đọc, đừng giận nhe bạn, bớt giận mà nghe Sơn Nam nói:

“Với tôi, hạnh phúc lớn nhất là không gây thù chuốc oán với ai, không ai ghét mình… (Nếu lỡ người ta oán ghét mình thì cũng đành cam chịu!)

Tôi cũng ao ước giống hệt nhà văn Sơn Nam là: “Có người tới thăm nói dóc chơi”.

Nói dóc… vui hơn mần văn… anh Trần Bang Thạch ơi?!

Đoàn Xuân Thu

Melbourne

Bài trướcNgười mẹ già bị lẫn…!
Bài tiếp theoChữ Thập Ðỏ, dưới thời VNCH GỌI LÀ HỒNG THẬP TỰ