TRẦN GIA PHỤNG

HỒ SƠ MẬU THÂN

Trang

  1. Tổng quát về biến cố Tết Mậu Thân (1968)                 3
  2. Lệnh tổng tấn công của bộ đội cộng sản                     12
  3. Nhật lệnh của Bộ Tư lệnh MTDTGP                          15
  4. Mệnh lệnh tấn công của đoàn chủ tịchUBTƯMTDTGP    18
  5. Chiến sự Tết Mậu Thân trên bốn vùng chiến thuật      20
  6. Chiến sự Tết Mậu Thân ở thủ đô Sài Gòn                    26 
  7. Chiến sự Tết Mậu Thân ở Huế                                32
  8. Hậu quả biến cố Tết Mậu Thân                                  46
  9. Tại sao tàn sát trong biến cố Tết Mậu Thân                52
  10. Chuyện sau Mậu Thân                                              61
  11. Ánh mắt người cha (Tác giả: Tân Chánh)                  65
  12. Cơn mê chiều (Nhạc và lời Nguyễn Minh Khôi)         73

NGŨ HÀNH SƠN BẢN ĐIỆN TỬ 2018

Nguồn: Clark Dougan, Stephan Weiss, và nhiều tác giả, The Vietnamese Experience: Nineteen Sixty-Eight, Boston Publishing Company/Boston MA, 1983, p. 11.

TỔNG QUÁT VỀ BIẾN CỐ TẾT MẬU THÂN (1968)

Chiến tranh càng ngày càng leo thang. Hai bên đều tăng cường lực lượng mạnh  mẽ và được các cường quốc tiếp liệu quân nhu, võ khí, đạn dược dồi dào. Từ giữa năm 1967, phía Cộng Sản Việt Nam (CSVN) chuẩn bị những trận đánh lớn, và lúc đầu dư luận tưởng rằng cuộc đụng độ ác liệt sẽ diễn ra ở Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị), nhưng đó là động tác giả của CS, để bất ngờ mở cuộc tổng tấn công trên toàn quốc vào dịp Tết Mậu Thân, đầu năm 1968.

Biến cố Tết Mậu Thân (1968) được CSVN gọi là “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa” (General Offensive, General Uprising). ”Tổng công kích” (1) nghĩa là tổng tấn công. Cộng sản hy vọng cuộc tổng tấn công sẽ được dân chúng hưởng ứng và từ đó tiến lên “tổng khởi nghĩa”, chiếm chính quyền như CSVN đã chiếm chính quyền vào năm 1945.

  1. LÝ DO CỘNG SẢN MỞ CUỘC TỔNG TẤN CÔNG

Cộng sản Việt Nam chưa một lần lên tiếng về lý do cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Chỉ biết quyết định ”tổng công kích và tổng khởi nghĩa” Tết Mậu Thân  được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 14 ban chấp hành Trung ương (BCHTƯ) đảng Lao Động (LĐ) khóa 3 tại Hà Nội vào tháng 1-1968. Trong phần “Phương hướng và nhiệm vụ của ta trong thời kỳ mới” của nghị quyết nầy, đảng LĐ cho rằng cần phải tổ chức “tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định, đạt tới mục tiêu chiến lược mà đảng ta đã đề ra là: a) Tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. b) Tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được các nhiệm vụ chính trị và quân sự của chúng ở miền Nam. c) Trên cơ sở đó, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc...” (2)

Những mục tiêu ghi trong nghị quyết trên đây không phải là lý do đầy đủ đưa đến việc tổng tấn công Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vào dịp Tết Mậu Thân.(3) Dựa trên diễn tiến chính trị và chiến cuộc cho đến cuối năm 1967, nguyên nhân cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân có thể như sau:

Tham vọng của phái chủ chiến ở Bắc Việt Nam: Tại Liên Xô, trong Đại hội thứ 20 của đảng CSLX năm 1956, Nikita Khrushchev đưa ra chính sách sống chung hòa bình giữa các nước không cùng chế độ chính trị. Chủ trương nầy bị Trung Cộng phản đối. Tại Bắc Việt Nam (BVN), trong đảng LĐ xuất hiện hai khuynh hướng mâu thuẫn nhau: 1) Nhóm bảo thủ cứng rắn theo Trung Cộng, phản đối chủ trương của Khrushchev, do Lê Duẩn lãnh đạo. 2) Nhóm tán thành chủ trương của Khrushchev mà Võ Nguyên Giáp được xem là người đứng đầu. Cuộc tranh chấp trong nội bộ đảng âm ỷ nhiều năm. Nhóm cứng rắn thắng thế. Nhóm ôn hòa theo chủ trương của Khrushchev bị quy vào tội “chống đảng”.

Nhóm cứng rắn chủ trương đánh mạnh ở Nam Việt Nam (NVN), thống nhất đất nước bằng võ lực, nghĩ rằng nếu mở cuộc tổng tấn công thì sẽ được nhân dân NVN ủng hộ, đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nhóm nầy tin tưởng chắc chắn sẽ thắng lợi đến nỗi in sẵn giấy bạc để thay tiền VNCH, và khi chiến dịch bắt đầu, Lê Đức Thọ vào Nam giữ vai trò phó bí thư Trung ương cục, phụ tá cho Phạm Hùng, cho đến tháng 5-1968 mới trở ra Bắc vì thấy không thành công. (4)

Phá hủy chính quyền VNCH: Tại NVN, ngày 1-4-1967 hiến pháp được ban  hành, làm nền tảng cho sự thành lập chính thể Đệ nhị Cộng hòa, đồng thời chấm dứt giai đoạn khủng hoảng chính trị kéo dài trong ba năm (1964-1966). Cộng sản quyết mở cuộc tổng tấn công vào đầu năm 1968 nhằm sớm phá hủy hệ thống chính quyền VNCH mới được tái xây dựng, tiếp tục tạo khó khăn và gây bất ổn cho VNCH.

Gây dư luận tại Hoa Kỳ: Khi Hoa Kỳ tham chiến trực tiếp tại Việt Nam, giới lãnh đạo BVN nhận thức rõ khó có thể chiến thắng được quân đội Hoa Kỳ, vì quân đội Hoa Kỳ trang bị võ khí tối tân và hùng hậu. Lúc đó,quân số Hoa Kỳ tại VNCH lên khá cao. Quân số Hoa Kỳ tính đến cuối năm 1965 là 184,300, cuối năm 1966 là 385,300 và cuối năm 1967 là 485,600 người.(5)

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ phong trào phản chiến càng ngày càng lên cao, nhất là từ năm 1965 đến 1967. Năm 1968 là năm bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, dư luận dân chúng rất nhạy cảm. Cộng sản tin rằng tổng tấn công vào các thành phố ở NVN năm 1968 sẽ gây chấn động dân chúng Hoa Kỳ, làm tăng cao phong trào hòa bình và phản chiến, sẽ tạo ảnh hưởng để chính phủ Hoa Kỳ sớm rút quân khỏi Việt Nam.

Chuẩn bị hòa đàm: Cuộc vận động hòa bình khởi phát từ năm 1964, càng ngày càng lan rộng. Đã đến lúc các bên đối đầu sửa soạn vào bàn hội nghị thương thuyết, nên BVN mở cuộc tổng tấn công nhằm tạo thế mạnh trước khi vào hội nghị. (Trên thực tế, ngày 3-5-1968, Hoa Kỳ và BVN đồng ý sẽ gặp nhau tại Paris lần đầu vào ngày 10-5-1968.) (6)

Gây bất ổn thành phố: Một hiện tượng xã hội ít được chú ý là do chiến tranh  càng ngày càng khốc liệt, vùng nông thôn bất ổn, nên mỗi năm có khoảng từ 500,000 đến 1 triệu dân nông thôn tránh bom đạn, bỏ ra thành thị tỵ nạn, sinh sống dưới sự kiểm soát của chính phủ VNCH.(7) Lúc đó, ở nông thôn  CS không có  dân để trà trộn trốn tránh, cũng không có dân để tiếp tế nuôi ăn, lại thiếu thanh thiếu niên để bắt lính. Vì vậy, CS đưa chiến tranh vào thành phố, làm cho dân  nông thôn chạy ra thành thị quay về nông thôn, chận đứng làn sóng di chuyển từ nông thôn ra thành thị.

Khống chế MTDTGP: Lý do cuối cùng thúc đẩy CS Hà Nội tổ chức cuộc tổng  tấn công là: Khi mới thành lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) gồm đa số là đảng viên cộng sản miền Nam, kể cả những người gốc miền Nam ra Bắc tập kết rồi trở về, đồng thời có cả các thành phần thiên tả, không cộng sản, bất mãn chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đương thời, bỏ theo MTDTGP. Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, những thành phần miền Nam không cộng sản trong MTDTGP dự tính muốn trở về hợp tác với tân chính phủ VNCH nhưng chưa có cơ hội trở về vì tình hình miền Nam xáo trộn liên tục. (8)

Giới lãnh đạo đảng LĐ ngoài Bắc không tin tưởng các thành phần nầy và cũng không tin tưởng những đảng viên CS gốc miền Nam trong MTDTGP. Nếu cuộc tổng tấn công thành công sẽ là một thắng lợi quan trọng cho BVN. Ngược lại, nếu cuộc tổng tấn công thất bại, và chủ lực của MTDTGP bị quân đội VNCH tiêu diệt, đối với đảng LĐ ở Hà Nội vẫn là điều có lợi, vì đây sẽ là cơ hội tốt để đảng LĐ gởi thêm cán bộ và quân nhân từ miền Bắc vào thay thế, nắm gọn và điều khiển hẳn toàn bộ MTDTGP, mà không xảy ra tranh chấp nội bộ gay go. (9)

Với những tính toán trên đây, dầu cuộc tổng tấn công thành công hay thất bại, đàng nào đảng LĐ ở Hà Nội cũng đều có lợi, nên họ không ngần ngại mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân.

  • TÌNH HÌNH TRƯỚC KHI CS TỔNG TẤN CÔNG

Tình hình Bắc Việt Nam: Tại BVN, vào đầu tháng 7-1967, ở Hà Nội diễn ra các cuộc họp quan trọng của Bộ chính trị và Quân uỷ TƯĐLĐ, duyệt xét kế hoạch phát động cuộc “tổng công kích và tổng khởi nghĩa” vào dịp Tết Mậu Thân (1968) (Don Oberdorfer, sđd. 54). Đại tướng CS Nguyễn Chí Thanh, bí thư Trung ương cục miền Nam (TƯCMN), từ NVN về Hà Nội dự họp, chết tại quân y viện 108 ngày 6- 7-1967.(10) Nguyễn Chí Thanh là một vị tướng trong phái bảo thủ cứng rắn do Lê Duẩn đứng đầu.

Sau tang lễ Nguyễn Chí Thanh, tướng Võ Nguyên Giáp được đưa đi Hungary dưỡng bệnh. Võ Nguyên Giáp được xem thuộc thành phần xét lại thân Liên Xô, chống lại phe Lê Duẩn. Tướng Giáp trở về Hà Nội vào ngày 29 Tết tức 28-1-1968. Lúc đó, kế hoạch tổng tấn công Mậu Thân ở miền Nam đã được phe Lê Duẩn sắp đặt xong xuôi và nhất là những sĩ quan cao cấp thân cận với tướng Giáp trong Bộ Quốc phòng hay trong Quân ủy Trung ương đã bị phe Lê Duẩn loại bỏ. (Huy Đức, sđd. tt. 96-99.)

Hồ Chí Minh được đưa qua Bắc Kinh nghỉ dưỡng ngày 5-9-1967. Bộ Chính trị triệu mời Hồ Chí Minh về nước ngày 23-12-1967, rồi sau đó ông ta lại qua Bắc Kinh chiều 1-1-1968. Lê Duẩn thay thế vai trò của Hồ Chí Minh. (Huy Đức, sđd. tt. 97-98.) Phạm Hùng được gởi vào Nam, thay thế Nguyễn Chí Thanh, giữ chức  bí thư TUCMN, điều khiển cuộc chiến. (11)

Cũng từ giữa năm 1967, đảng LĐ bắt giam tất cả những thành phần “xét lại”, theo chủ trương sống chung hòa bình giữa những nước không cùng chế độ chính trị, nghĩa là những người trong nhóm không đồng ý với cuộc xâm lăng NVN. Đó là Hoàng Minh Chính (bị bắt ngày 27-7-1967), Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang (bị bắt cùng ngày 18-10-1967). Đảng LĐ còn bách hại, khủng bố, cách chức, khai trừ ra khỏi đảng hay tù đày khoảng 43 đảng viên, cán bộ cao và trung cấp, trước khi mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968).

Để chận đứng mọi mưu toan chống lại chủ trương chính sách của đảng LĐ, nhằm tiến hành cuộc tổng tấn công NVN, ngày 10-11-1967 nhà cầm quyền CS ban hành pháp lệnh, theo đó nhà nước sẽ phạt án từ giam giữ lâu ngày đến cấm cố nhiều năm, hoặc tử hình, những người phạm tội phản cách mạng, gồm có tội gián điệp, phá hoại, chuyển ra ngoài những bí mật quốc phòng hay tài liệu của nhà nước. (Don Oberdorfer, sđd. tr. 66.)

Nhân dịp qua Liên Xô tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Liên Xô,(12) Lê Duẩn, bí thư thứ nhất đảng LĐ, ghé Bắc Kinh, trình bày kế hoạch mới theo quyết định của Bộ chính trị đảng LĐ vào tháng 7-1967 và xin quân viện.

Trung Cộng hứa gởi qua BVN 300,000 quân kể cả lực lượng phòng không và công binh, (13) cung cấp hoả tiễn 107 ly, 240 ly, quân dụng, lương khô, thuốc men. Tại Moscow, Liên Xô chấp thuận cho BVN thêm đại bác 130 ly, chiến xa T54, phản lực cơ Mig 21 và các loại võ khí hạng nặng khác. (14) Cũng trong dịp nầy, để một lần nữa chứng tỏ tình thân thiện Xô-Việt, những nhà lãnh đạo Xô Viết quyết định tặng Hồ Chí Minh huân chương Lenin. (15)

Theo thông lệ, khi gần đến năm mới, ngày 15-12-1967, chính phủ VNCH thông báo sẽ hưu chiến 24 giờ trong dịp lễ Giáng Sinh năm 1967, 24 giờ trong dịp Tết dương lịch năm 1968, và 48 giờ trong dịp Tết âm lịch Mậu Thân. Cũng trong ngày nầy, MTDTGP đưa ra đề nghị hưu chiến 3 ngày trong dịp lễ Giáng Sinh, 3 ngày trong dịp lễ Tết dương lịch và 7 ngày trong dịp Tết âm lịch. (Đoàn Thêm, 1968, sđd. tt. 286-287.)

Trong khi đó, ngày 28-12-1967, Bộ chính trị đảng LĐ họp phiên đặc biệt do Hồ Chí Minh (từ Bắc Kinh trở về ngày 23-12) chủ trì, quyết định tổng tấn công, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi. (Huy Đức, sđd. tr. 98.)  Để làm lạc hướng dư luận  và sự tính toán của các giới lãnh đạo Hoa Kỳ cũng như VNCH, vào ngày 30-12- 1967 (trước Tết dương lịch 1968), bộ trưởng Ngoại giao BVN là Nguyễn Duy Trinh tuyên bố sẽ nói chuyện với Hoa Kỳ nếu Hoa Kỳ ngưng ném bom vô điều kiện. (16) Hà Nội loan báo sẽ thả ba tù binh Hoa Kỳ vì lý do nhân đạo để đáp ứng những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam (Chính Đạo, Mậu Thân…, sđd. tr. 17).

Cuối cùng, ngày 21-1-1968, Hội nghị lần thứ 14 BCHTUƯ đảng LĐ khóa III họp và đưa ra nghị quyết “Anh dũng tiến lên, thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước” vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân tại NVN (đêm 29 rạng 30-1-1968). (17) Tấn công vào  dịp hưu chiến Tết âm lịch nhằm gây bất ngờ cho NVN.

Tuy nhiên, có một việc còn bất ngờ hơn nữa: Đó là BVN đổi âm lịch là lịch pháp dựa trên sự tuần hoàn của mặt trăng mà người Việt Nam quen dùng.

Nguyên vào ngày 8-8-1967, nhà nước VNDCCH ra quyết định số 121/CP cho Nha Khí tượng thay đổi âm lịch, theo đó tháng chạp năm đinh mùi ở BVN không có ngày 30 âm lịch, trong khi ở NVN vẫn có ngày 30 âm lịch, nghĩa là mồng 1 Tết BVN đến trước mồng 1 Tết NVN một ngày.

Việc đổi âm lịch nầy có hai điểm đáng ghi nhận: 1) Nha Khí tượng Hà Nội xác nhận việc đổi âm lịch không theo tính toán của những nhà lịch pháp, mà theo quyết định của nhà cầm quyền Hà Nội,(18) tức có tính cách hành chánh và chính trị hơn là chuyên môn khoa học. 2) Việc đổi âm lịch không được thông báo trước mà chỉ cho dân chúng BVN biết khi đem ra áp dụng vào đầu năm dương lịch, tháng 01- 1968, nghĩa là chỉ còn hơn một tháng là đến Tết âm lịch năm mậu thân. (19) Tóm lại:  ngày 29-1-1968 là mồng 1 Tết ở BVN và là ngày 30 tháng chạp ở NVN.   Ngày 30-1-1968 là mồng 2 Tết ở BVN là ngày mồng 1 Tết ở NVM. Nghĩa là dân chúng BVN ăn Tết một ngày xong rồi, CS mới đánh ở NVN.

Tình hình Nam Việt Nam: Tại NVN, ngày 31-10-1967, liên danh đắc cử tổng thống và phó tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ nhận chức, nhiệm kỳ bốn (4) năm. Tân tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký sắc lệnh số 005/TT/SL  ngày 9-11-1967 bổ nhiệm luật sư Nguyễn Văn Lộc lập chính phủ mới. Tân nội các gồm đa số là chuyên viên, không đảng phái.

Trên chiến trường, gần cuối năm 1967, CS mở nhiều cuộc tấn công mạnh mẽ ở nhiều nơi từ Lộc Ninh (tỉnh Bình Long), đến Dakto (tỉnh Kontum), Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị). Gần Tết Mậu Thân (1968), CSVN tung quân tấn công các cứ điểm quân sự ở cao nguyên Trung phần, đưa ba sư đoàn 304, 320, 325, và hai trung đoàn Pháo binh cùng một đơn vị thiết giáp T-54, bao vây và pháo kích dữ dội Khe Sanh (Quảng Trị), gần vùng giới tuyến giữa hai miền Nam Bắc, từ ngày 19-1-1968. (20) Lúc đó có ý kiến cho rằng đây có thể sẽ là một trận Điên Biên Phủ thứ hai. (21)

Trong khi đó, CS âm thầm chuẩn bị các cuộc tấn công vào thành phố. Ngày 2-1- 1968, tại cao nguyên Trung phần, quân đội Hoa Kỳ tịch thu được một tài liệu có đầy đủ kế hoạch CS tấn công Pleiku và Kontum.

Ngày 15-1, tại Khe Sanh, một sĩ quan CS hồi chánh cho biết sẽ có chiến dịch lớn tại vùng giới tuyến. Với nhiều tin tức tình báo khác, Bộ tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam ra lệnh báo động và thông báo cho quân đội VNCH biết, và yêu cầu VNCH hủy bỏ lệnh hưu chiến nhân dịp Tết Mậu Thân.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH, chỉ đồng ý bãi bỏ hưu chiến tại Vùng I Chiến thuật, và rút bớt 24 giờ hưu chiến trên toàn quốc. (Chính Đạo, Mậu Thân… sđd. tt. 31-32, 344.)

Một dấu hiệu nữa về việc CS sẽ tổng tấn công trong dịp Tết là ngày 29-1-1968 (30 Tết NVN), tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (thuộc QĐ II và Vùng II CT – VNCH), chính quyền VNCH bắt được trước sau 10 cán bộ CS với những tài liệu quan  trọng, trong đó có cả máy ghi âm sẵn lời phát thanh kêu gọi dân chúng tổng khởi nghĩa. Tỉnh trưởng Bình Định báo cáo vụ việc lên thượng cấp, nhưng bộ Tư lệnh Vùng II CT do tướng Vĩnh Lộc chỉ huy, không quan tâm. (Chính Đạo, Mậu Thân…, sđd. tr. 31.)

Lúc đó, dư luận chung trong cũng như ngoài nước tin tưởng vào sự hiện diện của khoảng 500,000 quân Mỹ tại Việt Nam sẽ bảo đảm an toàn cho VNCH. Hơn nữa, do CS vừa tuyên truyền, vừa chuyển quân đe dọa Khe Sanh nặng nề nên mọi người chú tâm đến trận chiến ở vùng giới tuyến, mà ít chú ý đến những diễn tiến chung quanh các thành phố, rộn rịp khác thường trong những ngày trước Tết Mậu Thân.

Dù tổng thống Thiệu đã ra lệnh giảm hưu chiến còn 24 giờ trên toàn quốc, và bãi bỏ hưu chiến ở Vùng I CT, nhưng nói chung, mọi nơi đều nô nức đón Tết, nên việc canh phòng có phần lơ là và quả thật cuộc tổng tấn công của CSVN là một trận đánh hoàn toàn bất ngờ với dân chúng miền Nam. Có tài liệu cho rằng cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là một trong ba biến cố bất ngờ nhất trong cuộc chiến Việt Nam từ 1960 đến 1975. (22)

Một biến cố quốc tế khá quan trọng đối với Hoa Kỳ trước biến cố Tết Mậu Thân,  là vào ngày 23-01-1968, tàu tuần thám Pueblo với thủy thủ đoàn 83 người của Hải quân Hoa Kỳ, đang di chuyển trong hải phận quốc tế dọc theo duyên hải Bắc Triều Tiên (BTT), bị chiến hạm của BTT bắt đưa về giam. Dư luận Hoa Kỳ đang theo dõi vụ nầy, rất căng thẳng, thì một tuần sau, nổ ra cuộc tổng tấn công của CSVN vào các thành phố trên khắp lãnh thổ VNCH.(23)

CHÚ THÍCH

  1. Theo Mao Trạch Đông, cuộc cách mạng phải trải qua ba giai đoạn trong một thời gian dài. (1) Khi mới nổi dậy, cách mạng còn yếu kém, nên rút về nông thôn để phát triển.  (2) Kẻ thù bắt buộc phải phân tán mỏng lực lượng để truy kích cách mạng ở khắp vùng nông thôn. Cách mạng dùng du kích tiêu diệt và làm suy yếu kẻ thù. Nhờ vậy, cách mạng sẽ mạnh lên dần dần. (3) Vào giai đoạn chót, cách mạng sẽ tổng tấn công để đánh bại quân thù.
  • <http://cpv.org.vn/cpv/>. Vào “Văn kiện đảng”. Vào “Văn kiện hội nghị”. Vào “Văn kiện các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khóa III (5-10/9/1960)”. Vào “Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Trung ương Đảng tháng 1 năm 1968”.
  • Trong âm lịch tên các năm không viết hoa. Tuy nhiên, những niên đại được dùng để gọi tên các biến cố lịch sử thì viết hoa: Ví dụ “Tết Mậu Thân”.
  • Huy Đức, Bên thắng cuộc, tập II: Quyền bính, Saigon: Osin Book, 2012 (bản điện tử), tr. 100. Sau nầy, ngày 22-9-1975, CS ra lệnh đổi tiền ở NVN (lần thứ nhứt), người ta cho biết rằng những bao đựng tiền đề ngoài bì in năm 1967. (Người viết nghe tại Đà Nẵng.)
  • Marc Leepson, Helen Hannaford, Webster’s New World Dictionary of the Vietnam War, New York: Simon & Schuster Macmillan Company, 1999, tr. 484.
  • Đoàn Thêm, 1968 Việc từng ngày, Sài Gòn: Cơ sở Phạm Quang Khai, 1968. California: Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr. 156.
  • Don Oberdorfer, Tet!, New York: Nxb. Da Capo, 1984, tr. 53.
  • Tháng 5-1993, ông Chử Bá Anh, CBANEWS, phỏng vấn bằng điện thoại cựu đại tướng Quân Lực VNCH Nguyễn Khánh, cư ngụ ở Bắc California. Cuộc phỏng vấn ghi lại trong bài “Đại tướng Nguyễn Khánh lên tiếng bác bỏ tài liệu mật của cộng sản Liên Xô năm 1972 nói một số tướng lãnh Miền Nam bằng lòng hợp tác với Hà Nội trong chính phủ liên hiệp tại Miền Nam”, đăng trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Hoa Kỳ, số 112 tháng 5-1993. Trong cuộc phỏng vấn, có một đoạn ông Nguyễn Khánh nói như sau: “Mặt Trặn Giải Phóng Miền Nam muốn trở về với Quốc Gia vì họ thấy chính phủ Miền Nam lúc bấy giờ [1964] không phải là tay sai, nên chấp nhận và muốn về hợp tác. Chuyện đó có thiệt và có cả giấy tờ chứng minh, tôi sẽ gửi ngay cho ông văn thư đề ngày 28-1-1965 của kỹ sư Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ Tịch Uỷ Ban Trung Ương Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.” Ông Chử Bá Anh mở ngoặc đơn xác nhận thêm ngay sau đó: “Chúng tôi [Chử Bá Anh] đã nhận được văn bản nầy.” Vấn đề nầy cần phải đợi thêm thời gian, khi những người trong cuộc qua đời, mới có thể có thêm nhiều tài liệu kiểm chứng. (Mời xem thư của Huỳnh Tấn Phát gởi tướng Nguyễn Khánh dịch qua Anh ngữ trong sách Gareth Porter, Vietnam, A History in Documents, New York: New Ame-rican Library, 1981, tt. tt. 292-293.)  (In lại trong chương 9.)
  • Về sau, một số nhân vật trong MTDTGP công khai tố cáo âm mưu nầy của đảng LĐ, trong đó có bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, trong MTDTGP. (Stanley Karnow, Vietnam A History, New York: The Viking Press, 1983, tt. 544-545.) Đây là kinh nghiệm mà CSVN học được của Trung Cộng. Trong thế chiến thứ hai, khi Quốc Cộng liên hiệp để chống Nhật, quân đội Trung Cộng tránh né quân đội Nhật, chẳng những không đụng độ với quân Nhật mà còn chỉ điểm nơi đóng quân của quân đội Quốc Dân Đảng Trung Quốc cho quân đội Nhật tấn công. Kết quả thế nào, cũng đều có lợi cho quân Trung Cộng.
  • Việc Nguyễn Chí Thanh (NCT) bị đột tử có hai cách giải thích: 1) Theo Don Oberdorfer, sđd. tr. 42, thì NCT ở chiến trường miền Nam, bị trúng bom và bị thương ở ngực, được đưa qua Nam Vang, rồi về Hà Nội, và chết lúc 9 giờ sáng ngày 6-7-1967 tại bệnh viện 108 Quân đội. 2) Theo nữ ký giả Judy Stowe, trong bài, „Lịch sử chủ nghĩa xét lại tại Việt Nam“, Đỗ Văn dịch, Phụ Nữ Diễn Đàn, số 136,1995. (NCT ra Bắc họp; sau cuộc họp ngày 6-7 của Bộ chính trị và Quân uỷ trung ương, nội bộ ăn mừng. Vì quá chén, đêm hôm đó NCT lên cơn đau tim và chết. Tài liệu mới nhất của Huy Đức, tr. 96, sau buổi tiệc tối 5-7-1967, NCT bị chết sáng 6-7 tại bệnh viện Quân y 108 với kết luận của bệnh viện là “nhồi máu cơ tim”. (Internet: http://members.aol.com/cahen/xetlai.htm).
  1. James J. Wirtz, The Tet Offensive, New York: Cornell University Press, 1994, tr. 52. Chính Đạo,

Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 447.

  1. Nếu theo lịch mới do giáo hoàng Gregory 13 (giáo nhiệm từ 1572-1585) ban hành, và hiện đang áp dụng trên toàn thế giới, cuộc cách mạng Nga xảy ra vào ngày 7-11-1917. Cuộc cách mạng  nầy thường được gọi là „Cách mạng tháng 10“ vì lúc đó, Nga chưa dùng lịch Gregory, vẫn còn dùng lịch cũ đặt ra từ thời Julius Caesar (102-44 trước CN), và ngày cách mạng bùng nổ trong tháng 10 theo lịch cũ.
  2. Chính Đạo, Mậu Thân 68, thắng hay bại? Houston: Nxb. Văn Hóa, 1998, tr. 32. Về việc quân Trung Cộng vào Bắc Việt Nam, xem chú thích số 26 phía dưới. Ngoài ra, xem lại chương 9 (“Lực lượng nước ngoài tham chiến”) và xem thêm Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, California: Nxb. Văn Nghệ, 1997, tr. 114.
  3. Hoàng Lạc, Hà Mai Việt, Nam Việt-Nam, 1954-1975, những sự thật chưa hề nhắc tới, Texas: 1990, tr. 77.
  4. Ralph Smith, „Thập niên cuối cùng của cuộc đời Hồ Chí Minh“, Lê Đình Thông dịch, đăng trong tuyển tập nhiều tác giả, Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp, Paris: Nxb. Nam Á, 1990, tr. 125.
  5. Clark Dougan, Stephen Weiss và nhiều tác giả, The Vietnam Experience, Nineteen Sixty-Eight, Boston Publishing Company: Boston, 1983, tr. 10.
  6. Báo Nhân Dân, Hà Nội , ngày 31-1-1988, số kỷ niệm 20 năm cuộc tổng công kích.
  7. Theo „Lời giới thiệu của Nha Khí tượng“ Hà Nội, trong sách Lịch thế kỷ XX, Nxb. Phổ Thông (sau đổi thành nhà xuất bản Văn Hóa), Hà Nội, 1968, thì: „Đối với những năm sắp đến, ngày tháng âm lịch và các tiết được tính toán dựa theo quyết định số 121/CP ngày 8-8-1967 của Hội đồng Chính phủ„; và „Phần nầy tính căn cứ theo Quyết định số 121/CP ngày 8-8-1967 của Hội đồng Chính phủ„. Quyết định của Hội đồng chính phủ được các nhà làm lịch nhấn mạnh ngay trong “Lời giới thiệu”.
  8. Điều nầy được xác nhận trong „Lời nói đầu“ hoặc „Lời giới thiệu“ của các lần xuất bản về sau nầy; ví dụ lần xuất bản thứ nhì (1977), thứ ba (1982), và thứ tư (1991).
  9. Nguyễn Đức Phương, Chiến tranh Việt Nam toàn tập, Toronto: Nxb. Làng Văn, 2001, tt. 379- 381.
  10. John S. Bowman (tổng biên tập), The Vietnam War, Day by Day, New York: Maillard Press, 1989, tr. 119.
  11. James J. Wirtz, sđd. tr. 28. Hai biến cố kia là: (1) Sự can thiệp và tham chiến trực tiếp của Hoa Kỳ năm 1964, mà Lê Duẫn đã phải thốt lên vào năm 1965: „Tình hình biến chuyển mau lẹ hơn là chúng tôi đã dự đoán.“ (2) Vụ ném bom ở Hà Nội và Hải Phòng của Không lực Hoa Kỳ vào ngày 23-12-1972.
  12. Thủy thủ đoàn tàu Pueblo được BTT thả ngày 23-12-1968.

LỆNH TỔNG TẤN CÔNG CỦA BỘ ĐỘI CỘNG SẢN

1.- TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG

Theo thống kê, vào tháng 12-1967, tổng cộng quân chính quy, nghĩa quân, địa phương quân thuộc Quân lực VNCH là 678,728, (1) gồm 4 quân đoàn, đóng ở 4 vùng chiến thuật. Quân đội VNCH cho đến cuối năm 1967 chưa được trang bị võ khí mới, mà vẫn còn sử dụng những loại võ khí cũ như súng Carbine M1 và Carbine M2 hay súng Garant M1. Các loại súng nầy được sử dụng từ thời thế  chiến 2 ở Âu Châu. Máy bay của Không quân VNCH không thể bay lâu trên  không trung. Quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường NVN vào cuối năm 1967 là 486,000 quân,(2) trang bị tối tân và đầy đủ.

Đầu năm 1968, quân đội CS tại NVN lên đến khoảng 129,200 quân tác chiến, kể cả quân du kích. Khi bắt đầu tổng tấn công, lực lượng nầy tăng thành 147,200 người, đa số đều trẻ tuổi, đôi khi rất trẻ. (3) Tại Huế, CS xích chân bộ đội vào các cổ súng máy, không thể bỏ trốn, cho đến khi bị bắn chết tại chỗ.(4)

Ngày 26-1-1968, một số cán binh CS hồi chánh tại Quảng Trị đã khai rằng BVN đưa quân vào NVN, nên BVN phải sử dụng thanh niên nghĩa vụ quân sự, tổ chức thành các đơn vị bảo vệ miền Bắc. (Phạm Văn Sơn, sđd. tr. 136.) Thực tế cho thấy khoảng 320,000 viện binh Trung Quốc đã vào BVN, bảo vệ các tỉnh phía bắc Hà Nội, để quân BVN tiến xuống đánh NVN.(5)

Võ khí quân CS sử dụng trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân khá tối tân như súng AK 47, xe tăng T54 đều do Liên Xô viện trợ. Lãnh đạo quân CS lúc đó tại NVN gồm Phạm Hùng làm chính ủy, tư lệnh là trung tướng Hoàng Văn Thái (mới thay trung tướng Trần Văn Trà năm 1967), tham mưu trưởng là đại tá Lê Đức Anh.

2.   LỆNH TỔNG TẤN CÔNG

Nhân dịp đầu năm dương lịch 1968, Hồ Chí Minh gởi đến Ngoại giao đoàn ở Hà Nội, cùng các nhân viên cao cấp của đảng LĐ và nhà nước Hà Nội một thiệp chúc Tết màu hồng, trên có in bài thơ “Mừng xuân 1968” của Hồ Chí Minh. Bài thơ  nầy còn được phổ biến trên báo chí và trên đài phát thanh Hà Nội vào ngày Tết dương lịch (1-1-1968).

Đúng giao thừa Tết âm lịch ở BVN theo lịch mới của BVN (tối 28 rạng 29-1- 1968), nghĩa là 24 giờ trước tối giao thừa ở NVN theo lịch NVN (tối 29 rạng 30-1- 1968), bài thơ “Mừng xuân 1968” do Hồ Chí Minh đọc từ Tết dương lịch (1-1- 1968), được đảng Lao Động phát thanh lại trên đài phát thanh Hà Nội, làm hiệu lệnh tấn công. Nguyên văn bài thơ như sau:

Xuân nầy hơn hẳn mấy xuân qua, Thắng trận tin vui khắp mọi nhà. Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta.” (6)

Khi đọc bài thơ trên, đến câu thơ chót (Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta), Hồ Chí Minh đã dùng sức hét lên thật to rất khác thường hai chữ „Tiến lên!„.(7) Sau nầy người ta mới hiểu bài thơ nầy được CS dùng làm mật khẩu ra lệnh tổng tấn công ở NVN. (8)

Bài thơ nầy được đài phát thanh Hà Nội lập đi lập lại nhiều lần từ đêm giao thừa đến suốt ngày mồng Một tháng giêng âm lịch (Tết) ở BVN (29-1-1968), tức là suốt ngày 30 tháng chạp năm đinh mùi ở NVN. Như thế, trong suốt ngày hôm đó (29- 1-1968), quân đội CS ở khắp NVN đều nghe hiệu lệnh của Hồ Chí Minh chuẩn bị ra quân vào đêm giao thừa ở NVN (đêm 29 rạng 30-1-1968.).

Tại NVN, trước giờ xuất phát tấn công, bộ đội CS được nghe các cấp chỉ huy đọc nhật lệnh của bộ Tư lệnh các Lực lượng Võ trang MTDTGP, trong đó, câu đầu tiên xác định bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh là lệnh xuất quân chiến dịch “Tổng công kích và tổng khởi nghĩa”.

CHÚ THÍCH

  1. Web:  -RVNAF Table.pdf  Spreadsheet on troop levels and other information

<http://www.buttondepress.com/secretstuff/ttu2006/RVNAF%20Table.pdf>.

  • Đoàn Thêm, 1967 Việc từng ngày, Sài Gòn: Cơ sở Phạm Quang Khai, 1968. California: Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr. 322.
  • Phạm Văn Sơn (chủ biên) cùng nhiều tác giả, Cuộc tổng công kích – Tổng khởi nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968, Sài Gòn: Khối Quân sử Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu, 1968, tr. 361.
  • Sau khi quân đội VNCH đẩy lui CS khỏi Huế sau Tết Mậu Thân (1968), dân chúng tìm thấy nhiều xác cán binh CS bị cột bằng xích sắt vào các ổ súng phòng không, đặt trên hoàng thành, bao bọc khu Thành nội Huế. [Một người chứng kiến việc nầy đã kể cho người viết ngay sau trận Mậu Thân tại Huế.] Ngoài ra, xin vào các web và dùng chữ khóa: “U.S. Troops Find Viet Cong Chained” thì sẽ tìm nhiều bài viết về vấn đề nầy. Trong sách Technology and the Air Force: A Retrospective Assessement do nhiều người viết, biên tập bởi Jacob Neufeld, George M. Watson, Jr., và David Cheno Weth, Washington D.C: Air Force History and Museums Program, United States Air Force, 1997, chương “Stretching the Rubber Band: Smart Weapons for Air-to-Ground Attack”, của tác giả David R,. Mets, trang 129 có đoạn viết:”The story was the North Vietnamese was chaining the truck drivers to the steering wheels.”
  • Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 135.
  • Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12: 1966-1969, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 333-334. Chú ý: vào tối giao thừa âm lịch năm đó, Hồ Chí Minh đang ở Bắc Kinh. Bài thơ nầy đã được HCM dùng để chúc Tết đầu năm dương lịch 1968, phổ biến trên báo chí và trên đài phát thanh Hà Nội, nay được phát lại.
  • Nguyễn Lý Tưởng, „Gặp LM Giuse Lê Văn Hộ lần cuối trước khi Ngài bị Việt Cộng chôn sống…“, đăng trong Thảm sát Mậu Thân ở Huế, tuyển tập nhiều tác giả, Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại (PTGDVNHN), California, in lần thứ hai, 1999, tr. 179.
  • Việc dùng thơ văn để làm hiệu lệnh quân sự đã từng được quân Đồng minh dùng đến khi phản công quân đội Đức trong cuộc đổ bộ vào bờ biển Normandie (Pháp) vào ngày 6-6-1944. (Ngày dài nhất). Bài thơ dùng trong trường hợp nầy là hai câu đầu của bài „Chanson d’automne“ [Bài ca mùa thu] của Paul Verlaine (1844-1896), nhà thơ người Pháp. (Cornelius Ryan, The Longest Day, Nxb. Fawcett, Greenwich, Connecticut, 1959, tr. 33.)

14

TÀI LIỆU:

NHẬT LỆNH CỦA BỘ TƯ LỆNH,

CÁC LỰC LƯỢNG VÕ TRANG GIẢI PHÓNG MIỀN NAM

Dưới đây là nhật lệnh của bộ Tư lệnh các Lực lượng võ trang của MTDTGPMNVN, do các cấp chỉ huy CS đọc cho các đơn vị trước khi xuất quân vào tối 29-1-1968 tức tối giao thừa Tết Mậu Thân tại miền Nam.

Nhật lệnh nầy đã được tác giả Douglas Pike dịch qua Anh ngữ và đăng trong bài „The 1968 Viet Cong Lunar New Year Offensive in South Vietnam“ [Cuộc tấn công Tết âm lịch năm 1968 của Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam], do Phái bộ Hoa Kỳ tại Sài Gòn phát hành ngày 14-2-1968.

Bản dịch Anh ngữ được đăng lại trong sách đã dẫn của Don Oberdorfer, tt. 75, 76, và chú thích ở tr. 359. Rất tiếc người viết không có nguyên văn tiếng Việt nhật lệnh nầy của MTDTGP, nên phải dịch lại từ bản dịch Anh ngữ của Douglas Pike để làm tài liệu tham khảo, chỉ có thể giữ đại ý của nguyên bản.

Trong khi dịch, người viết cố gắng dùng từ ngữ và cách hành văn theo lối cộng sản lúc đó. Ngoài ra, câu chúc Tết của Hồ Chí Minh thì lấy theo nguyên bản bằng  tiếng Việt. („Move forward to achieve final victory“, đã được Douglas Pike dịch từ câu cuối bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh là: „Tiến lên toàn thắng ắt về ta.“)

ORDER OF THE DAY OF THE HEADQUARTERS, ALL SOUTH VIETNAM LIBERATION ARMED FORCES

To all cadres and combatants,

„Move forward to achieve final victory.“

The Tet greeting of Chairman Ho is actually a combat order for our entire Army and population.

And in compliance with the attack order of the Presidium, Central Committee, South Vietnam Liberation Front, all cadres and combatants of all South Vietnam

15

Liberation Armed Forces should move forward to carry out direct attacks on all the headquarters of the enemy, to disrupt the United States imperialists‘ will for

aggression and to smash the Puppet Government and Puppet Army, the lackeys of the United States, restore power to the people, completely liberate the 14,000,000 people of South Vietnamfulfill our revolutionary task of establishing democracy throughout the country.

It will the the greatest battle ever fought throughout the history of our country. It will bring forth world-wide change but will also require many sacrifices. It will decide the fate and survival of our Fatherland and will shake the world and cause the most bitter failure to the imperialist ringleaders.

Our country has a history of 4,000 years of fighting and defeating foreign aggression, particularly glorious battles such as Bach Dang, Chi Lang, Dong Da and Dien Bien Phu. We defeated the special war and we are defeating the limited war of the Americans. We resolutely move forward to completely defeat the American aggressors in order to restore independence and liberty in our country.

Dear comrades,

It is evident that the American aggressors are losing.

The call for assult to achieve independence and liberty has sounded.

The Truong Son [the Annamite mountains] and the Mekong River are moving. You, comrades, should act as heroes of Vietnam and with the spirit and pride of combatants of the Liberation Army.

The final victory will be with us.

DỊCH LẠI TỪ BẢN DỊCH ANH NGỮ CỦA DOUGLAS PIKE:

NHẬT LỆNH CỦA BỘ TƯ LỆNH,

CÁC LỰC LƯỢNG VÕ TRANG GIẢI PHÓNG MIỀN NAM

Hỡi cán bộ và chiến sĩ,

„Tiến lên toàn thắng ắt về ta.“

16

Lời chúc Tết của Hồ chủ tịch đích thực là một mệnh lệnh chiến đấu cho toàn thể Bộ đội và nhân dân.

Hưởng ứng lệnh tấn công của Chủ tịch đoàn, Trung ương cục, Mặt trận Giải phóng miền Nam, tất cả cán bộ và chiến sĩ của các Lực lượng Võ trang Mặt trận Giải phóng miền Nam hãy tiến lên tấn công thẳng vào các bộ chỉ huy địch, bẻ gãy ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ và đập tan ngụy quyền ngụy quân bù nhìn, tay sai của Mỹ, giành lại quyền cho nhân dân, giải phóng toàn bộ 14 triệu đồng bào miền Nam, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng là lập lại nền dân chủ trên cả nước.

Đây sẽ là trận chiến vĩ đại nhất trong suốt quá trình lịch sử nước ta. Nó sẽ làm  thay đổi cả thế giới nhưng cũng đòi hỏi nhiều hy sinh. Nó sẽ quyết định vận mạng và sự sống còn của Tổ quốc, sẽ làm rung chuyển thế giới, và sẽ gây thất bại chua cay cho bọn đầu sỏ đế quốc.

Đất nước chúng ta có 4,000 năm lịch sử đánh và thắng ngoại xâm, đặc biệt là những chiến công lừng lẫy như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa và Điện Biên Phủ. Chúng ta đã thắng cuộc chiến tranh đặc biệt và chúng ta đang thắng cuộc chiến tranh giới hạn của Mỹ. Chúng ta cương quyết tiến lên đánh bại hoàn toàn bọn xâm lược Mỹ để giành lại độc lập và tự do cho xứ sở.

Các đồng chí thân mến,

Rõ ràng là bọn xâm lược Mỹ đang thua.

Giờ tiến công để giành lại độc lập và tự do đã điểm.

Núi Trường Sơn và sông Cửu Long đang chuyển mình.[*]

Hỡi các đồng chí, hãy làm người hùng Việt Nam với tinh thần và lòng kiêu hãnh của chiến sĩ Bộ đội Giải phóng.

Thắng lợi cuối cùng ắt về ta.

[*] Cộng sản thường dùng Núi Trường Sơn và sông Cửu Long làm hình ảnh tượng trưng cho miền Nam. Trong bài ca „Giải phóng miền Nam“ của Huỳnh  Minh Siêng tức Lưu Hữu Phước có câu: „Đây Cửu Long hùng tráng, đây Trường Sơn vinh quang.“

MỆNH LỆNH TẤN CÔNG

CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG

Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam

GỞI

  • Toàn thể cán bộ và chiến sĩ các lực lượng võ trang nhân dân Giải phóng
  • Toàn thể đồng bào

Sau những thắng lợi liên tiếp trong mấy tháng qua, tình hình trong nước và trên thế giới lúc nầy rất thuận lợi cho sự nghiệp Cách mạng giải phóng Dân tộc ta. Mỹ  đang sa lầy và thất bại nặng nề. Ngụy quyền thối nát bất lực ngày càng phơi bày  bộ mặt bán nước buôn dân của chúng. Lực lượng Cách mạng của ta đã trưởng thành toàn diện và mạnh mẽ chưa từng có, miền Bắc hậu phương lớn của miền Nam càng vững mạnh đang giáng cho giặc Mỹ những đòn chí tử trong chiến tranh phá hoại, hết lòng hết sức làm hậu thuẫn cho miền Nam chống Mỹ cứu nước. Trên thế giới bạn bè khắp năm châu (kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ) đồng tình và tích cực ủng hộ ta. Chúng ta đang đứng trước thời cơ rất thuận lợi.

Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam QUYẾT ĐỊNH MỞ CUỘC TẤN CÔNG LỚN TOÀN DIỆN ĐÁNH BẠI QUÂN ĐỊCH GIÀNH CHÍNH QUYỀN VỀ TAY NHÂN DÂN.

Đoàn chủ tịch HẠ LỊNH cho tất cả các lực lượng võ trang giải phóng, các lực lượng đấu tranh chính trị, toàn thể hội viên yêu nước và toàn thể đồng bào nhứt tề xông lên.

  • Tiêu diệt sinh lực địch, đánh bại quân đội Mỹ và chư hầu, đánh tan Ngụy quân.
  • Đánh đổ tất cả Ngụy quyền các cấp, cương quyết trừng trị bọn Việt gian đầu sỏ và bọn ác ôn.
  • Thành lập chánh quyền Cách mạng của nhân dân ở các cấp, ra sức bảo vệ chánh quyền, kiên quyết đập tan mọi phản kích của địch bất cứ trong tình huống nào.
  • Thực hiện những chánh sách trong cương lĩnh của Mặt trận đã ban bố.
  • Hỡi toàn thể đồng bào, cán bộ và chiến sĩ hãy dũng cảm tiến lên! Chúng ta nhứt định thắng!

Miền Nam Việt Nam, ngày 29/1/1968

ĐOÀN CHỦ TỊCH

UBTƯMTDTGPMNVN

PHOTOCOPY BẢN ĐÁNH MÁY MỆNH LỆNH TẤN CÔNG

Của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương

Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam

(Nguồn: Picassa Web Album, Explore, Huy’s Gallery)

CHIẾN SỰ TẾT MẬU THÂN TRÊN BỐN VÙNG CHIẾN THUẬT

Cuộc tổng tấn công của cộng sản (CS) nhân dịp Tết Mậu Thân diễn ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), từ Quảng Trị xuống đến Bạc Liêu, sớm nhất tại Quảng Nam và Nha Trang, vào đêm Giao thừa ở Nam Việt Nam (NVN) tức đêm 29 rạng 30-1-1968, và rút lui trễ nhất tại Huế vào ngày 25-2-1968. Như vậy cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân diễn ra trong gần một tháng. Trong suốt tháng nầy, CS tấn công 44 địa điểm tại các thị trấn, tỉnh lỵ và thành phố trên toàn quốc.

1.- CHIẾN SỰ TẾT MẬU THÂN TẠI VÙNG I CHIẾN THUẬT

Chiến sự tại Quảng trị và Thừa Thiên thuộc Vùng I Chiến thuật sẽ trình bày sau. Tại tỉnh Quảng Nam, vào khoảng giao thừa, tức tối 29 rạng 30-1-1968, CS pháo kích trại định cư Trà Kiệu ở phía nam thành phố Đà Nẵng khoảng 30 cây số, bắn vào phi trường Non Nước (một phi trường quân sự nhỏ gần Ngũ Hành Sơn, và Đà Nẵng, bên sông Hàn) và bắn vào phi trường Đà Nẵng.

Sau 3 giờ sáng mồng 1 Tết (30-1-1968), CS đột nhập bộ Tư lệnh QĐ I ở Đà Nẵng. Các đợt tấn công nầy đều bị đẩy lui. Cộng sản xách động dân chúng tập họp trước chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng (đường Ông Ích Khiêm) để biểu tình, liền bị dẹp yên.

Cũng sau 3 giờ sáng mồng 1 Tết, CS tấn công thị xã Hội An, nhưng quân VNCH được các đại đội Đại Hàn và Hoa Kỳ trợ lực, đến giải tỏa ngay.

Cũng trong ngày mồng 1 Tết, cộng quân pháo kích vào bộ chỉ huy Trung đoàn 51 Bộ Binh ở gần Vĩnh Điện trên quốc lộ 1 và tối hôm đó, CS tấn công tiền đồn quân lực VNCH trên đèo Hải Vân (thuộc quận Hòa Vang, Quảng Nam), nhưng bị đẩy lui.

Tại tỉnh Quảng Tín,(1) từ 4 giờ sáng mồng 2 Tết (31-1-1968), cộng quân đồng loạt pháo kích các đơn vị quân sự, hành chánh tỉnh lỵ Tam Kỳ và vùng phụ cận, tung 4 tiểu đoàn từ nhiều mặt tấn công Tòa hành chánh và Tiểu khu Quảng Tín, nhưng thất bại trong ngày hôm đó.

Quảng Ngãi là nơi đóng bản doanh bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 thuộc Quân đoàn I.  Được tin CS tấn công các nơi khác vào sáng mồng 1 Tết (30-1-1968), nên Sư đoàn 2 chuẩn bị phòng thủ cẩn thận. Lúc 4 giờ sáng mồng 2 Tết (1-2-1968), CS bắt đầu pháo kích, rồi xung phong tấn công các cứ điểm hành chánh và quân sự Quảng Ngãi. Sư đoàn 2 sử dụng thiết vận xa đẩy lui các đợt tấn công của CS. Tuy nhiên, bộ đội CS xâm nhập được vào lao xá, thả trên 500 tù nhân. Gần sáng, phi cơ can thiệp kịp thời, CS phải rút lui.

2.- CHIẾN SỰ TẾT MẬU THÂN TẠI VÙNG II CHIẾN THUẬT

Tại Vùng II CT,(2) Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) là nơi chính quyền VNCH bắt được 10 cán bộ CS ngày 29-1-1968 (30 tháng Chạp đinh mùi) trong đó có một tỉnh ủy viên cùng nhiều tài liệu quan trọng báo hiệu CS sẽ tổng tấn công trong dịp Tết.

Sáng hôm sau (30-1-1968 tức mồng 1 Tết) khoảng sau 4 giờ, CS tấn công Khu 22 An ninh Quân đội, giải thoát những người bị bắt, chiếm ty Thông tin và Đài phát thanh Quy Nhơn. Tiểu khu Bình Định phối hợp cùng Sư đoàn Mãnh Hổ (Nam Hàn) phản công và ngày 3-2-1968, quân CS hoàn toàn rút khỏi thị xã Quy Nhơn.

Đêm mồng 1 Tết, quân CS pháo kích và sau đó tấn công thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nhưng bị đẩy lui trong ngày mồng 2 Tết.

Tại Nha Trang, hơn nửa giờ sau giao thừa (qua sáng 30-1-1968), quân CS pháo kích vào Trường Hải Quân, nhưng bị máy bay Không đoàn 62 chận đứng. Đến 2 giờ sáng, CS tấn công cùng một lúc vào Đài phát thanh, Tiểu khu và Tòa hành chánh tỉnh Khánh Hòa, Bộ chỉ huy 5 Tiếp vận, và Tiểu đoàn Truyền tin 651.

Cộng sản không tấn công vào bộ Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt đặt tại Nha Trang. Tư lệnh LLĐB là chỉ huy trưởng Yếu khu kiêm quân trấn trưởng Nha Trang, nắm vững tình hình, và tổ chức phản công hữu hiệu. Tối mồng 2 Tết (31-1-1968), sau một cuộc ác chiến, CS rút lui. Hai bên đều thiệt hại nặng. Quân VNCH và Đồng minh tiếp tục tảo thanh vùng phụ cận Nha Trang.

Phía nam tỉnh Khánh Hòa là tỉnh Ninh Thuận, hoàn toàn vô sự trong Tết Mậu Thân. Thị xã Phan Thiết, tỉnh lỵ tỉnh Bình Thuận, bị tấn công nhiều đợt. Quân CS tấn công đợt đầu từ mồng 1 (30-1-1968) đến mồng 7 Tết (5-2-1968). Đợt thứ hai, quân CS tấn công tối 17 rạng 18-2 và bị đẩy lui ngày 20-2. Sau đó, CS còn tấn công Phan Thiết hai lần, nhưng cuối cùng hoàn toàn bị đẩy lui ngày 12-3-1968.

Dãy Trường Sơn và cao nguyên Nam Trung phần với rừng núi bạt ngàn là nơi CS hoạt động mạnh mẽ. Lực lượng VNCH và Hoa Kỳ đóng quân ở một số thị trấn  trên các cao nguyên.

Tại tỉnh Kontum, CS tấn công thành phố Kontum bốn lần: Rạng sáng mồng 1, tối mồng 1, rạng sáng mồng 3 và rạng sáng mồng 4. Qua ngày mồng 5, CS rút lui.

Tại thị trấn Tân Cảnh, phía bắc và cách Kontum 50 km trên quốc lộ 14, CS tấn công từ 2 giờ sáng mồng 1 Tết (30-1-1968), nhưng bị đẩy lui ngay trong ngày mồng 1.

Pleiku, nơi quân đoàn II đóng bản doanh, giữ một vị trí chiến lược quan trọng. Pleiku nằm về phía nam Kontum trên quốc lộ 14, và phía bắc Ban Mê Thuột cũng trên quốc lộ 14. Nếu theo quốc lộ 19 về phía đông là Quy Nhơn và theo quốc lộ 7- B về đông nam là Phú Bổn (Cheo Reo), Củng Sơn, Tuy Hòa.

Một tiểu đoàn CS tấn công Pleiku vào ban ngày, lúc 9G. sáng mồng 1 Tết nên bị Thiết giáp VNCH loại ngay trong ngày. Sáng mồng 4 Tết, hai trung đoàn CS tấn công Pleiku lần thứ hai, bị phi cơ VNCH và Mỹ đánh đuổi cũng ngay trong ngày. Cộng sản thất bại nặng tại Pleiku, phải rút lui.

Ban Mê Thuột là tỉnh lỵ tỉnh Darlac. Darlac nằm về phía nam của Pleiku và Phú Bổn, phía bắc của Quảng Đức và Tuyên Đức. Khoảng 1G.35 sáng mồng 1 Tết, CS tung khoảng 3,500 quân tấn công cùng một lúc các căn cứ quân sự và cơ sở hành chánh Ban Mê Thuột, nhưng bị quân đội VNCH chận đứng. Cộng sản tiếp tục  xâm nhập trong ngày mồng 2, nhưng cuối cùng phải rút lui hoàn toàn vào ngày mồng 6 Tết. Thiệt hại hai bên tại đây: CS 924 chết, 143 bị bắt trong khi VNCH  148 chết, 22 mất tích.

Lực lượng CS tấn công thành phố du lịch Đà Lạt, tỉnh lỵ của tỉnh Tuyên Đức khá trễ, vào lúc 1G.45 sáng mồng 4 Tết (2-2-1968), chiếm Biệt điện (Bảo Đại), Đài phát tuyến, Khu chợ Hòa Bình. Ngày 9-2-1968, Liên đoàn 2 Biệt Động Quân được gởi tới Đà Lạt, nhanh chóng giải tỏa Đà Lạt. Các thị trấn thuộc các tỉnh Lâm  Đồng, Phú Bổn và Quảng Đức không bị tấn công.

3.- CHIẾN SỰ TẾT MẬU THÂN TẠI VÙNG III CHIẾN THUẬT

Cuộc chiến tại thủ đô Sài Gòn sẽ trình bày sau. Có lẽ để hỗ trợ cho cuộc tấn công Sài Gòn, cộng quân đưa hai trung đoàn đánh ba cứ điểm quan trọng ở Biên Hòa: phi trường, Bộ tư lệnh Quân đoàn III – Vùng III Chiến thuật,(3) và trại Frenzel Jones (tức căn cứ Long Bình, tổng kho hậu cần của quân đội Mỹ).

Trận đánh bắt đầu lúc 3 G. sáng mồng 2 Tết (31-1-1968). Quân CS pháo kích rồi vượt rào kẽm gai, tràn vào phi trường Biên Hòa. Trực thăng VNCH phản công; quân CS rút lui.

Đồng thời với cuộc tấn công phi trường Biên Hòa, quân CS tấn công Bộ chỉ huy QĐ III, nhưng bị kháng cự mạnh mẽ, phải bỏ trốn vào nhà dân.

Bộ đội CS còn tấn công trại Frenzel Jones (căn cứ Long Bình) thuộc Lữ đoàn 199 Mỹ, nhằm hỗ trợ cho toán đặc công lẽn vào phá hủy kho đạn khổng lồ nầy. Tuy nhiên, toán đặc công CS bị phát giác. Phi cơ và chiến xa nhanh chóng đẩy lui cuộc tấn công của CS.

Ngày hôm sau, mồng 3 Tết (1-2-1968), liên quân Việt Mỹ mở cuộc tảo thanh chung quanh thành phố Biên Hòa, ổn định tình hình. Tổng kết, CS tử thương 527 người và 40 bị bắt.(4)

Bộ đội CS còn tấn công một vài địa điểm gần Biên Hòa trong dịp Tết như Xuân Lộc thuộc Long Khánh (Bộ tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh), Tân Uyên thuộc Bình Dương và tấn công lực lượng Úc ở Bà Rịa. Trễ hơn, cộng sản đánh Tây Ninh ngày 6-2-1968 và Long An ngày 8-2-1968.

4.   CHIẾN SỰ TẾT MẬU THÂN TẠI VÙNG IV CHIẾN THUẬT

Vùng IV Chiến Thuật gồm 14 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long,(5) nhưng trong dịp Tết Mậu Thân, CS tấn công mạnh ở ba tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre), Vĩnh Long và Phong Dinh (Cần Thơ).

Tại Kiến Hòa, quân CS đột nhập vào thành phố Bến Tre rạng sáng mồng 3 Tết (1- 2-1968), bao vây các khu quân sự và chiếm các khu dân sự. Sau đó, khoảng 4G. sáng, CS pháo kích vào Tòa hành chánh tỉnh, Bộ chỉ huy Trung đoàn 10/SĐ 7 BB và vị trí pháo binh ở Sân vận động. Trong ngày mồng 3, các cứ điểm quân sự đã đẩy lui CS nhanh chóng. Do việc CS chiếm nhà dân để chiến đấu, tử thủ trong khu dân sự, nên khi liên quân Việt Mỹ tảo thanh CS, 90 thường dân bị chết, và 50% nhà cửa dân chúng bị hư hại nặng.(Cuộc tổng công kích… tr. 344.)(6)

Cộng sản sử dụng ba tiểu đoàn tấn công Vĩnh Long hai lần vào đầu năm Mậu Thân. Lần đầu lúc 3G. sáng mồng 2 Tết (31-1-1968), CS đánh khám đường (để giải thoát tù binh), Tòa hành chánh tỉnh, phi trường và khu vực Bến Đá – Nhà lồng chợ. Cộng sản bị đẩy lui và thiệt hại nhiều, nhất là tại phi trường. Riêng tại khu  vực khám đường và Nhà lồng chợ, CS trốn trong dân chúng, mãi đến mồng 6 Tết (4-2-1968) mới bị đẩy lui hoàn toàn. Nhà lồng chợ bị  CS đốt cháy.  Mười ngày  sau (14-2-1968), CS trở lui tấn công Vĩnh Long lần thứ hai và bị đánh đuổi hoàn toàn ngày 17-2-1968.

Thủ phủ của Vùng IV CT và là tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh là Cần Thơ. Lúc 3G. sáng mồng 2 Tết (31-1-1968), tiểu đoàn Tây Đô 303 CS tấn công Bộ tư lệnh QĐ IV (gần trường Phan Thanh Giản) và trại Truyền tin QĐ. Trong khi đó, tiểu đoàn U Minh CS tấn công Đài phát thanh, khu Đại học. Trong ngày mồng 2 Tết, hai bên đánh nhau giành từng căn nhà. Đêm mồng 2, CS tạm thời rút quân. Ngày mồng 6 Tết (4-2-1968), CS tái xuất hiện, chiếm khu Đại học. Phi cơ oanh kích gây thiệt  hại nặng cho khu vực nầy. Cuộc giải tỏa ở Cần Thơ cho đến tháng 4-1968 mới chấm dứt.

CHÚ TH ÍCH

  1. Quảng Tín: Ngày 31-7-1962, chính phủ VNCH ra sắc lệnh số 162-NV chia hai tỉnh Quảng Nam: Tỉnh Quảng Nam từ quận Hòa Vang vào đến Hương An, tỉnh lỵ Hội An. Tỉnh Quảng Tín từ  phía nam Hương An đến Bản Tân, tỉnh lỵ Tam Kỳ.
  2. Vùng II CT gồm các tỉnh duyên hải Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh cao nguyên là Kontum, Pleiku,Phú Bổn,Darlac,Quảng Đức,Tuyên Đức (Đà Lạt),Lâm Đồng.
  3. Vùng III CT, ngoài Sài Gòn-Chợ Lớn, gồm các tỉnh Gia Định, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An, Bình Long, Phước Long, Bình Dương, Bình Tuy, Phước Tuy, Long Khánh, Biên Hòa, thị xã Vũng Tàu.
  4. Phạm Văn Sơn (chủ biên) cùng nhiều tác giả, Cuộc tổng công kích – Tổng khởi nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968, Sài Gòn: Khối Quân sử Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu, 1968, tr. 340.
  • Vùng IV Chiến thuật gồm các tỉnh Định Tường, Kiến Tường, Kiến Hòa, Gò Công, Kiến Phong, Châu Đốc, An Giang, Sa Đec, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Kiên Giang, Phong Dinh (Cần Thơ), Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên.
  • Cộng sản trốn trong khu dân sự, vì vậy việc đánh nhau diễn ra trong khu dân sự. Đáng lẽ phải  kết án hành động của CS, trong buổi thuyết giảng ngày 25-9-2001 tại nhà thờ Riverside Church, New York, trước một cử tọa đông đảo cả ngàn người Mỹ, ông Nhất Hạnh lại nói rằng Không quân Hoa Kỳ đã thả bom tiêu diệt 300,000 nhà tại Bến Tre. (Nguyên văn: “When we learned of the bombing of the Bentre village in Vietnam, where 300,000 homes were destroyed …”) (Nhật báo Người Việt, Orange County, California, ngày 16-10-2001.) Lúc đó, dân số thành phố Bến Tre khoảng 80,000 người. Ông Nhất Hạnh lấy ở đâu ra con số 300,000? Việc ông Nhất Hạnh  nói không đúng sự thật ảnh hưởng rất tai hại với người Tây phương. Ví dụ: Báo Maclean’s, Canada, số ngày 24-9-2012, tr. 28, đăng bài “Trudeau’s Big Leap”, tác giả Peter Newman viết rằng để cứu tỉnh Bến Tre, Mỹ đã phải “destroyed it to save it”. Đây là kết quả nguồn tin sai lạc của ông Nhất Hạnh.

CHIẾN SỰ TẾT MẬU THÂN TẠI THỦ ĐÔ SÀI GÒN

Trong số những nơi bị tấn công, hai địa điểm quan trọng nhất mà cộng sản nhắm tới là hai thành phố Sài Gòn và Huế.

LÝ DO CỘNG SẢN TẤN CÔNG SÀI GÒN

Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Toàn thể bộ máy chính  quyền trung ương, kể cả Bộ tổng tham mưu quân đội VNCH đều đóng tại đây. Sài Gòn còn là nơi tập trung tòa đại sứ các nước trên thế giới, trụ sở các cơ quan  truyền thông trong và ngoài nước. Báo chí VNCH hầu hết xuất bản ở Sài Gòn.

Dân chúng Sài Gòn đông đúc, hoạt động náo nhiệt suốt ngày, nên CS dễ len lỏi, tuyên truyền, gây chấn động. Cộng sản quyết tấn công Sài Gòn mạnh mẽ để gây tiếng vang lớn trên thế giới.

Trong năm 1968, CSVN tấn công Sài Gòn hai lần: Lần thứ nhất từ 31-1 đến 29-2- 1968 (Tết Mậu Thân). Lần thứ hai từ 5-5 đến 18-6-1968. (Cuộc tấn công lần thứ hai sẽ được trình bày sau.)

Vì tầm quan trọng của mặt trận Sài Gòn, trong cuộc tổng tấn công lần thứ nhất vào dịp Tết Mậu Thân, CS giao cho những nhân vật cao cấp điều khiển trận đánh. Đó là Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt làm bí thư và phó bí thư.

Dưới quyền Nguyễn Văn Linh, hai bộ chỉ huy tiền phương phụ trách hai mũi tấn công: Mũi phía đông và phía bắc do Trần Văn Trà (thiếu tướng) chỉ huy, Mai Chí Thọ và Lê Đức Anh phụ tá, dự tính đánh vùng phát tuyến Quán Tre,(1) phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Quân đội VNCH và các căn cứ quân sự vùng Gò Vấp.

Mũi phía tây nam và nam do Võ Văn Kiệt chỉ huy, Trần Bạch Đằng phụ tá, có nhiệm vụ chiếm các cơ quan chính phủ VNCH, Tòa đại sứ Mỹ, tổ chức “chính quyền cách mạng”, lo việc quân quản.

CỘNG SẢN TẤN CÔNG

Mở đầu cuộc tấn công Sài Gòn, khuya mồng 1 sáng mồng 2 Tết (khuya 30 sáng 31-1-1968), CS tung các toán đặc công (còn gọi là biệt động thành), đánh phủ đầu cùng một lúc các vị trí quan trọng sau đây nhằm gây rối loạn chính quyền VNCH:

Dinh Độc Lập: Dinh Độc Lập là phủ tổng thống VNCH. Tổng thống Thiệu nghỉ Tết ở quê vợ tại Mỹ Tho. Khoảng 2 giờ sáng mồng 2 Tết (31-1-1968), đặc công  CS chiếm một cao ốc ở góc đường Nguyễn Du và Thủ Khoa Huân, bên hông dinh Độc Lập. Từ cao ốc nầy, đặc công dùng súng B-40 đánh sập cửa dinh Độc Lập  trên đường Nguyễn Du, tràn vào vườn, nhưng bị lực lượng phòng vệ bên trong đánh trả, khiến bốn đặc công chết tại chỗ, hai bị bắt và số còn lại rút về cố thủ trong cao ốc. Hai ngày sau Cảnh sát đến giải tỏa.  Kết quả đặc công chết 7, bị bắt  8, trốn thoát 3.

Tòa đại sứ Hoa Kỳ (cửa chính nhìn ra đường Thống Nhất): Khoảng 2G.30 sáng mồng 2 Tết (31-1-1968), đặc công CS dùng một chiếc xe, đổ quân tại một điểm trên đường Mạc Đĩnh Chi, bên hông tòa đại sứ. Dùng súng B-40, CS phá một lổ hổng ở chân tường, một đặc công xâm nhập vào trong, mở cổng hông tòa đại sứ cho đồng đội tràn vào sân vườn. Quân Mỹ cứu viện đến kịp thời. Đặc công lần  lượt bị bắn hạ. Tòa đại sứ được giải tỏa sau 6 giờ giao tranh. Kết quả 19 đặc công chết, phía Mỹ 5 tử thương.

Đài phát thanh Sài Gòn: Khoảng gần 3G. sáng mồng 2 tết (31-1-1968), đặc công CS ngụy trang một xe Quân cảnh Mỹ, dẫn theo sau một xe dân sự, đậu trước đài phát thanh, bất ngờ tấn công toán gác cổng, đột nhập vào bên trong. Cộng sản nhắm mục đích cho phát thanh lời CS kêu gọi dân chúng “tổng khởi nghĩa”, chống chính phủ VNCH.

Tuy nhiên, thiếu tá Vũ Đức Vinh, giám đốc Đài phát thanh, đã kịp thời tháo được bộ phận chính trong đài Sài Gòn,(2) đồng thời cánh quân CS đánh Quán Tre (Hóc Môn) không chiếm được đài phát tuyến, nên lời hiệu triệu của CS không đưa lên phát thanh được.

Tiểu đoàn 1 Nhảy dù được gởi đến để giải tỏa Đài phát thanh. Quân CS không  thực hiện được dự mưu, khoảng 7 G. sáng, CS đặt chất nổ phá hủy đài phát thanh rồi bỏ trốn, nhưng chỉ có hai đặc công trốn thoát.

Ngoài ba vị trí quan trọng trên đây, các toán đặc công CS còn đánh bộ Tư lệnh Hải quân đặt ở Trại Bạch Đằng, trên bờ sông Sài Gòn, Cổng số 5 bộ Tổng tham mưu trên đường Võ Tánh (Gia Định), Cổng Phi Long phi trường Tân Sơn Nhứt. Những cuộc tấn công nầy nhanh chóng bị tiêu diệt ngay trong ngày 31-1-1968.

Tiếp theo cuộc xung kích của các toán đặc công, là cuộc tấn công của hai cánh quân chủ lực cùng một lúc. Sáng mồng 2 Tết (31-1-1968), bộ chỉ huy tiền phương CS, mũi phía đông và phía bắc do Trần Văn Trà (thiếu tướng) chỉ huy, đánh vào bộ Tổng tham mưu, Trung tâm huấn luyện Quang Trung, bộ Chỉ huy Thiết giáp (trại Phù Đổng), bộ Chỉ huy Pháo binh (trại Cổ Loa), Trường Bộ binh Thủ Đức, phi trường Tân Sơn Nhứt và khu vực Hàng Xanh. Tại các căn cứ quân sự, tuy có nơi CS tràn vào bên trong khuôn viên, nhưng đều bị đẩy lui nhanh chóng trong ngày mồng 2.

Tại trại Phù Đổng, CS bắt giết một số quân nhân, trong đó có hai trung tá Huỳnh Ngọc Diệp và Nguyễn Tuấn. Gia đình trung tá Tuấn gồm 10 người, thì 9 người bị giết, một em bé 10 tuổi bị thương và sống sót. Tại phi trường Tân Sơn Nhứt, CS vào được phía bắc phi đạo, nhưng bị chận đánh, phải rút lui vào buổi tối. Riêng vùng Hàng Xanh là khu dân cư đông đúc, việc giải tỏa khó khăn vì sợ dân chúng bị thiệt hại, mãi đến chiều hôm sau mới chấm dứt.

Mũi tây nam và nam CS do Võ Văn Kiệt chỉ huy, tấn công Biệt khu thủ đô trên đường Lê Văn Duyệt. Cộng sản đưa quân đột nhập thành phố, chiếm một số khu vực từ đường Trần Quốc Toản lên trường đua Phú Thọ.

Quân lực VNCH đánh đuổi và giải tỏa vùng nầy khá vất vả vì CS lẫn lộn trong dân chúng, ẩn núp những nơi đông dân cư. Một cánh quân khác của CS từ Long An đánh một số cứ điểm thuộc Quận 7, quận 8 và quận Nhà Bè, chiếm khu Tân Thuận. Một đơn vị CS vào khu Lò Gốm, hãng rượu Bình Tây. Cuối cùng, CS thất bại phải rút lui khỏi các vùng trên.

CUỘC PHẢN CÔNG CỦA QUÂN ĐỘI VNCH

Ngoài những đơn vị có nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cơ quan và căn cứ như Cảnh sát Quốc gia, Cảnh sát Dã chiến, Quân cảnh… thì các lực lượng Nhảy dù, Biệt động quân (BĐQ) Thủy quân lục chiến (TQLC), Không quân VNCH và Thiết giáp là những đơn vị có mặt sớm nhất, chống trả mạnh mẽ các cuộc tấn công vào Sài Gòn của CS.

Những vị trí quan trọng ở Sài Gòn bị đặc công CS tấn công

Khi trận đánh xảy ra, hai tiều đoàn Nhảy dù đang có mặt ở Sài Gòn là tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 8. Hai tiểu đoàn nầy được điều động ngay khi đặc công CS mới khởi động.

Lúc đó, liên đoàn 5 BĐQ gồm 4 tiểu đoàn 30, 33, 34 và 38 trấn đóng vòng quanh từ Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn được đưa về bảo vệ thủ đô khi trời chưa sáng.

Sáng mồng hai (31-1-1968), khoảng 6G:30, tiểu đoàn 4 TQLC được không vận từ Vũng Tàu và tiểu đoàn 1 và 2 TQLC được không vận từ Cai Lậy (Định Tường) về Sài Gòn.

Khi CS mở cuộc tấn công Sài Gòn, tổng thống Thiệu đang nghỉ Tết tại Mỹ Tho. Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ liền ra lệnh phải nhanh chóng tái chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Sau khi lực lượng Nhảy dù giải tỏa Đài phát thanh, ông Kỳ loan báo tin CS xâm nhập thủ đô và yêu cầu dân chúng không được ra đường phố. Lúc đó, dân chúng mới biết tin CS tấn công chứ không phải đảo chánh xảy ra như trước đây.

Trong khi đó, tổng thống Thiệu về được bộ Tổng tham mưu ở Sài Gòn sáng mồng 2 Tết (31-1-1968). Ngày mồng 3 Tết (1-2), tổng thống họp Hội đồng nội các, ra lệnh giới nghiêm trong thủ đô từ 7G. tối đến 6G. sáng, công chức được tạm nghỉ, trừ nhân viên y tế, an ninh, thông tin.

Hôm sau (2-2), tổng thống họp Hội đồng An ninh Quốc gia và các lãnh tụ Quốc hội nhằm tìm biện pháp đối phó với tình thế. Tổng thống lên truyền hình và truyền thanh trình bày tình hình và trấn an dân chúng.

Ngày 3-2-1968, sắc lệnh số SL-044/TT của tổng thống thiết lập Ủy ban Cứu trợ Nhân dân tại trung ương và các địa phương do phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu. Ông Kỳ điều động 2,500 cán bộ Xây dựng Nông thôn từ Vũng Tàu về  Sài Gòn, đặc trách các trại tỵ nạn. Số tỵ nạn chiến tranh riêng tại Sài Gòn lên đến 86,000 người vào ngày 7-2-1968 và lên gần 200,000 người vào cuối tháng nầy.

Trong khi đó, ngày 5-2-1968, chiến dịch Trần Hưng Đạo được tổ chức do đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng, làm tư lệnh nhằm giải tỏa Sài Gòn- Chợ Lớn. Ngoài quân đội và cảnh sát VNCH, lực lượng Hoa Kỳ cũng tham gia chiến dịch nầy.

Chiến dịch Trần Hưng Đạo chấm dứt ngày 17-2-1968. Công việc truy quét CS được giao lại cho trung tướng Lê Nguyên Khang, tư lệnh Quân đoàn III. Từ đây là chiến dịch Trần Hưng Đạo II, tiếp tục hành quân tảo thanh CS.

Mặt trận Sài Gòn xem như tạm yên từ ngày 29-2-1968, nhưng công việc bình định vẫn tiếp tục cho đến ngày 8-3-1968 thì chiến dịch Trần Hưng Đạo II chấm dứt.

Kết quả thiệt hại trong các trận đánh tại thủ đô Sài Gòn trong tháng 2 và tháng 3- 1968 được ghi nhận như sau: Phía VNCH: 323 tử thương, 907 bị thương. Phía CSVN: 5,289 tử thương, 415 bị bắt. (3)

CHÚ THÍCH

  1. Quán Tre thuộc Hóc Môn, vùng quân trường Quang Trung.
  2. Theo lời kể của cựu trung tướng Nguyễn Bảo Trị cho người viết tại California tháng 3-2012.
  3. Viết đoạn nầy, ngoài tài liệu trích dẫn, người viết dựa trên các tài liệu: 1) Phạm Văn Sơn (chủ biên) cùng nhiều tác giả, Cuộc tổng công kích – Tổng khởi nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968, Sài Gòn: Khối Quân sử Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu, 1968. 2) Chính Đạo, Mậu Thân 68, thắng hay bại? Houston: Nxb. Văn Hóa, 1998. 3) Don Oberdorfer, Tet!, New York: Nxb. Da Capo, 1984.

Khoảng 2G.30 sáng mồng 2 Tết (31-1-1968), đặc công CS dùng  B-40 phá một lổ hổng chân tường trên đường Mạc Đĩnh Chi, bên hông tòa đại sứ Hoa Kỳ, để một đặc công khác xâm nhập vào trong, mở cổng hông tòa đại sứ cho đồng đội xông vào.

CHIẾN SỰ TẾT MẬU THÂN Ở HUẾ

Thành phố bị cộng sản (CS) chiếm lâu nhất và bị thiệt hại nặng nhất về nhân mạng cũng như tài sản là thành phố Huế. Huế là tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên, cách sông Bến Hải, ranh giới Bắc Việt Nam (BVN) và Nam Việt Nam (NVN), khoảng 80 cây số về phía nam.

1.- TÌNH HÌNH HUẾ TRƯỚC KHI CS TẤN CÔNG

Huế là kinh đô của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn (1802-1945). Đền đài, cung điện, lăng tẩm các vua Nguyễn tập trung tại Huế. Huế là thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Vì vậy, Huế chẳng những được người Việt chú ý mà  các  nước trên thế giới cũng chú ý.

Huế là trung tâm lâu đời của Phật giáo với những ngôi chùa danh tiếng như Bảo Quốc, Từ Đàm, Thiên Mụ, Từ Hiếu, Tường Vân… Chùa Bảo Quốc còn là một Phật học viện lớn nhất và lâu đời nhất miền Trung, nơi đào tạo nhiều tăng sĩ Phật giáo  đi hoằng pháp và trụ trì các chùa trên toàn cõi VNCH. Một số lãnh tụ Phật giáo tranh đấu thường khuyến khích sinh viên học sinh biểu tình chống chính phủ VNCH, đòi hỏi hòa bình, trung lập.

Huế cũng là nơi có Tòa Tổng giám mục, một giáo phận Ky-Tô giáo La Mã được thành lập vào năm 1850 và được nâng lên thành Tổng giáo phận năm 1960. Đại chủng viện Kim Long, chuyên đào tạo các linh mục, thành lập từ năm 1740, và do các tu sĩ dòng Sulpice (phiên âm là Xuân Bích) giảng dạy từ 1962, nên thường được gọi là đại chủng viện Xuân Bích.

Huế là địa bàn hoạt động khá mạnh của các đảng Việt Quốc và Đại Việt.  Đảng Đại Việt từng tổ chức chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị), gần Huế để chống chính phủ Ngô Đình Diệm vào các năm 1954-1955. Cũng tại Huế, „Hội đồng Nhân dân Cứu quốc“ ra đời năm 1964 trong đó có một số giáo sư và giảng viên Viện Đại học Huế. Báo Lập Trường của nhóm nầy ủng hộ những quan điểm hòa bình và trung lập do một số lãnh tụ Phật giáo tranh đấu miền Trung đưa ra. Hội đồng nầy được xem là đã góp tay vào việc kích động các cuộc biểu tình dữ dội tại Huế chống Hiến chương Vũng Tàu của Nguyễn Khánh năm 1964.

Viện Đại học Huế do tổng thống Ngô Đình Diệm thành lập năm 1957. Viện Đại học nầy là trung tâm văn hóa thu hút sinh viên khắp các tỉnh miền Trung về đây theo học. Sinh viên càng ngày càng đông. Tổng hội sinh viên Huế thường tham  gia cũng như tổ chức các cuộc biểu tình tại Huế chống chính phủ từ 1963 đến 1967. Huế là nơi diễn ra nhiều cuộc biểu tình dữ dội trong Biến động miền Trung. Cao độ của các cuộc biểu tình nầy là việc đốt phá Phòng Thông tin Hoa Kỳ (U.S.I.S. = United States Information Services) tại Huế ngày 26-5-1966 và Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ tại Huế ngày 1-6-1966.(1)

Do tình hình Huế phức tạp như trên, CS hy vọng Huế đủ chín muồi cho một cuộc tổng khởi nghĩa nếu cuộc tổng tấn công xảy ra. Từ đó, CS chuẩn bị khá kỹ lưỡng mặt trận Huế không khác gì mặt trận Sài Gòn.

2.- CUỘC TỔNG TẤN CÔNG CỦA CS

Trước Tết Mậu Thân, chỉ huy đặc khu Trị-Thiên-Huế (tức Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế) của CS là thiếu tướng Trần Văn Quang. Trần Văn Quang cử Lê Minh, bí thư tỉnh uỷ đảng Lao Động tỉnh Thừa Thiên-Huế, phụ trách mặt trận Trị- Thiên. Lê Minh chia mặt trận Trị-Thiên thành 3 khu vực: 1) Mặt trận Quảng Trị giao cho Hồ Tú Nam phụ trách. 2) Mặt trận Phú Lộc (phía nam Thừa Thiên) giao cho một cán bộ tên Chi chỉ huy. 3) Còn mặt trận Huế, quan trọng nhất, do Lê Minh đích thân đảm nhận. Lê Minh lại chia Huế thành hai điểm để tấn công: phía bắc Huế (tả ngạn sông Hương), và phía nam Huế (hữu ngạn sông Hương.)

Cánh quân phía bắc Huế do một người tên Thu chỉ huy, Trần Anh Liên làm chính uỷ. Lực lượng gồm có trung đoàn 6 (gọi là E-6, gồm có 3 tiểu đoàn), thêm 1 tiểu đoàn đặc công, 1 đại đội pháo và du kích hai quận Hương Trà và Hương Điền. Cánh quân nầy xuất phát đúng vào tối giao thừa (29-1-1968) từ rừng núi tây Huế, chia làm 4 mũi đánh vào cửa Chính Tây (nằm về tay trái hoàng thành từ Kỳ đài nhìn vào), cửa An Hòa (cửa Tây Bắc), Kỳ đài (cột cờ trước Đại nội và trước Ngọ môn), sân bay Tây Lộc và căn cứ Mang Cá.

Cộng quân làm chủ ngay được cửa Chính Tây, cửa An Hòa và Kỳ đài, nhưng thất bại ở sân bay Tây Lộc và căn cứ Mang Cá, lúc đó là nơi đặt bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh do chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng làm tư lệnh. Đồn Mang Cá là điểm tựa vững vàng giúp quân đội VNCH cũng như Đồng minh tổ chức phản công.

Qua cửa Chính Tây, quân CS tiến chiếm Đại nội. Quân CS dùng bờ thành Đại nội nhằm bảo vệ Kỳ đài, nơi đó, ngày 31-1 (mồng 2 Tết), CS treo một lá cờ lớn của MTDTGP.(2) Từ Kỳ đài, CS tiến quân theo mé bờ tả ngạn sông Hương (bờ phía bắc) tức theo đại lộ Trần Hưng Đạo, chiếm đồn Cảnh sát chợ Đông Ba, bắt tay với một cánh quân CS khác cũng của E-6, làm chủ hoàn toàn khu vực Đông Ba, Gia Hội.

Cánh quân phía nam Huế do Thân Trọng Một chỉ huy, Nguyễn Vạn làm chính uỷ. Lực lượng gồm có trung đoàn E-9 của sư đoàn 309, trung đoàn 5 (4 tiểu đoàn), 1 tiểu đoàn pháo, và 4 đội đặc công. Cánh quân nầy dự định xuất phát tối giao thừa (29-1), nhưng vừa xuất phát thì bị phi cơ thám thính Mỹ phát hiện và bị pháo kích, phải lẩn tránh nên tiến chậm.

Sáng mồng Một Tết (30-1) cánh quân nầy tiếp tục tiến về phía thị xã Huế. Sau 4 ngày giao tranh, quân CS chiếm gần hết vùng hữu ngạn thành phố Huế cho đến lao xá Thừa Phủ (gần sát tỉnh đường Thừa Thiên). Cộng sản thả khoảng 2,000 tù nhân đang bị giam trong lao xá; những người nầy được CS võ trang để tiếp tay cho CS.

Ngày mồng 3 Tết (1-2-1968), đài phát thanh Hà Nội loan báo thành lập tổ chức Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ Và Hòa Bình tại Huế do ông Lê Văn Hảo, giáo sư Đại học Văn khoa Huế, làm chủ tịch, và Hoàng Phủ Ngọc Tường làm tổng thư ký.(3) Đài Hà Nội cũng thông báo ngày 14-2-1968, ông Lê Văn Hảo được đưa lên làm chủ tịch chính quyền cách mạng Huế, với hai phó chủ tịch là bà Đào Thị Xuân Yến (còn gọi là bà Tuần Chi), và Hoàng Phương Thảo (Thường vụ Thành uỷ cộng sản) (Chính Đạo, Mậu Thân…, sđd.tr. 131.)

Những đơn vị an ninh của CS hoạt động mạnh sau khi tạm chiếm Huế. Những đơn vị nầy truy lùng và bắt giết tất cả những nhân viên chính quyền VNCH và nhân viên làm việc tại các cơ quan Hoa Kỳ, hoặc những người cộng tác với Cơ quan tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA: Central Intelligence Agency). Chính những đơn vị an ninh nầy là tác giả của những cái chết thê thảm tại Huế, nhất là lúc CS chuẩn bị rút lui.

3.- CUỘC PHẢN CÔNG CỦA QUÂN ĐỘI VNCH

Cộng sản tấn công bất ngờ, nhưng không chiếm được căn cứ Mang Cá, bản doanh của Sư đoàn 1 BB do chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy. Mang Cá sẽ là đầu cầu để lực lượng Việt Mỹ phản công đầy lui quân CS. Ngoài ra, bên hữu ngạn  sông Hương, tức phía nam cầu Trường Tiền, quân đội VNCH vẫn giữ được đài Phát thanh, Tiểu khu Thừa Thiên, Bản doanh MACV đặt ở khách sạn Thuận Hóa, và bến tàu Hải quân.(4)

Cuộc phản công bắt đầu vào ngày mồng 3 Tết (1-2-1968). Ngày mồng 5 Tết (3-2), các chiến sĩ Nhảy dù (ND) tái chiếm cửa An Hòa, gần Mang cá. Cũng trong ngày nầy, Thủy quân lục chiến (TQLC) Hoa Kỳ đổ bộ ở bến tàu Hải quân trên sông Hương, đến đóng tại Bộ Chỉ huy MACV (Military Assistance Command, Vietnam). Lo ngại cánh quân Hoa Kỳ từ hữu ngạn kéo sang tả ngạn, cộng quân đánh sập cầu Trường Tiền tối mồng 9 Tết (7-2-1968).

Quân đội VNCH cùng quân đội Hoa Kỳ truy kích mạnh mẽ. Ngày 14-2-, tình hình hữu ngạn được xem là yên ổn, chỉ còn bộ chỉ huy của Thân Trọng Một trốn tránh tại vùng lăng Tự Đức cho đến ngày 25-2-1968.

Khi tình hình hữu ngạn được ổn định, lực lượng Nhảy dù VNCH rút vào miền Nam. Các chiến sĩ TQLC VNCH đến thay thế.

Ngày 12-2, TQLC VNCH và TQLC Hoa Kỳ đổ bộ lên bến Bao Vinh, nằm trên bờ sông Gia Hội, gần đồn Mang Cá. Hai bên phối hợp mở chiến dịch Sóng Thần 739/ 68 ngày 14-2, tảo thanh quân cộng sản còn lại trong Thành nội.

Trận chiến càng ngày càng ác liệt, có khi hai bên chỉ cách nhau vài chục thước. Ngày 18-2, TQLC Hoa Kỳ chiếm được cửa Đông Ba (đường Mai Thúc Loan). Quân CS đóng trong Thành nội chỉ còn liên lạc với cánh quân Gia Hội của họ bằng cửa Thượng Tứ.

Trước nguy cơ thất bại, CS tính chuyện rút lui. Ngày mồng 8 Tết (6-2-1968), CS bắt đầu di chuyển thương binh, tù binh, chiến lợi phẩm ra khỏi Huế.

Cầu Trường Tiền bị CS đánh sập tối 7-2-1968. (Nguồn: Leo J. Daugherty – Gregory Louis Mattson,

NAM, a Photographic History, Metro Books, New York, 2001, tr. 294.)

Lúc đó, tại miền núi phía tây tỉnh Quảng Trị, CS chiếm được Làng Vei, một vị trí chiến lược ở tiền đồn Khe Sanh ngày 7-2. Để trả đũa, phi cơ Hoa Kỳ tái oanh tạc vùng phụ cận Hà Nội ngày 14-2, nên ngày 15-2, Quân uỷ Trung ương ở Hà Nội, gởi vào đảng uỷ CS Thừa Thiên Huế một công điện nội dung như sau: „Phải giữ Thành nội, không được rút ra ngoài để phục vụ nhiệm vụ chính trị chung cả nước.“ (Chính Đạo, Mậu Thân…, sđd. tr. 146).

Tại Huế, tình hình càng lúc càng bất lợi cho CS. Lê Minh, bí thư Thừa Thiên Huế, trực tiếp điều khiển mặt trận Huế, tỏ ý muốn rút lui trong cuộc họp ngày 19-2, nhưng còn phải chờ lệnh trên.

Quân đội VNCH và Đồng minh Hoa Kỳ đẩy dần dần quân CS ra khỏi Thành nội. Sáng sớm 23-2, lá cờ VNCH tung bay trên kỳ đài thay thế cờ của MTDTGP. Liên quân VNCH và Đồng minh có thể nói đã làm chủ được tình hình Thành nội từ đây.

Nguồn: Clark Douglan cùng nhiều tác giả,

The Vietnam Experience: Nineteen Sixty-Eight, Boston Publishing Company, 1983, tr. 37.

Phía cộng sản, „về sau có lệnh: chuẩn bị rút lui lên vùng rừng núi phía Tây, cố bảo toàn lực lượng, mang theo đủ vũ khí chưa sử dụng đến. Khi lệnh rút lui ban bố vào đêm 25 tháng 2, một không khí có phần hoảng loạn diễn ra…“(5)

Gia Hội là khu vực hoàn toàn dân sự, không có cơ sở quân sự, cơ sở hành chánh hay kinh tế gì quan trọng. Những nhà chỉ huy hành quân VNCH cũng như Đồng minh nghĩ rằng cần phải tấn công trước những cứ điểm đầu não của CS đang chiếm đóng Thành nội, thì tức khắc CS ở vùng Gia Hội sẽ tự tan hàng rút lui.

Mãi đến ngày 22-2, hai tiểu đoàn BĐQ mới được tung vào Gia Hội để đẩy lui CS. Chính vì quân đội VNCH đến giải tỏa trễ, và CS đóng tại vùng Gia Hội lâu, nên CS có cơ hội tàn sát đồng bào ở đây nhiều nhất trong thành phố Huế.

  • CỘNG SẢN TÀN SÁT ĐỒNG BÀO

Trong chiến tranh, chiến sĩ các bên lâm chiến bị thương vong là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng trong biến cố Mậu Thân (1968) tại Huế, rất nhiều nạn nhân bị CS giết là nhân viên chính quyền, cảnh sát, binh sĩ và sĩ quan Quân lực VNCH đang nghỉ Tết, không ở vị trí chiến đấu, và một số khá lớn thường dân không cầm súng chống lại họ, chỉ chạy tỵ nạn chiến tranh.

Cho đến nay, không ai có thể kiểm kê đích xác số thường dân cũng như số người không ở vị trí chiến đấu (đang nghỉ Tết) bị phía CS giết hại. Nhiều tài liệu cho  thấy số người không ở vị trí chiến đấu, bị giết khá cao.

„Về phía dân chúng, có 5,800 người chết, trong đó có 2,800 người bị Việt cộng giết và chôn tập thể: 790 hội viên các Hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán cái tội „cường hào ác bá“, 1892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, hằng trăm thanh niên tuổi quân dịch, một linh mục Việt (Bửu Đồng), hai linh mục Pháp, một bác sĩ Đức và vợ, và một số Phi Luật Tân.“ (6)

Một tài liệu khác cho rằng: Tổng số thường dân thương vong: 7,500 người. Số bị thương vì chiến tranh: 1,900 người. Số thường dân bị tử nạn: 844 người. Số người mất tích: 1,946.(7)

Theo thống kê của một tài liệu đăng trong Encyclopedia of the Viet Nam War, tại Huế, số thi hài nạn nhân tìm được trong các mồ chôn tập thể là 2,810 người và hàng ngàn người mất tích. Trong khi đó, cũng tại Huế quân đội VNCH có 384 tử trận, 1,830 bị thương; Bộ binh Mỹ 74 tử trận, 507 bị thương; TQLC Mỹ 142 tử trận, 857 bị thương, Bộ đội CSVN 5,000 tử trận, số bị thương không tính được.(8)

Những con số trên đây có thể sai biệt chút ít, nhưng chắc chắn số người nghỉ phép nhân dịp Tết tại Huế, số thường dân bị giết chôn trong các hầm tập thể rất nhiều. Sau đây là thống kê tóm tắt số hài cốt tìm được tại các mồ chôn tập thể sau khi CS rút lui do một bác sĩ người nước ngoài ghi lại.

Ngoài việc CS đánh đập bắn giết thông thường, điều đáng chú ý hơn cả là cách thức cán binh CS tàn sát những người bị bắt: 1) Hành hạ nạn nhân cho đến khi nạn nhân chết. 2) Giết hại trẻ em và phụ nữ. 3) Chôn sống nạn nhân.(9) Việc giết hại phụ nữ và trẻ em, cũng như việc hành hạ nạn nhân người như thời Trung cổ do thân nhân các nạn nhân hoặc những người chứng kiến kể lại.

5.- NHỮNG NGÔI MỘ TẬP THỂ Ở HUẾ

Dưới đây là địa điểm những ngôi mộ tập thể ở phụ cận thành phố Huế và số lượng xác nạn nhân tìm thấy được.

ĐỊA ĐIỂM VÀ SỐ NẠN NHÂN (trong ngoặc): Trường Gia Hội (203 người), Chùa Theravada [Gia Hội] (43), Bãi Dâu [Gia Hội] (26), Cồn Hến [Gia Hội] (101), Tiểu Chủng Viện [số 11 đường Đống Đa] (6), Quận Tả ngạn (21), Phía đông Huế (25), Lăng Tự Đức, Đồng Khánh (203), Cầu An Ninh (20) Cửa Đông Ba (7), Trường An Ninh Hạ (4), Trường Văn Chí (8), Chợ Thông (102), Lăng Gia Long (200), Chùa Từ Quang (4), Đồng Di (110), Vinh Thái (135), Phù Lương (22), Phú Xuân (587), Thượng Hòa (11), Thủy Thanh – Vinh Hưng (70), Khe Đá Mài (428). Tổng cộng: 2, 326 người. (10)

Người ta biết được việc CS chôn sống các nạn nhân nhờ hai nguồn tin: Thứ nhất là lời kể của những nạn nhân đã chứng kiến việc chôn sống rồi sau đó trốn thoát được. Thứ hai, trong các nấm mộ tập thể, lẫn lộn với xác những người bị đánh  đập, trên thân thể có vết thương và vết máu, người ta tìm được những tử thi chỉ bị trói ké tay chân, thân thể toàn vẹn, không có vết trầy truộc gì cả.

Điều nầy có nghĩa là những người đó đã bị CS quăng xuống hố sau khi bị trói tay để không có cách gì moi đất mà lên được.

6.- TRƯỜNG HỢP HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Trong cuộc tàn sát tại Huế, cảnh tượng dã man nhứt là vụ Việt cộng hành hạ, đánh đập thiếu tá Từ Tôn Khán, tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn (XDNT) tỉnh Thừa Thiên, được một tác giả ở Huế mô tả như sau: “Thiếu tá tá Từ Tôn Khán,  tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn Thừa Thiên, nhà ở 176 Bạch Đằng (gần cầu Đông Ba Huế), trốn trong nhà đã ba, bốn ngày. VC [Việt Cộng] vào nhà bắt vợ con ra đứng giữa sân và tuyên bố nếu ông Khán không ra trình diện thì sẽ tàn sát cả nhà. Vì thề ông phải ra nộp mạng. VC đã trói tay ông, cột ông vào cọc giữa  sân, xẻo tai, cắt mũi, tra tấn cho đến chết, thật là dã man kinh hoàng. (Nguyện Lý Tưởng, “Mậu Thân ở Huế”, PTGDVNHN, sđd. tr. 89.).

Ở đây, xin thêm vài chi tiết: Đường Bạch Đằng nằm ở Gia Hội, thuộc thành phố Huế, bắt đầu từ cầu Gia Hội (nối chợ Đông Ba với Gia Hội) đi về hướng chùa Diệu Đế, dọc theo bờ sông Gia Hội. Đường nầy thời nhà Nguyễn gọi là đường Hàng Đường, song song với đường Hàng Bè tức đường Huỳnh Thúc Kháng, bờ bên kia sông Gia Hội.

Theo nguồn tin khả tín từ những cán bộ XDNT, nhà của thiếu tá Khán do cha mẹ để lại, là một ngôi nhà xưa, xây dựng từ thời Pháp, có một cái trần nhà rất kín đáo. Thiều tá Khán cùng ba cán bộ XDNT lên trốn trên trần nhà. Viêt cộng không tìm ra. Cũng theo nguồn tin của giới cán bộ XDNT, khoảng hơn một tuần sau Tết, Hoàng Phủ Ngọc Tường dẫn du kích CS đến nhà, đe dọa sẽ giết cả gia đình nếu thiếu tá Khán không ra trình diện.

Vì thương yêu vợ con, thiếu tá Khán phải trình diện ngày 10-2-1968 (12 tháng Giêng năm Mậu Thân) và bị hành hạ thê thảm như tác giả Nguyễn Lý Tưởng đã mô tả. Khi hy sinh, thiếu tá Khán 37 tuổi (sinh năm 1931), để lại vợ trẻ và 7 con gái, em lớn nhứt 12 tuổi, em trẻ nhứt mới được vài tháng.

Về phía Hoàng Phủ Ngọc Tường, hiện nay Tường phủ nhận việc có mặt tại Huế trong biến cố Tết Mậu Thân, nghĩa là Tường tự cho rằng Tường không liên hệ đến các vụ thảm sát ở Huế. Tuy nhiên, có nhiều chứng liệu cho thấy Tường có mặt tại Huế trong Tết Mậu Thân, hoạt đông rất kín đáo.

Đầu tiên là bút ký “The Vietcong Massacre at Hue” của nữ bác sĩ Elje Vannema, người Hòa Lan, có mặt ở Huế trong thời gian nầy. Bút ký của bà do Nxb. Vintage Press ấn hành tại New York năm 1976, và được báo chí Việt Nam Hải ngoai dịch lại dưới tựa đề “Thảm sát Tết Mậu Thân”. Phong trào GDVNHN đăng lại đầy đủ bản dịch bài viết của Elje Vannema trong tuyển tập – tài liệu Thảm sát Mậu Thân ở Huế đã dẫn trên.

Trong bút ký, có đoạn bác sĩ Elje Vannema kể lại rằng: “Tòa án ở Tiểu chủng viện do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì. Anh nầy tốt nghiệp đại học Huế và là cựu lãnh tụ sinh viên trong Ủy ban Phật giáo chống chính quyền trước đây.” (PTGDVNHN, sđd. tr. 125.) Tài liệu của nữ bác sĩ Elje Vannema xuất bản năm 1976 và được dịch qua tiếng Việt, nên có thể Tường đã đọc bút ký nầy, hay nghe bạn bè đề cập đến bút ký nầy. Tường hoàn toàn không lên tiếng cải chính.

Sau đó, vào năm 1981, lần đầu tiên trả lời cuộc phỏng vấn quốc tế, Hoàng Phủ Ngọc Tường hãnh diện cho đài WGBH-TV Boston (Hoa Kỳ) biết rằng Tường có mặt ở Huế trong vụ CS tấn công vào Tết Mậu Thân. Tường còn kể rằng lúc ở Huế, có lần vào buổi tối, Tường đi trên một con hẻm lầy lội, tưởng là bùn, nhưng khi bấm đèn lên, thì thấy toàn máu. Như vậy, qua cuộc phỏng vấn nầy, chính Tường xác nhận Tường đã có mặt ở Huế trong vụ Mậu Thân.

Lời phát biểu của Tường bị đả kích nặng nề. Tường bị bà con Huế kết án là người con xứ Huế đã phản bội Huế, dẫn giặc về giết đồng bào Huế. Có thể vì bị đả kích nhiều quá, nếu không muốn nói là bị nguyền rũa nhiều quá, mười sáu năm sau, trong cuộc phỏng vấn của Thụy Khê trên đài RFI (Paris) năm 1897, Tường lại cải chính, và nói rằng Tường bị vu oan, vì Tường không có mặt tại Huế trong Tết Mậu Thân. Thật lạ lùng! Chính Tường nói ra là đã về Huế, dẫm lên máu đồng bào, rồi Tường lại hô hoán là bị vu oan. Hám danh chi ác dữ, vu oan cho chính mình?

Ngoài vụ án do bác sĩ Elje Vannema kể lại trên đây, ở Huế còn lan truyền câu chuyện giáo sư lão thành tên T. là thầy của Hoàng Phủ Ngọc Tường, bị du kích CS bắt, đưa đến gặp Tường. Theo mưu kế CS dùng để lừa dân chúng, Tường thả giáo sư T. ra về, và yêu cầu thầy kêu gọi các con của thầy ra trình diện để được “cách mạng khoan hồng”, nhưng cả gia đình nầy bỏ trốn luôn.

Có người còn kể rằng Tường tìm gặp một vài giáo chức ở Huế để vận động thành lập “Hội (hay Liên đoàn) giáo chức yêu nước” hoặc “Hội giáo chức ly khai” theo kiểu Nguyễn Đác Xuân lập hội “Quân nhân Sư đoàn 1 ly khai”.

Đây là nhiệm vụ của Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ Và Hòa Bình tại Huế do Tường làm tổng thư ký. Tuy nhiên các giáo chức sợ liên hệ đến CS nên kiếm cách thoái thác. Dự tính của Tường chưa thực hiện được thì CS bỏ chạy. Chuyện nầy râm ran trong giáo giới Huế, chưa tiện công khai mà thôi.

Gần đây, cảm thấy “còn chẳng mấy hồi nữa phải về trời” (lời của Tường), Tường trần tình lần cuối, tự nhận có lỗi là vì hám danh, để chứng tỏ là người trong cuộc. Tường tự thú rằng đã kể lại với đài WGBH-TV Boston những chuyện do người khác kể lại, rồi vơ vào làm như chuyện do Tường chứng kiến, chứ Tường không có về Huế Tết Mậu Thân.

Có ai tin nổi lời trần tình của Tường không? Thôi thì sự thật lịch sử luôn luôn còn có đó. Rồi đây, khi có sự thay đổi chính trị, chắc chắn những sự thật nầy và nhiều sự thật khác nữa, sẽ được đưa ra ánh sáng.

Nói cho cùng, trong sinh hoạt chính trị quan trọng nhứt là vấn đề nhận thức và quan điểm. Từ nhận thức và quan điểm đưa đến hành động. Dầu có hay không có về Huế, dầu công khai hay giấu mặt, những kẻ ăn cơm Quốc gia, kể cả những những tên có học vị cử nhân hay tiến sĩ, lại đi thờ ma cộng sản, tiếp tay với bọn khát máu, giết hại đồng bào, phản bội chính những người đã nuôi dưỡng và bảo bọc mình, cũng đáng để thiên hạ lên án rồi. Gieo gió thì gặt bảo. Tạo  nhân thì  lãnh nghiệp. Đó là lẽ tự nhiên của trời đất.

Nỗi đau Mậu Thân lớn quá, đau nhứt là vì “đàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng”. (Nhạc “Cơn mê chiều” của Nguyên Minh Khôi.) Nguyên Minh Khôi còn chấm dứt bản nhạc bằng một lời nhắn nhủ thật thấm thía: “Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên”.

Xin chớ quên để người ơi xin đừng tái phạm. Đây là lời tâm tình tha thiết, luôn luôn âm vang như hồi chuông nguyện cầu trong tâm tư người Việt, còn ở trong nước hay tha phương trên khắp nẻo toàn cầu.

KẾT LUẬN

Khoảng trên 80 năm trước, ngày 4-7-1885 (23 tháng 5 ất dậu), Tôn Thất Thuyết lãnh đạo cuộc tấn công Pháp ở kinh thành Huế, bị thất bại, phải cùng vua Hàm Nghi bỏ chạy lên Tân Sở (Quảng Trị), rồi ra Hà Tĩnh, mở cuộc Cần vương.

Trong biến cố nầy, một tác giả Pháp có mặt tại chỗ, thuật lại như sau: “Người Việt thiệt hại lớn lao. Người ta đã chôn hay thiêu hơn tám trăm người chết.” (Nhiều tác giả, Les grands dossiers de l’illustration: L’Indochine, l’Histoire d’un siècle 1843- 1944, Paris: Le Livre de Paris, 1987, tr. 78. Nguyên văn: Les Annamites ont du faire des pertes énormes. On a enterré ou brulé plus de huit cent de leurs.)

Để tưởng niệm những người đã chết vì cuộc chiến chống Pháp, dân chúng Huế lập Miếu Âm Hồn ở góc đường Đông Ba và đường Âm Hồn (thời VNCH là đường Mai Thúc Loan và đường Nguyễn Hiệu), và chính quyền nhà Nguyễn đã lập Đàn Âm Hồn ở Cầu Đất để hàng năm dâng hương cúng tế, tưởng niệm những nạn nhân trong trận kinh thành thất thủ ngày 4-7-1885.

Xin chú ý, những nạn nhân năm 1885 ở Huế đã hy sinh trong lửa đạn chiến tranh. Người Pháp là thực dân ngoại quốc đến xâm lăng nước ta, nhưng không giết hại bừa bãi dân Việt. Sau khi trận đánh chấm dứt, là chấm dứt luôn việc chém giết.

Trong khi đó, cũng tại Huế, trong biến cố Mậu Thân năm 1968, sau khi tạm chiếm Huế, CS đã giết hại một cách dã man, bừa bãi. Thế cũng chưa đủ. Sau năm 1975, nghĩa trang những nạn nhân Tết Mậu Thân bị CS dẹp bỏ, san phẳng, không còn dấu tích. Những miếu mạo thờ phượng oan hồn uổng tử Tết Mậu Thân cũng bị  đập nát. Nhà cầm quyền CS hằng năm ăn mừng biến cố Mậu Thân như những người man rợ thời hoang dã nhảy múa quay cuồng khi giết được con mồi. Xem như thế, CSVN quá sức tàn ác so với thực dân Pháp.

Tội lỗi nầy không bao giờ phai trong ký ức của người Việt và trong lịch sử dân tộc Việt. Tùy từng người, tội lỗi có thể tha thứ, nhưng đừng bao giờ quên, để đừng  bao giờ tái phạm.

CHÚ THÍCH

  1. Đoàn Thêm, 1968 Việc từng ngày, Sài Gòn: Cơ sở Phạm Quang Khai, 1968. California: Nxb. Xuân Thu, 1989, tr. 98 và tr. 103.
  2. Don Oberdorfer, Tet!, New York: Nxb. Da Capo, 1984, tr. 230. Tài liệu của Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng [Cộng Sản] Huế cho rằng đây là cờ của Liên Minh các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam. Tuy nhiên, khi CS treo cờ tại Kỳ đài Huế ngày 31-1, Liên minh nầy chưa được Hà Nội công bố thành lập, thì làm sao có cờ mà treo? Hơn nữa Liên minh nầy chỉ là một mặt trận chính trị, giống như Mặt trận Tổ Quốc của Hà Nội, không thể được quân đội CS treo cờ lên. (Ngay cả Mặt trận Tổ quốc cũng không có cờ.)  Người viết dò hỏi nhiều người  chứng kiến tận mắt tại chỗ năm 1968, họ đều xác nhận là thấy cờ MTDTGP, đúng như tài liệu của Don Oberdorfer.
  • Chính Đạo, Mậu Thân 68, thắng hay bại? Houston: Nxb. Văn Hóa, 1998, tr. 131. Thụy Khê, „Nói chuyện với Hoàng Phủ Ngọc Tường về biến cố Mậu Thân ở Huế” , phỏng vấn trên đài RFI, 12- 7-1997, đăng lại trên tạp chí Hợp Lưu, California, số 36, tháng 8-9-1997, tt. 197-200. Có một điểm cần phân biệt: Lê Văn Hảo làm chủ tịch Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ Và Hòa Bình tại Huế. Còn trên toàn miền Nam, ban chấp hành Liên Minh nầy do CS đưa ra ngày 10-4-1968 gồm thành phần sau đây: Chủ tịch: Luật sư Trịnh Đình Thảo; Phó chủ tịch: Lâm Văn Tết (Nam phần), hòa thượng Thích Đôn Hậu (Trung phần); Tổng thư ký: giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ; Phó tổng thư ký: bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Lê Hiếu Đằng; Uỷ viên: Nguyễn Văn Kiết, Huỳnh Văn Nghi, Thanh Nghị (nhà soạn từ điển), Trần Triệu Luật (sinh viên). (Chính Đạo, Mậu Thân, sđd. tr. 353).
  • Năm 1968, bên hữu ngạn sông Hương (bờ nam), từ cầu Trường Tiền đi xuống, phía tay mặt là đài Phát thanh, phía tay trái, khoảng trên 500 thước là bến Hải quân (gần khách sạn Hương Giang). Đi thẳng từ cầu Trường Tiền về An Cựu, dọc theo đường Duy Tân phía bên trái, cách cầu khoảng 500 thước là Tiểu khu Thừa Thiên và khách sạn Thuận Hóa, nơi đóng trụ sở của MACV.
  • Thành Tín [Bùi Tín], Mặt thật, hồi ký chính trị của Bùi Tín, California: Nxb. Saigon Press, 1993, tr. 184.
  • Nguyễn Trân, Công và tội, những sự thật lịch sử, Nxb. Xuân Thu, California,1992, tr. 642. [Trong sách Thảm sát Mậu Thân ở Huế, tuyển tập – tài liệu, Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại (PTGDVNHN), California, in lần thứ 2, 1999, tt. 85-86, 94-99, 135-136 thì: Hai linh mục Pháp là: Urbain, 52 tuổi và Guy 48 tuổi bị bắt ở tu viện Thiên An và bị dẫn đi ngày 25-2. Về sau xác hai ông tìm được ở gần lăng Đồng Khánh. Bốn người Đức bị giết là: bác sĩ và bà Hort Gunther Krainick, bác sĩ Raimund Discher, và bác sĩ Alois Alterkoster. Ba bác sĩ Tây Đức nầy tình nguyện đến dạy tại Đại học Y khoa Huế. Cả bốn người nầy đều bị bắt ngày 5-2-1968.]
  • Douglas Pike, The Vietcong Strategy of Terror [Chiến lược khủng bố của Việt Cộng], bản trích dịch của điện báo Mặt Trận Quốc Gia, http://www.nufronliv.org/tailieu/tet68/mauthan3.htm
  • David T. Zabecki, „Huê, Battle of (1968)“, đăng trong Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History, California: Volume 1, Spencer C. Tucker chủ biên, 1998, tr. 304.
  • Sau đây là một cảnh tùng xẻo người của CS: „Thiếu tá Từ Tôn Khán, Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn Thừa Thiên, nhà ở 176 Bạch Đằng (gần cầu Đông Ba) Huế, trốn trong nhà đã ba bốn ngày. VC [Việt Cộng] vào nhà bắt vợ con ra đứng giữa sân và tuyên bố nếu ông Kháng không ra trình diện thì sẽ tàn sát cả nhà. Vì thế ông phải ra nộp mạng. VC đã trói tay ông, cột ông vào cọc giữa sân, xẻo tai, cắt mũi, tra tấn cho đến chết, thật là dã man kinh hoàng.“ (Nguyễn Lý Tưởng, „Mậu Thân ở Huế“, PTGDVNHN, sđd. tr. 89.). Về việc giết hại phụ nữ và trẻ em, xem PTGDVNHN, sđd. tr. 205 (tin của Washington Post, ngày 9-3-1968), và tt. 250-254 (bài “Crescendo of Terror – Hue” của M. W. J. M. Broekmeijer.). Theo ước tính của M. W. J. M. Broekmeijer trong “Crescendo of Terror – Hue”, sđd. tr. 252, thì số bị chôn sống lên đến khoảng 600 người.
  • PTGDVNHN, sđd. tr 131 (bản đồ), tr. 222 (số liệu). Sách nầy trích số liệu trên đây từ sách The Vietcong Massacre at Hue của bác sĩ Elje Vannema, New York: Nxb. Vintage Press, 1976. Bác sĩ Elje Vannema là người Canada, gốc Hòa Lan, có mặt tại Huế lúc xảy ra biến cố Mậu Thân, và viết lại những điều tai nghe mắt thấy.

HẬU QUẢ BIẾN CỐ TẾT MẬU THÂN

1.- THIỆT HẠI VỀ NHÂN MẠNG VÀ TÀI SẢN

Theo thống kê của Bộ Tổng tham mưu Quân Lực VNCH, cho đến cuối tháng 3- 1968, tổng số tử vong trên toàn lãnh thổ VNCH của các bên lâm chiến trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) của CS là:

VNCH                  : 4,954 sĩ quan và binh sĩ , 14,300 thường dân.

(Trong số thường dân nầy, Huế mất khoảng 2,000 người.)

CS                        : 58,373 sĩ quan và binh sĩ .

Hoa Kỳ                 : 3,895 sĩ quan và nhân viên Hoa Kỳ (gồm tất cả quân binh chủng).

Đồng minh            : 214 sĩ quan và nhân viên Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan và Thái Lan trong các phái bộ viện trợ quân sự tại VNCH.

(Phạm Văn Sơn, sđd. tr. 35.)

Số 14,300 thường dân tử nạn là những người đã được khai báo, kiểm kê, trong khi đó còn rất nhiều người chết không được khai báo, kiểm kê, nhất là những người ở thôn quê, trong những vùng do cả hai bên (VNCH và CS) kiểm soát.

Trong cuộc tổng tấn công của CS nhân dịp Tết Mậu Thân, tổng số thiệt hại về nhà cửa ở các thành phố ước lượng khoảng 4,5 tỷ đồng VNCH (lúc bấy giờ) theo đó: 84,983 nhà bị hư hại từ 50 đến 100%, 30,343 nhà thiệt hại tới 50%. Riêng tại Sài Gòn, 18, 507 nhà bị thiệt hại từ 50% đến 100%.48 Theo Trung tâm Khuếch trương Kỹ nghệ, sự thiệt hại trong khu vực kỹ nghệ lên tới 4,541,800,000 đồng đối với 84 cơ xưởng. Riêng ngành dệt, thiệt hại 2,985,400,000 đồng.(1)

2.- QUÂN SỰ

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là sự đối đầu trực tiếp công khai giữa quân lực VNCH và lực lượng CS trong đó có quân chính quy Bắc Việt và MTDTGP. Cuộc tổng tấn công của CS thật sự đã đạt được yếu tố bất ngờ khá cao.(2) Dầu bất ngờ, CS hoàn toàn thất bại, không chiếm được các thành phố như chủ trương ban đầu. Nhiều nơi, CSVN phải rút về mật khu, rừng núi hay tránh sang biên giới Lào và Cao Miên.

Tài liệu CSVN sau nầy công khai xác nhận sự thất bại nặng nề của họ. “Cuối  tháng 9 [1968], hoạt động quân sự của ta [CSVN] đã ngừng lại. Sau một thời gian dài liên tục tấn công vào đô thị – chỗ mạnh của địch trong điều kiện chúng đã bố phòng, lực lượng ta bị tiêu hao, bổ sung không kịp, tiếp tế khó khăn, phải rút về củng cố…” “Lực lượng vũ trang bị tiêu hao không được bổ sung. Tiếp tế lương thực rất khó khăn. Ở Tây nguyên, toàn bộ số gạo còn lại của năm 1968 chỉ còn phần ba so với số lượng tồn kho năm 1967. Dự trữ lương thực đến giữa năm 1969 chỉ đủ nuôi bộ đội ta trong khoảng một tuần...” (3)

Quân lực VNCH lúc đầu bị lúng túng vì quá bất ngờ, nhưng nhờ khả năng phản ứng nhanh lẹ nên đã mạnh mẽ chận đứng được những đợt tấn công của CS khắp nước, gây thiệt hại lớn lao cho CS. Con số 58,373 cán binh CS tử thương có thể còn thấp so với số thực sự CSVN mất mát.

Sau vụ Tết Mậu Thân, khi được tổng thống Hoa Kỳ gởi sang thị sát chiến trường Việt Nam ngày 23-2-1968, tướng Earle G. Wheeler, trong báo cáo gởi về Washington D.C., đã nhấn mạnh: „Các lực lượng võ trang Việt Nam Cộng Hòa đã kháng cự cuộc tấn công ban đầu với một sức mạnh thần kỳ.(4) Khi bình luận về trận Mậu Thân, ông Yves Gras, một tướng lãnh Pháp, đã viết: „Quân đội Nam Việt giữ vai trò chủ yếu trong các trận đánh bẻ gãy cuộc tấn công của phương Bắc trong Tết Mậu Thân vào tháng 2 năm 1968.“ (4)

Phía CS cũng rất bất ngờ về sức chiến đấu bền bĩ của quân lực VNCH.(5) Một  viên tướng CS tham gia trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đã thú nhận: “…Nhưng mặt khác, trong Tết Mậu Thân, ta không đánh giá đúng về tương quan lực lượng ta địch cụ thể lúc ấy, không thấy hết khả năng còn lớn của địch và điều kiện còn hạn chế của ta, đề ra yêu cầu quá cao sức thực tế ta có…” (6)

Sau khi CS rút lui, dân chúng phát hiện nhiều xác binh sĩ CS bị cột vào các ổ súng phòng không bằng xích sắt, đặt trên hoàng thành bao chung quanh nội thành Huế, nghĩa là binh sĩ CS không thể trốn chạy được, mà phải chiến đấu tại chỗ cho đến chết.(7)

3.- CHÍNH TRỊ

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của CS vào các thành phố VNCH tạo ra những phản ứng khác nhau tại Việt Nam và Hoa Kỳ.

Cộng sản vi phạm quyết định hưu chiến, mở cuộc tổng tấn công trong dịp Tết thiêng liêng trên toàn cõi miền NVN, tàn sát dân chúng vô tội làm cho dân chúng kinh sợ. Chẳng những dân chúng không hưởng ứng lời kêu gọi tổng khởi nghĩa  của CSVN, mà dân chúng còn trốn tránh vùng CS tạm chiếm, bỏ chạy về phía  quân đội VNCH và quân đội Mỹ. Uy tín của quân đội VNCH và chính phủ VNCH lên cao trong lòng dân chúng Việt Nam.

Ở ngoài nước, cuộc tổng tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân (1968) của CS đã gây một tiếng vang lớn trên thế giới, tạo một đòn tâm lý khá nặng đánh vào dân chúng Hoa Kỳ. Việc quân đội CS đột kích vào các thành phố NVN khiến cho dân chúng Hoa Kỳ, ở xa Việt Nam nửa vòng trái đất, nghĩ rằng tình hình quân sự VNCH quá xấu, nên họ lo ngại về số phận của thân nhân trong quân đội Hoa Kỳ đang chiến đấu tại Việt Nam.

Đó là cơ hội tốt cho phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ hoạt động mạnh, vận động rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam. Phong trào phản chiến Hoa Kỳ luôn luôn khuếch đại và bôi đen những sai lầm của quân đội Đồng minh và VNCH. Ví dụ tấm hình đại tá Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia xử tử tại chỗ ngày 1-2-1968 một cán binh CS trên đường Sư Vạn Hạnh Sài Gòn, gần chùa Ấn Quang. Đại tá Loan nổi giận vì nguyên gia đình của một trung úy Cảnh sát, thuộc quyền của ông, ngay trước đó bị cán binh nầy giết chết.(8)

Trong khi đó, phong trào phản chiến Hoa Kỳ cố tình bỏ qua những cuộc khủng bố và tàn sát của CSVN, nhất là vụ tùng xẻo dã man và chôn sống người tại Huế trong Tết Mậu Thân.

Khi rút lui, quân CS đã đưa đi theo một số nhân vật tên tuổi như thượïng tọa Thích Đôn Hậu (chùa Từ Đàm, Huế), các ông Lâm Văn Tết, Trịnh Đình Thảo (Sài Gòn).

4.- NHỮNG THAY ĐỔI QUAN TRỌNG

Để tăng cường sức mạnh quân sự, tướng Westmoreland xin chính phủ Mỹ tăng viện khẩn cấp một trung đoàn TQLC và một lữ đoàn Nhảy dù thuộc sư đoàn 82. Ngày 13-2-1968, bộ Quốc phòng Mỹ chấp thuận tăng 10,500 quân. (9)

Mười ngày sau, khi đại tướng tham mưu trưởng Liên quân Earle Wheeler đến Việt Nam, ngày 23-2-1968, đại tướng Westmoreland đưa ra đề nghị tăng thêm 206,000 quân đến Việt Nam, nhưng đề nghị nầy không được chấp thuận.(10)

Cũng trong ngày 23-2-2968, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh thay hai tư  lệnh quân đoàn cùng một lúc. Thiếu tướng Lữ Lan thay thiếu tướng Vĩnh Lộc làm tư lệnh Quân đoàn II, và thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng thay thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh giữ chức tư lệnh Quân đoàn IV.

Ngày 27-2-1968, tướng Edward Lansdale, trở lại làm việc tại Tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn từ 1965, đề nghị với đại sứ Mỹ là Bunker giúp củng cố quyền lực tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhằm chấm dứt tình trạng lưỡng đầu trong chế độ VNCH, tức bắt đầu giảm quyền phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ. (11)

Trong tháng 2-1968, chính quyền VNCH ra lệnh “bảo vệ an ninh”, một hình thức giam lỏng, một số nhân vật chính trị, như thượng tọa Thích Trí Quang, đại đức Thích Hộ Giác, đại đức Thích Liễu Minh, luật sư Trương Đình Du, Âu Trường Thanh, Trần Thúc Linh, Hồ Thông Minh (mới từ Pháp về), nhằm tránh bị CS lợi dụng, theo giải thích của chính quyền.(12)

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert McNamara, từ chức từ ngày 29-11-1967, nhưng sau biến cố Tết Mậu Thân mới rời chức vụ ngày 29-2-1968, và được Clark Clifford thay thế. (Clifford làm việc đến khi tân tổng thống Richard Nixon nhận chức 20-1-1969.)

Trong cuộc họp báo ngày 22-3-1968, tổng thống Johnson tuyên bố hai sự thay đổi quan trọng: 1) Sẽ đưa đại tướng Westmoreland lên làm tham mưu trưởng Lục  quân Hoa Kỳ từ ngày 2-7-1968 và đại tướng Creighton W. Abrams sẽ thay thế Westmoreland tại Việt Nam. 2) Đô đốc Ulysse Grant Sharp, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ giải ngũ trong tháng 7 và đô đốc John McCain, Jr. sẽ lên thay. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 103.)

Cuối cùng, biến cố Mậu Thân gây chấn động mạnh ở Hoa Kỳ khiến những cuộc biểu tình phản chiến càng ngày càng gay gắt.

KẾT LUẬN

Lúc đầu đảng Lao Động tức đảng CSVN tìm cách chối bỏ trách nhiệm về cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân,(13) nhưng theo những tài liệu càng ngày càng rõ ràng, cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân hoàn toàn do đảng Lao Động chủ trương.

Đảng Lao Động bất kể truyền thống cổ truyền về ngày Tết dân tộc, không tôn trọng những cam kết về hưu chiến, bất ngờ tổng tấn công để giành lấy thắng lợi.

Ngày 12-2, TQLC VNCH và TQLC Hoa Kỳ đổ bộ lên bến Bao Vinh, nằm trên bờ sông Gia Hội, gần đồn Mang Cá. Hai bên phối hợp mở chiến dịch Sóng Thần 739/ 68 ngày 14-2, tảo thanh quân cộng sản còn lại trong Thành nội.

Trận chiến càng ngày càng ác liệt, có khi hai bên chỉ cách nhau vài chục thước. Ngày 18-2, TQLC Hoa Kỳ chiếm được cửa Đông Ba (đường Mai Thúc Loan). Quân CS đóng trong Thành nội chỉ còn liên lạc với cánh quân Gia Hội của họ bằng cửa Thượng Tứ. Trước nguy cơ thất bại, CS tính chuyện rút lui. Ngày mồng 8 Tết (6-2-1968), CS bắt đầu di chuyển thương binh, tù binh, chiến lợi phẩm ra khỏi Huế.

Đảng Lao Động không thành công trên chiến trường, miền NVN vẫn đứng vững. Đảng Lao Động không tổ chức được cuộc tổng khởi nghĩa. Dân chúng không hưởng ứng cuộc tổng khởi nghĩa của CS, bỏ vùng CS tạm chiếm, chạy về phía quân đội VNCH. Dân chúng lại ghê sợ những sáng kiến giết người dã man của cán bộ CS, nhất là việc chôn sống người.

Do MTDTGP thiệt hại nặng nề trong cuộc tổng tấn công, đảng LĐ đưa cán bộ và bộ đội từ BVN vào NVN điền thế, củng cố và điều khiển chặt chẽ MTDTGP. Nói cách khác, từ đây MTDTGP không còn những thành phần tuy đối kháng với chính thể NVN, nhưng chưa hoàn toàn quy phục Hà Nội. Cũng từ đây, MTDTGP hoàn toàn do Hà Nội điều khiển.

Tuy CS thất bại về quân sự trong cuộc tổng tấn công, nhưng CS đã gây được tiếng vang trên thế giới và đặc biệt tại Hoa Kỳ, nơi đang diễn ra phong trào phản chiến, đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải rút quân khỏi Việt Nam.  Phong tào phản chiến  Hoa Kỳ sẽ rất dữ đội trong năm sau, 1969.

Cuộc tổng tấn công và tàn sát của CS là một thông điệp đỏ gây khủng bố và khiếp sợ cho dân chúng thành phố đối với CS. Từ đây, chẳng những dân chúng nông thôn mà cả dân chúng thành phố cũng rất hãi hùng bàn tay sắt máu của CS.

Nói chung, dầu thất bại về quân sự, CS đã đạt được các dự tính chính trị quan trọng qua biến cố Tết Mậu Thân. (14)

CHÚ THÍCH

  1. Đoàn Thêm, Đoàn Thêm, 1968 Việc từng ngày, Sài Gòn: Cơ sở Phạm Quang Khai, 1968. California: Nxb. Xuân Thu, 1989, tr. 129.
  • James J. Wirtz, The Tet Offensive, New York: Cornell University Press, 1994, tr. 28.
  • Lưu    Văn    Lợi    và    Nguyễn    Anh    Vũ,     Các     cuộc     thương     lượng     Lê     Đức  Thọ – Kissinger tại Paris, tr. 35 và tr. 57. [Lưu Văn Lợi là nhân viên phái đoàn BVN tại hội nghị Paris, sách viết ở trong nước. Bản in đưa ra nước ngoài, không đề nơi và năm xuất bản.] (Sách nầy được đưa lên Internet, ghi Hà Nội: Nxb. Công An Nhân Dân, 2002.)
  • Tường trình của tướng Earle G. Wheeler được tướng Yves Gras (người Pháp) trích dẫn trong bài „L’autre armée Vietnamienne, L’engagement des Vietnamiens dans la guerre d’Indochine (1945- 1975)“, đăng trong sách Indochine: Alerte à l’histoire của một nhóm tác giả, Académie des Sciences d’Outre-Mer [Viện Hàn Lâm Khoa Học Hải Ngoại], Institut de l’Asie du sud-est [Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á] và Association nationale des anciens d’Indochine [Hiệp Hội Quốc Gia Cựu Chiến Binh Đông Dương] đồng xuất bản, Paris, 1985, tr. 279. Nguyên bản câu Pháp văn Yves Gras dịch lời của Wheeler là: „Les forces armées de la République du Vietnam ont résisté à l’assaut initial avec une force surprenante.“ Nguyên văn câu nhận xét của Yves Gras  là: „L’armée sud-vietnamienne joue un rôle capital dans les combats qui brisent l’offensive nordiste du Têt Mau Than en février 1968...“
  • Leo J. Daugherty, Gregory Louis Mattson, NAM, a Photographic History, New York: MetroBooks, 2001, tr. 314.
  • Trần Văn Trà, Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, TpHCM: Nxb. Văn Nghệ Thành Phố, 1982, tr. 57.
  • Theo lời kể cho người viết của những người chứng kiến.
  • Tấm hình nầy do Eddie Adams chụp. Do tấm hình nầy, Eddie Adams được giải Pulitzer về báo chí năm 1969. Lúc đó, chẳng những Eddie Adams có mặt mà có cả Võ Sửu, quay phim cho đài NBC (National Broadcasting Company). Đài NBC chiếu nhiều ngày khắp nước Mỹ cảnh đại tá Loan xử tử tại chỗ cán binh CS bị bắt.
  • John S. Bowman (tổng biên tập), The Vietnam War, Day by Day, New York: Maillard Press, 1989, tr.20.)
  • Stanley Karnow, Vietnam, a History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 551.
  • Chính Đạo, Mậu Thân 68, thắng hay bại? Houston: Nxb. Văn Hóa, 1998, tr. 348.
  • Việc “bảo vệ an ninh” cho các tu sĩ chấm dứt ngày 30-6-1968. (Đoàn Thêm, 1968 Việc từng ngày, sđd. tr. 226.) Ngày 11-4-1968, Hồ Thông Minh và Trương Đình Du được thả ra. Hồ  Thông Minh bị trục xuất về Pháp, còn Trương Đình Du bị bắt lại ngày 1-5-1968.
  • Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi của một ký giả Tây phương vào năm 1969, bộ trưởng bộ Quốc phòng Bắc Việt Nam lúc đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chối rằng Hà Nội không tổ chức tổng tấn công Tết Mậu Thân: „Chúng tôi không dính gì tới chuyện đó. Chuyện đó do Mặt trận [Dân tộc Giải phóng] thực hiện.“ (Don Oberdorfer, sđd. tr. 45. Nguyên văn: „We had nothing to do with it. The [National Liberation] Front put it on.“)
  • Một điểm cần ghi nhận thêm là để xóa dấu vết tội ác trong biến cố Mậu Thân tại Huế, sau khi chiếm được miền Nam năm 1975, CS tuyên phong “liệt sĩ” cho một số người bị CS giết, đổ tội cho “Mỹ Ngụy” chứ không phải CS sát hại. Gia đình không dám từ chối sự phong tặng nầy, vì  sợ CS tàn sát thêm. Gần đây, vào cuối năm 2012, ở trong nước xuất hiện bộ phim tài liệu dài 12 tập, mỗi tập dài 30 phút, nhan đề là “Mậu Thân 1968” của đạo diễn Lê Phong Lan do Trung Tân Phim Tài Liệu và Phóng Sự của Đài Truyền Hình Việt Nam, phối hợp với hãng phim Truyền Hình Bản Sắc Việt Nam sản xuất, đã trắng trợn chối bỏ sự thật, thay trắng đổi đen nhằm xóa bỏ tội ác CS trong vụ tàn sát Tết Mậu Thân. Tuy nhiên “trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”

TẠI SAO TÀN SÁT TẾT MẬU THÂN?

Cho đến nay, chưa ai trả lời được câu hỏi vì sao xảy ra cảnh tàn sát ở Huế trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) của bộ đội cộng sản? Đảng Cộng Sản (CS) hiện nay chẳng những không nhận sai lầm mà còn tổ chúc ăn mừng cấp quốc gia cái gọi là “chiến công” Tết Mậu Thân. (?) Để giải mã câu hỏi trên, có lẽ nên phân tách các loại tàn sát theo từng nguyên nhân khác nhau.

TÀN SÁT NGƯỜI VÌ TƯ THÙ

Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, ngoài chuyện chết chóc vì súng đạn, luôn luôn có những cuộc trả thù qua lại giữa những cá nhân trong các phe lâm chiến. Chắc chắn vụ Tết Mậu Thân ở Huế cũng không ra ngoài quy luật nầy.

Huế là một nơi trải qua nhiều biến chuyển, „đổi đời“, từ năm 1945 trở đi, đương nhiên có nhiều cọ xát, tranh chấp. Sau năm 1954, nhiều gia đình ở Huế có thân nhân tập kết ra Bắc, bị chính quyền miền Nam truy xét, nay những người nầy trở về tìm cách trả thù những kẻ đã đi tố cáo hay truy hỏi trước đây. Cần chú ý Huế là nơi xuất thân của nhiều nhà lãnh đạo Bắc Việt như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Trần Hữu Dực, Hoàng Anh…

Ngoài ra còn có nhiều hình thức tư thù nhỏ nhặt khác, như những người giúp việc đi tố cáo chủ nhà; những công nhân chỉ điểm các ông giám đốc; những người trước đây phạm pháp, bị bắt, bị phạt nay nhân cơ hội trả thù những nhân viên hành chánh, cảnh sát …

Đặc biệt nhiều nhất là những sinh viên học sinh tranh đấu, trước đây tham dự những cuộc biểu tình chống chính phủ bị đàn áp, phải thoát ly bỏ lên núi theo cộng sản, nay trở về cầm súng thanh toán lại những người khác lập trường chính trị mà các sinh viên thoát ly gán „tội“ cho họ là tay sai „Mỹ, Ngụy“.

TÀN SÁT NHẰM GÂY RỐI LOẠN

Ngày 26-1-1968, ba ngày trước Tết, đảng uỷ cộng sản Thừa Thiên đưa ra kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa phía hữu ngạn Huế. Trong kế hoặch nầy, cộng sản trù liệu rằng khó có thể giữ Huế lâu ngày, nên đã chỉ đạo các uỷ viên phụ trách phải phá hoại tối đa các cơ chế vừa mới được ổn định của chính quyền Sài Gòn.(1)

Nói cách khác, chỉ thị trên ra lệnh tiêu diệt quân đội và nhân viên Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) để bộ máy chính quyền VNCH khủng hoảng nhân sự, thiếu người làm việc, mất hiệu năng.

Thành phần tử vong trong Tết Mậu Thân tại Huế do ông Nguyễn Trân đưa ra phản ảnh đúng chủ trương nầy, theo đó đã có „790 hội viên các Hội đồng tỉnh, thị xã và xã bị gán cái tội „cường hào ác bá“, 1892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát“ bị giết.(2)

Sau đây là tài liệu do Sư đoàn 1 Không kỵ Hoa Kỳ bắt được ngày 12-6-1968 tại Thừa Thiên của một cán bộ quân sự cộng sản. Viên cán bộ nầy ghi lại trong sổ  tay: „Toàn bộ hệ thống chính quyền ngụy từ xã tới tỉnh đã bị tiêu diệt hoặc gẫy đổ. Hơn 3.000 tên đã bị giết. Địch sẽ chẳng bao giờ tái lập lại được hệ thống cũ hoặc xoay chuyển được thất bại của chúng. Dù chúng có thể thay thế ngay bằng những nhân sự thiếu kinh nghiệm, bọn nầy cũng sẽ chẳng làm được gì.(3)

TÀN SÁT ĐỂ KHỦNG BỐ CẢNH CÁO

Giết quân nhân, công chức và thường dân vô tội (mà cộng sản tình nghi tiếp tay, làm tình báo, hay cộng tác với chính quyền VNCH), cộng sản nhắm đe dọa dân chúng để từ đây đừng tòng quân cho quân lực VNCH, hoặc không tham gia hay cộng tác với chính quyền VNCH, dưới bất cứ hình thức nào.

Trong quá trình chính trị VNCH, Huế là nơi phát khởi nhiều xáo trộn, nhất là từ năm 1963 trở đi. Việc tàn sát của cộng sản còn nhắm cảnh cáo dân chúng cố đô, từ đó cảnh cáo dân chúng toàn quốc, để dân chúng không dám lên tiếng tố cộng, dầu vẫn còn sống dưới chế độ Cộng Hòa; đồng thời cộng sản chuẩn bị áp đặt một chế độ độc tài trong tương lai một khi họ đánh chiếm được toàn miền Nam.

Đó là thông điệp đỏ mà cộng sản muốn báo cho dân chúng Huế nói riêng và các thành phố miền Nam nói chung. Với cộng sản, biểu tình, chống đối là tử hình, chứ không dễ dãi như dưới chế độ Cộng Hòa.

Thông điệp đỏ nầy quả nhiên có hiệu quả trong việc áp chế dân chúng, vì sau năm 1975, chế độ cộng sản Hà Nội độc tài tàn bạo, mà hầu như rất ít vụ đối kháng xảy ra, và dân chúng hoàn toàn không có biểu tình, tuyệt thực dễ dàng như dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

TÀN SÁT NHẰM GÂY CHIA RẼ TÔN GIÁO

Cộng sản luôn luôn kiếm cách tiêu diệt có hệ thống và có kế hoạch các tôn giáo, nhất là những tôn giáo có thế lực chính trị mạnh mẽ, có tổ chức quần chúng quy mô và kỷ luật, hoặc thân chính quyền. Cộng sản luôn luôn kiếm cách chia rẽ các tôn giáo để gay xáo trộn.

Tại Huế, từ khi ông Ngô Đình Diệm, xuất thân từ một gia đình Thiên Chúa giáo gốc Quảng Bình, lớn lên tại làng Phủ Cam, cầm quyền năm 1954, tín đồ Thiên Chúa giáo tại đây yểm trợ chính quyền mạnh mẽ. Ông Ngô Đình Cẩn, em ông Diệm, là người có sáng kiến tổ chức đoàn phản gián „Đặc vụ miền Trung“ năm 1960 do ông Dương Văn Hiếu cầm đầu, đã gây thiệt hại nặng nề cho tình báo cộng sản từ Bến Hải vào tới trong Nam.

Do đó, trong kế hoạch đưa ra ngày 26-1 kể trên, đảng uỷ cộng sản Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh: „Bao vây và cô lập những tên phản động lợi dụng tín đồ Thiên Chúa giáo; phải chú ý đến khu vực Phủ Cam, các trường Thiên Hựu và Bình Linh…“ (Don Oberdorfer, sđd. tr. 206).

Kế hoạch nầy còn được triển khai hết sức mưu mẹo kín đáo: Khi mới vào Gia Hội, cộng quân ra lệnh mọi nhà phải hạ cờ Quốc gia (đã được các nhà treo trong dịp Tết), treo cờ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng (MTDTGP). Dân chúng không có cờ MTDTGP, nên cộng quân ra lệnh treo cờ Phật giáo (Don Oberdorfer, sđd. tr. 225).

Đây là âm mưu của cộng sản: (1) Cộng quân dư biết dân chúng sống dưới chế độ miền Nam không có cờ MTDTGP mà vẫn ra lệnh treo cờ mặt trận nầy, rồi lấy lý do không có cờ MTDTGP mới đổi qua cờ Phật giáo. (2) Treo cờ Phật giáo, cộng quân sẽ biết nhà nào theo Thiên Chúa giáo, vì những gia đình theo đạo Thiên Chúa làm gì có cờ Phật giáo mà treo? (3) Cộng quân muốn tỏ ra thân thiện với Phật giáo, để gieo tiếng oan cho Phật giáo là thân cộng và gây chia rẽ giữa hai tôn giáo lớn trong nước.

Một nhân chứng có mặt tại vùng Phủ Cam (Huế) cho biết khoảng mồng 7 hay mồng 8 Tết, cộng quân bắt trên 300 thanh niên ẩn núp trong nhà thờ Phủ Cam,  đem đi biệt tích.(4)

Tại Huế, cộng quân còn giết hai linh mục người Việt là Hoàng Ngọc Bang và Lê Văn Hộ, và hai linh mục người Pháp dòng Benedicto Thiên An là Urbain và Guy, đồng thời đốt luôn nhà thờ Thiên An. (PTGDVNHN, sđd. tr. 135, 143.)

TÀN SÁT NHẰM GÂY TIẾNG VANG TRÊN THẾ GIỚI

Trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, cộng quân đã thẳng tay tiêu diệt quân đội Đồng minh như Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, và giết luôn cả những thành phần dân sự ngoại quốc như các linh mục người Pháp kể trên, nhất là bốn người Đức ở Viện Đại học Huế: bác sĩ và bà Hort Gunther Krainick, bác sĩ Raimund Discher, và bác sĩ Alois Alterkoster.

Ba vị bác sĩ Tây Đức đều tình nguyện đến dạy tại Đại học Y khoa Huế. Cả bốn người nầy bị bắt ngày 5-2-1968. Về sau xác được tìm thấy ở gần khu vực chùa Tường Vân.

Huế là thành phố mang nhiều đặc tính di sản lịch sử, văn hóa và chính trị Việt Nam, nên rất được quốc tế chú ý. Chiếm đóng và tàn sát ở Huế dễ gây tiếng vang trên thế giới, để giành ưu thế trong hòa đàm, và nhứt là để nhân dân Hoa Kỳ thúc giục chính quyền của họ sớm rút quân ra khỏi Việt Nam.

TÀN SÁT ĐỂ NHUỘM ĐỎ TAY CHÂN

Sau thời gian tham gia tranh đấu năm 1966, khi bị chính quyền VNCH gởi quân ra dẹp yên, một số lãnh tụ sinh viên và trí thức Huế thoát ly, bỏ chạy lên chiến khu theo cộng sản như Hoàng Phủ Ngọc Tường (giáo sư trường Quốc Học), Hoàng Phủ Ngọc Phan (sinh viên, em của Tường), Nguyễn Đắc Xuân (sinh viên), Lê Văn Hảo (giáo sư Đại Học Văn Khoa), Nguyễn Đóa (cựu giám thị trường Quốc Học)… Ngoài nhóm thoát ly, còn có những người lừng khừng, gió chiều nào theo chiều đó.

Sử dụng những người thoát ly cũng như lừng khừng, nhưng cộng sản không tin cậy họ. Cộng sản dư biết rằng họ thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản thành phố, thích biểu tình tranh đấu theo kiểu tự do dân chủ Tây phương. Hạng người nầy đã từng sống dưới chế độ Quốc gia, ít nhiều thụ hưởng ân huệ chính quyền Quốc gia để ăn học thành tài mà còn phản bội Quốc gia, thì không biết lúc nào họ sẽ phản bội cộng sản, vì cộng sản chẳng có công đào tạo họ, và cộng sản lại độc tài đảng trị tuyệt đối, không thích chuyện biểu tình phản đối.

Dư luận Huế và báo chí sách vở thường kết án Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân là thủ phạm của những cuộc tàn sát. Cho đến nay, vẫn chưa biết thật sự nhóm nầy đóng vai trò gì, đã làm những gì, nhưng dù như họ đã hành động tàn bạo đối với đồng bào, thì chẳng qua họ là cũng chỉ những con rối phải thi hành mệnh lệnh và kế hoạch của cộng sản.

Nếu họ không thi hành, họ cũng sẽ bị cộng quân loại bỏ. Họ chỉ là những con chốt thí trong cuộc cờ của cộng sản.

Ai cũng biết rằng trong tổ chức cộng sản, chỉ có đảng viên và nhất là đảng uỷ mới có quyền quyết định những chuyện hệ trọng. Còn những hạng tân tòng như  Tường, Phan, Xuân chẳng có quyền hành gì để quyết định mạng sống của một số người lớn lao, trừ vài chuyện trả thù cá nhân mà thôi. Bằng chứng cụ thể là sau năm 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân chẳng được trọng dụng nữa. Dân chúng kết án Tường, Phan Xuân vì những kẻ nầy ăn cơm Quốc gia thờ ma cộng sản, phản bội lại chính thể đã dung dưỡng họ ăn học lên tới trình độ đại học.

Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân là cơ hội để cộng quân nhuộm đỏ những người thoát ly và những người lừng khừng, làm cho họ không còn con đường nào quay về phía VNCH, dù họ có mặt hay không có mặt ở Huế, và dù họ giết người hay không giết người trong thời gian nầy.

TÀN SÁT KHI RÚT QUÂN

Nhìn vào bản đồ vị trí các mồ chôn tập thể, một điểm nổi bật là tại thành phố Huế, khu phố Gia Hội và vùng phụ cận như Bãi Dâu là nơi duy nhất có nhiều mồ chôn tập thể. Do cộng quân chiếm giữ Gia Hội được lâu, nên có điều kiện bắt giết nhiều người tại chỗ. Ngoài Gia Hội, những nấm mộ tập thể khác nằm ở  các vùng phụ cận chung quanh thành phố Huế. Khi rút lui, cộng quân đem theo những người bị bắt giữ, vừa làm phu khuân vác, vừa khỏi bị lộ bí mật, vừa làm con tin và bia đỡ đạn để tránh bị quân đội VNCH và Đồng minh pháo kích hay chận đánh. Số người bị cộng quân đem theo lên đến vài ngàn người.

Đến khi cộng quân cần biến vào rừng, cộng quân giết tất cả những người nầy để khỏi lộ tung tích.  Cộng sản giải thích rằng như thế là „giết để tự vệ“ (?).  Họ  không cần phân loại, một phần vì nguyên tắc của cộng sản là „giết lầm hơn bỏ sót“. Ngoài ra, sau một thời gian ngắn cùng sống với nhau, những con tin bị bắt đi theo, biết rõ tong tích, gốc gác, gia đình của các cán binh cộng sản, kể cả cộng sản nằm vùng, và nhứt là những tội ác do cộng sản gây ra. Cộng sản sợ rằng nếu để những người nầy sống sót, họ sẽ làm vỡ tất cả những tổ chức bí mật của cộng sản, nhất là tố cáo tội ác của cộng sản trước dư luận trong nước cũng như trên thế giới. Do đó, cộng sản giết những con tin nầy để thủ tiêu nhân chứng, diệt hậu hoạn.

CÁCH CỘNG SẢN TÀN SÁT

Ngoài việc hành hạ dã man, cách giết người của cộng quân cũng hết sức đặc biệt. Cộng quân ra lệnh cho những người bị bắt giữ đào hố, nói là để làm hầm trú ẩn, tránh bom đạn, hoặc để làm mương dẫn nước cho dân chúng cày cấy. Sau khi đào xong, cộng quân trói thúc ké tay chân những người nầy, quăng xuống hố, rồi lấp đất lại. Cộng quân chôn sống người, chứ không dùng súng bắn vì sợ gây tiếng động và lộ mục tiêu, dễ bị quân đội VNCH và Đồng minh phát hiện. (Elje Vannema, “Cố đôkinh hoàng”, trong PTGDVNHN, sđd. tt. 124-142.)

Bản đồ vị trí các mồ chôn tập thể cho thấy cộng quân rút lui theo hai hướng: (1) Hướng nam, qua đường Nam Giao, đến lăng các vua Nguyễn, lên vùng núi. Ngôi mộ tập thể xa nhất về hướng nầy là Khe Đá Mài (chứa 428 xác), cách thành phố Huế khoảng 40 cây số, thuộc quận Nam Hòa. (2) Hướng đông, qua ngã Chợ Cống hoặc Dạ Lê. Ngôi mộ tập thể xa nhất về hướng nầy là Vinh Thái (chứa 135 xác), cách Huế khoảng 40 cây số về phía đông nam, thuộc quận Phú Thứ. Theo bác sĩ Elje Vannema, người gốc Hòa Lan, quốc tịch Canada, có mặt ở Huế nhân dịp tết Mậu Thân, Huế có tất cả 19 khu vực chôn người tập thể được tìm thấy, và mỗi khu vực có nhiều nấm mộ tập thể khác nhau. Có thể còn nhiều ngôi mộ tập thể khác vĩnh viễn bị khuất lấp mà không ai tìm ra được.

THỬ SO SÁNH

Trong lịch sử Việt Nam, cuộc tàn sát tập thể đầu tiên được ghi nhận là vụ Trần Thủ Độ tiêu diệt tông thất nhà Lý năm 1232 (nhâm thìn). Sau khi tổ chức đảo chánh nhà Lý (1010-1225), lập ra nhà Trần (1225-1400), Trần Thủ Độ kiếm cách giết hại con cháu dòng họ nầy. Năm 1232 (nhâm thìn) Trần Thủ Độ cho tổ chức trai đàn đại tế tổ tiên họ Lý tại Bắc Ninh.

Khi con cháu nhà Lý đến dự lễ, theo sử sách ghi lại, Trần Thủ Độ cho giựt sập nhà trai đàn, chôn vùi tất cả con cháu nhà Lý xuống đó. Lúc đó, Trần Thủ Độ giết nhiều lắm là vài chục người hoặc tối đa là khoảng một trăm người. Đã trên 700 năm, thế mà hành vi tàn ác của Trần Thủ Độ vẫn còn là một vết nhơ trên chiếc chiến bào đầy hào quang kháng Nguyên của dòng họ nhà Trần.

Năm 1884, khi người Pháp áp đặt hòa ước Giáp Thân, đô hộ Việt Nam, vua Hàm Nghi (trị vì 1884-1885) và triều đình do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo đã mở cuộc tấn công chống Pháp tại Huế đêm 22 rạng 23 tháng 5 năm ất dậu (đêm mồng 4 rạng mồng 5-7-1885).

Thất bại, nhà vua phải bỏ kinh thành chạy ra phía Bắc. Tối hôm đó, quân đội triều đình và dân chúng Huế chết khoảng 800 người nên sau nầy, hằng năm, tại Huế có tục „cúng cô hồn“ vào tối 23-5 âm lịch

Dầu đã xảy ra nhiều trận đánh ác liệt khi quân đội nước ngoài tiến chiếm cựu đô Thăng Long hay kinh đô Huế, sử sách hầu như không ghi lại dấu vết những hành động độc ác tàn bạo giết hại tập thể dã man lộ liễu nào của người nước ngoài đối với thường dân tại các thành phố đang có chiến tranh, kể cả trong ngày 19-12-1946 là ngày mà Hồ Chí Minh ra lệnh bất ngờ tấn công người Pháp tại Hà Nội, người Pháp phản công nhưng cũng không trả thù thường dân.

Việt Minh cộng sản đả kích thậm tệ thực dân Pháp, nhưng trong việc đối xử với thường dân trong chiến tranh, so sánh những biến cố ở Huế năm 1885 và Hà Nội năm 1946 với cuộc tấn công của cộng sản năm Mậu Thân tại Huế, binh sĩ thực dân Pháp xâm lăng xem ra còn văn minh và nhân đạo hơn người cộng sản Bắc Việt, những kẻ luôn luôn tự hào thuộc „loài người tiến bộ“ CSVN.

Trong lịch sử thế giới hiện đại, có bốn cuộc tàn sát lớn:

Thứ nhứt: Khi chiếm được Nam Kinh (Trung Hoa) ngày 13-12-1937, quân đội Nhật Bản đã tàn sát khoảng 300.000 người Hoa tại thành phố nầy. Cuộc tàn sát diễn ra khủng khiếp, hãm hiếp phụ nữ, bắn giết, dùng kiếm chặt đầu mổ bụng, kể cả trẻ em. (Iris Chang, The Rape of Nanking, New York, Nxb. BasicBooks, 1997, tt. 100-103.)

Thứ hai: Đức Quốc Xã giết tập thể hàng triệu người Do Thái trong thế chiến thứ nhì (1939-1945).

Thứ ba: Cộng sản Liên Xô đã giết gần 15.000 tù binh gồm sĩ quan và binh sĩ quốc gia Ba Lan từ 3-4 đến 13-5-1940. (Stephane Courtois, Le livre noir du communisme, bản dịch Anh ngữ, The Back Book of Communism, Crimes, Terror, Repression, Massachusetts: Harvard University Press, 1999, tt. 368-369.)

Thứ tư: Khờ-me Đỏ giết khoảng trên 1 triệu dân Cam Bốt.

58

Số lượng người bị Việt Cộng giết tại Huế ít hơn rất nhiều so với những nạn nhân người Trung Hoa, Do Thái, Ba Lan, hay Cam Bốt. Điều nầy dễ hiểu vì khung cảnh xảy ra cuộc tàn sát, tức thành phố Huế, quá nhỏ bé  so với các nơi vừa kể, thời  gian Việt cộng chiếm đóng ngắn ngày, và dân số Huế lúc đó cũng quá ít oi, chỉ có

130.000 dân.(5)

Vả lại, lúc đó hai bên đang đánh nhau, dân chúng tìm chỗ trú ẩn an toàn, hoặc bỏ chạy qua những khu vực do quân đội VNCH kiểm soát; thành phố lúc đó vắng người, chỉ những ai không trốn kịp mới bị cộng quân bắt giết hoặc bắt đem đi rồi cũng bị giết.

Đặt các cuộc tàn sát trong từng điều kiện và hoàn cảnh cá biệt, mới thấy rõ cuộc tàn sát của Việt cộng năm 1968 ở Huế, một thành phố nhỏ bé hiền hòa với một dân số ít oi, thật dã man không kém gì những cuộc tàn sát khác trên thế giới trong thế chiến thứ hai. Tính chất độc ác dã man còn biểu lộ trong phương pháp và đối  tượng bị giết: giết cả trẻ em và phụ nữ (PTGDVNHN, sđd. tr. 205), hành hạ tàn nhẫn nạn nhân, hoặc chôn sống người.

Sở dĩ biết được cộng sản đã chôn sống các nạn nhân vì, ngoài lời kể của những nạn nhân trốn thoát bàn tay cộng quân đã chứng kiến việc chôn sống, người ta tìm được trong các nấm mồ tập thể, lẫn lộn với xác chết những người bị đánh đập, trên thân thể có vết thương và vết máu, những tử thi chỉ bị trói ké tay chân, thân thể toàn vẹn, không có vết trầy truộc gì cả.

Điều nầy có nghĩa là những người đó đã bị quăng xuống hố sau khi bị trói tay để không có cách gì moi đất mà lên được. Nên lưu ý, đất thịt không phải là nước hay cát. Nước và cát có thể bít kín ngay các khoảng trống, không có không khí, nên người bị trấn nước hoặc bị vùi trong cát, sau vài chục giây, nếu ai mạnh khỏe thì sau một vài phút rồi chết vì ngạt thở.

Ngược lại, đất thịt với sạn đá còn nhiều lỗ rỗng, và đất thịt không thể bọc hết lên thân thể của nạn nhân, nên dưới những mồ chôn tập thể đó, lúc đầu vẫn còn không khí, và nạn nhân vẫn còn thoi thóp sống, có thể cả vài ngày, sau đó mới kiệt sức  mà chết.

Ngày nay, khi đưa một con vật vào lò sát sinh, người ta cố gắng làm sao cho con vật chết liền tức khắc, để tránh việc hành hạ thân xác làm kéo dài sự đau đớn của con vật. Trong khi đó, những nạn nhân bị cộng sản chôn sống nằm bất động, vẫn còn sống, ý thức vẫn làm việc.

Thật không thể biết nạn nhân kéo dài sự đau đớn đến độ nào trong cảnh tối mù của địa ngục sống trong nhiều ngày? Không ai biết được vì không ai còn sống để kể  lại, nhưng chắc chắn khủng khiếp và đau khổ cùng độ. Biết đâu họ chết ngất vì khủng khiếp trước khi chết vì thiếu dưỡng khí?

Trong quá khứ, một vụ án tử hình được sách vở cho là tàn bạo nhất của lịch sử nước ta là việc người Pháp đã xử yêu trảm chí sĩ Trần Quý Cáp tại Khánh Hòa năm 1908. Yêu trảm là chém ngang lưng, nạn nhân còn đau đớn thoi thóp đôi chút  trước khi chết. Nhưng chém ngang cổ hay chém ngang lưng đều làm cho nạn nhân chết liền, còn chôn sống thì làm cho nạn kéo dài sự đau đớn có thể cả ngày, nhất là đau đớn về tinh thần một thời gian dài nữa. Chính điều đó là sự tàn nhẫn của việc chôn sống, và chỉ có người cộng sản mới đủ nhẫn tâm làm điều đó với đồng bào của mình.

Cần nhấn mạnh đến chữ „đồng bào của mình“. Quân phiệt viễn chinh Nhật giết người Hoa vì tức giận dân chúng Nam Kinh, thủ đô của Trung Hoa từ khi Quốc Dân Đảng cầm quyền năm 1927, đã kháng cự mãnh liệt cuộc tiến quân của Nhật Bản. Đức Quốc Xã tàn sát người Do Thái để bảo vệ sự thuần chủng của giống  Nhật Nhĩ Man (Aryan) theo chủ thuyết của Hitler. Cộng sản Liên Xô giết sĩ quan và binh sĩ Ba Lan để triệt tiêu quân đội yêu nước của quốc gia nầy, và thành lập quân đội mới dưới quyền chỉ huy của Liên Xô. Tất cả những cuộc tàn sát trên đây đều tàn bạo, vi phạm tội ác nhân loại, giữa người với người. Tuy nhiên, họ là những người khác nước, khác chủng tộc, và hành động vì quyền lợi quốc gia họ.

Chỉ có Khờ-me Đỏ giết đồng bào Cam Bốt và Việt Cộng giết đồng bào Việt Nam. Ai cũng biết là Khờ-me Đỏ một thời nằm dưới quyền của cộng sản Việt Nam, và Khờ-me Đỏ cũng như cộng sản Việt Nam đều được CHNDTH huấn luyện cũng như viện trợ. Chính Hồ Chí Minh và đảng LĐ đã từng nhận lý thuyết Mác-Lê và  tư tưởng Mao Trạch Đông là kim chỉ nam hành động của cộng sản Việt Nam.

Thế mà ngày nay đảng CSVN còn tôn thờ và làm tay sai cho Bắc Kinh. Chuyện gì sẽ xảy ra cho tương lai Việt Nam?

CHÚ THÍCH

  1. Don Oberdorfer, Tet!, New York: Nxb. Da Capo, 1984, tr. 206.)
  2. Nguyễn Trân, Công và tội, những sự thật lịch sử, Nxb. Xuân Thu, California,1992, tr. 642.
  • Stephen Hosmer, “Tổng tấn công Tết và Huế”, đăng trong sách Thảm sát Mậu Thân ở Huế, tuyển tập – tài liệu, Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại (PTGDVNHN), California, in lần thứ 2, 1999, tr. 217, không đề tên người dịch.
  • Nguyễn Thế, “Nhớ về Mậu Thân”, PTGDVNHN, sđd. tr. 199. Theo Don Oberdorfer, sđd. tr. 214, số nầy lên đến 400 người.
  • Chính Đạo, Mậu Thân 68, thắng hay bại? Houston: Nxb. Văn Hóa, 1998, tr. 303.

CHUYỆN SAU MẬU THÂN

Sau 50 năm, báo chí, sách vở đã viết nhiều về Tết Mậu Thân (1968). Bài nầy chỉ xin trình bày sơ lược một đề tài mà chưa ai đề cập đến. Đó là “Chuyện sau Mậu Thân”.

Những câu chuyện sau Mậu Thân có thể chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn đầu từ 1968 đến 1975. Giai đoạn hai từ 1975 cho đến nay.

Trong giai đoạn đầu, sau biến cố Mậu Thân, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã cố gắng giúp đỡ những gia đình bị nạn trong biến cố Mậu Thân, ổn định đời sống xã hội, lo an táng những nạn nhân bỏ mình vì chiến cuộc, vì bị cộng sản thảm sát, và chính phủ dần dần tái thiết những thành phố bị chiến tranh tàn phá. Nhiều người hiện còn sống biết rõ về giai đoạn nầy.

Trong giai đoạn hai, sau khi chiếm được Việt Nam Cộng Hòa năm 1975, việc đầu tiên là CS lấy cớ quy hoạch đất đai, để di dời, san phẳng mộ phần của những nạn nhân CS, xóa hẳn vết tích những ngôi mộ tập thể chôn cất những người bị CS tàn sát trong biến cố Mậu Thân, nhằm xóa hẳn vết tích tội lỗi của CS. Đồng thời, CS triệt hạ các đài tưởng niệm những chiến sĩ Cộng Hòa đã hy sinh, những người bị thảm sát, cũng như CS đập phá các miếu thờ những oan hồn uổng tử trong Tết Mậu Thân.

Sau khi xóa bỏ vết tích tội lỗi trong biến cố Mậu Thân, CS viết lại lịch sử biến cố nầy theo chủ trương của CS, có lợi cho CS và đổ mọi tội lỗi về phía “Mỹ ngụy”, từ ngữ của CS để chỉ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Việc nầy được thực hiện qua sách giáo khoa Việt sử lớp 12 của CS và nhất là qua tập 13 bộ Lịch sử Việt Nam vừa mới xuất bản ở Hà Nội năm vừa qua. Trong tập nầy, các sử gia CS viết về  biến cố Mậu Thân khoảng dưới 20 trang, chỉ để tuyên truyền nhiều hơn là trình bày sự kiện, và tránh không đề cập đến cuộc thảm sát tàn bạo của CS.

Cộng sản nhồi sọ học sinh trong trường học, tuyên truyền trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình. Cộng sản sử dụng tất cả các phương cách tuyên truyền, kể cả việc huấn luyện đội ngũ hướng dẫn viên du lịch để “thuyết minh” (chữ của CS) cho du khách ngoại quốc.

Trong khi thăm viếng cựu đô Huế, có nhiều du khách đã đặt những câu hỏi về biến cố Mậu Thân, thì được các hướng dẫn viên giải thích theo đúng bài bản sách vở của CS, giống như các giáo sư Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường trình bày trên báo chí hoặc trả lời các cuộc phỏng vấn của những cơ quan truyền thông lớn như BBC, RFI.

Cộng sản còn bỏ tiền làm phim Mậu Thân, do bà Lê Phong Lan đạo diễn, hoàn thành năm 2013. Bộ phim Mậu thân gồm 12 tập. Mỗi tập mang tiểu đề khác nhau. Bộ phim tố cáo “Mỹ ngụy” giết hại dân lành rồi đổ tội cho CS.

Bà Lê Phong Lan theo sách vở CS, nói láo trắng trợn, vì nếu “Mỹ ngụy” giết hại đồng bào, thì tại sao sau khi cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam năm 1975, CS lại cày nát, san phẳng các ngôi mộ tập thể, mà không để trưng bày tội ác “đế quốc Mỹ”? Nếu “Mỹ ngụy” giết hại dân lành, thì cần gì phải dùng dây điện thoại trói đồng bào rồi đem đi chôn sống? Nếu “Mỹ ngụy” sát hại đồng bào thì sao lại đi  giết quân nhân, công chức Cộng Hòa? Sao lại giết cả những ân nhân ngoại quốc đến giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa? Sao lại giết các linh mục Công giáo? Bà Lê Phong Lan nói láo thiếu sách vở nên chẳng ai tin cả. Bộ phim chỉ để tuyên truyền trên truyền hình nhà nước CS, chứ chiếu trước công chúng thì chẳng ai thèm đi xem.

Hàng năm, nhân dịp Tết đến, trong khi dân chúng lo cúng giỗ thân nhân bị giết trong Tết Mậu Thân, thì đài phát thanh CS ra rả về chiến công đẵm máu của CS, càng gây thêm đau khổ và uất hận cho đồng bào.

Cuối năm 2017 vừa qua, CS tổ chức hai cuộc hội thảo cấp quốc gia về Mậu Thân tại Sài Gòn. Những bài tham luận đều đua nhau ca ngợi chiến công của đảng CS, tài tình dẫm lên máu dân như dẫm trên đất bùn mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mô tả.

Vào đầu năm nay, ngày 31-1-2018, Ban chấp hành Trung ương đảng CS cùng Quốc hội, nhà cầm quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm trận Mậu Thân thật “hoành tráng” (chữ của CS) tại Sài Gòn để hâm nóng “bạo lực cách mạng” CS, với chủ đề “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”.

62

Tất cả những hoạt động trên đây của CS nhằm “cả vú lấp miệng em”, cố tình khỏa lấp dấu vết tội lỗi đã qua, làm cho dân sợ hãi mà không dám tưởng niệm Mậu Thân. Cũng có thể vì xu thế hiện nay của dân chúng trong nước muốn người Mỹ trở lại Việt Nam, nên Tàu cộng ra lệnh cho tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tổ chức mửng chiến thắng Mậu Thân để nhắc nhở tinh thần “chống Mỹ cứu nước” do Hồ Chí Minh phát động? Làm như thế để giảm nhẹ chú ý đến việc tiếp đón hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ sẽ đến Đà Nẵng vào đầu tháng 3-2018?

Phụ họa với dàn đồng ca do Nguyễn Phú Trọng đạo diễn ở Sài Gòn, một người nổi tiếng trong biến cố Mậu Thân ở Huế năm 1968, Nguyễn Đắc Xuân cũng lên tiếng tại Huế chẳng những ca tụng chiến công của “cách mạng” theo bài bản của đảng ủy CS giống mấy em hướng dẫn viên du lịch, mà còn đưa ra đề nghị là làm lễ tưởng niệm chung cho tất cả những người đã chết trong cuộc chiến Mậu Thân, dầu họ thuộc Việt Nam Cộng Hòa, hay theo CS, hay không theo bên nào. (BBC Tiếng Việt, ngày 12-2-2018.)

Đề nghị nầy hết sức phi lý ở những điểm sau đây:

  1. Cộng sản giết người bừa bãi, chôn sống thường dân vô tội, rồi bây giờ CS lại làm lễ tưởng niệm để chạy tội hay sao?
  • Du kích và cán binh CS là công cụ xâm lăng của CS Bắc Việt, đem súng đạn từ Bắc vào Nam giết hại dân lành. Du kích và cán binh CS đã chết cho một mục đích xấu của CS.
  • Trong khi đó, chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và cả quân nhân Hoa Kỳ chiến đấu và hy sinh để bảo vệ miền Nam Việt Nam tự do, công chức dân sự, thường dân vô tội đang sống yên ổn, vui tươi, bị CS bắn giết, chôn sống một cách dã man.

Làm sao có thể đánh đồng những người đã chết vì những lý do hoàn toàn khác nhau, hay đúng hơn là đối địch nhau, để làm lễ tưởng niệm chung với nhau? Hay  là CS muốn giết các nạn nhân Mậu Thân lần thứ hai? Giết người vô tội một cách man rợ năm Mậu Thân chưa thỏa mãn dã tâm hay sao mà còn muốn giết thêm lần thứ hai những người đã chết, gây thêm khổ đau cho gia đình nạn nhân?

Chuyện kể ở Huế có một vị giáo sư bị du kích CS bắn chết trong Tết Mậu Thân. Giới giáo chức, sinh viên, học sinh đều lên án CS.

Sau năm 1975, CS đem bằng “Tổ Quốc Ghi Công” đến tặng gia đình giáo sư, và nói rằng vì ông hoạt động cho “cách mạng” nên tụi “Mỹ ngụy” bắn chết, rồi đổ  cho “cách mạng”. Gia đình biết rõ nội vụ, nhưng phải bấm bụng nhận bằng khen. Rõ ràng CS hai lần giết vị giáo sư vô tội.

Đề nghị của Nguyễn Đắc Xuân có thể là một âm mưu mới của CS mà Nguyễn Đắc Xuân một lần nữa đóng vai xung kích như thời Mậu Thân, mang bong bóng thăm dò dư luận. Đó là hòa đồng người chết với nhau để hòa giải người sống? Người Việt Nam đã có quá nhiều kinh nghiệm đau thương về hòa giải hòa hợp của CS từ năm 1945 cho đến nay.

Có khi nào có thể hòa giải hòa hợp với những kẻ nhảy múa trên nỗi đau của người khác? Cộng sản chỉ hòa giải hòa hợp khi bị thất thế. Sau khi qua phà, CS sẽ quật ngược lại những ai hòa giải hòa hợp với CS. Chỉ có những tên mất trí, bị bệnh tâm thần, hay những kẻ hám danh, hám lợi, mới hòa giải hòa hợp với CS để về Việt Nam kiếm lợi và hưởng lạc mà thôi.

KẾT LUẬN

Sơ lược những câu chuyện sau Mậu Thân trên đây có thể cũng đủ để thấy rõ sự khác biệt lớn lao giữa chính thể Việt Nam Công Hòa đầy nhân bản với chế độ CS tàn bạo khát máu.

Tội lỗi của CS không thể nào quên. Không ai có thể đi ngược thời gian để sửa đổi quá khứ. Lịch sử đời đời ghi nhớ tội ác của CS.

Trăm năm bia đá thì mòn,

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

VIETBAO ONLINE

Ánh Mắt Của Cha

22/06/201800

Tác giả: Tâm Chánh

Bài số 5419-19-31260-vb6062218

Tác giả Tâm Chánh là người con gái của Trung Tá Từ Tôn Khán, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Huế, thời 1968. Ông bị Việt Cộng bắt và sát hại trong Tết Mậu Thân tại Huế. Hiện nay Tâm Chánh là Vice President of the Real Estate Entitlement Development Incorporation tại Southern California.

****

Nếu bây giờ ông Trời ban cho tôi một ước nguyện thì điều tôi sẽ cầu xin không một giây ngần ngại: xin cho Cha của tôi được sống lại dù chỉ là một ngày để Mẹ tôi có được niềm vui trước khi bà từ giã cõi đời, để cho các con tôi được gặp Ông Ngoại. Một mơ ước thật hão huyền và sẽ không bao giờ đạt được nhưng tôi vẫn khấn nguyện, vẫn ước mơ…

Người Cha thân yêu của tôi bị bọn Việt Cộng khát máu đoạt mệnh trong biến cố tết Mậu Thân năm 1968 khi tuổi đời của Ông chưa đến ba mươi bảy. Mẹ tôi trở thành góa bụa ở tuổi ba mươi hai, cái tuổi thanh xuân đẹp nhất của một người phụ nữ, bơ vơ với sáu đứa con thơ dại và đứa con út mới tượng hình ở trong lòng.

Nửa thế kỷ qua, lòng tôi chưa bao giờ ngưng tiếc nhớ, ray rứt, và đau khổ.

Thuở đó, gia đình của tôi cư ngụ tại đường Bạch Đằng, một con đường nằm ngay tại trung tâm của tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế. Con đường này song song với đường Huỳnh Thúc Kháng nổi tiếng với những tiệm bánh mứt, kẹo mè xửng giòn, dẻo đủ loại. Hai con đường cách nhau bởi giòng sông Gia Hội, nơi có những chiếc đò đưa khách sang sông trong suốt bốn mùa.

Trong khu đất rộng của Ông Bà Cố tôi để lại gồm có ba căn nhà: căn Nhà Cẩn có lối kiến trúc xưa tọa lạc ngay chính giữa của khu vườn, là nơi thờ phụng tổ tiên với các điện thờ và các cột trụ thiếp vàng chạm trổ rẩt tinh vi, với bàn ghế giường tủ và các tấm mành đều được cẩn xà cừ.

Nhà Tây được xây cất theo lối kiến trúc của Pháp, nằm về phía tay trái của Nhà Cẩn. Ở giữa hai căn nhà có bụi chè tàu rất lớn được trồng từ mấy đời trước, cành lá xum xuê cao quá đầu người. Đằng sau Nhà Cẩn, qua một khu vườn đầy hoa Tường Vi là căn Nhà Mới được kiến trúc theo lối tân thời.

Chúng tôi đã sống thời thơ ấu hết sức êm đềm trong căn nhà của Tổ Tiên. Ông Bà Nội của chúng tôi lúc đó đã không còn ở Huế, nhưng chúng tôi được sự thương yêu đùm bọc của Ông Bà Ngoại. Cha tôi đi hành quân thường xuyên, mỗi lần về ông đều đàn hát cho Me tôi nghe và chở chúng tôi lên thăm Ông Bà Ngoại. Mấy Me con líu ríu, quấn quýt bên Cha trong hạnh phúc ngập tràn.

Một lần về sau chuyến hành quân, Cha đem về một con chó. Ông gặp nó bị thương, nằm bên vệ đường. Ông đã tự tay săn sóc vết thương cho đến khi con chó bình phục. Kể từ đó gia đình chúng tôi có thêm một thành viên mới, chú chó Berger cao lớn. Con chó hết sức quyến luyến Cha tôi. Nó vô cùng mừng rỡ bất cứ khi nào ông về đến nhà, nó luôn luôn quanh quẩn ở bên ông khiến Mẹ tôi đôi lúc cũng bực mình khi bị nó làm chộn rộn.

Những tưởng cuộc sống sẽ được mãi ấm yên như thế… Nhưng tất cả đã thay đổi vào đầu năm 1968.

Đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân, chúng tôi tụ họp ở nhà Ông Bà Ngoại để cúng tết và dùng bữa với gia đình của các Cậu Dì đến từ các thành phố khác. Khoảng gần mười giờ đêm bỗng có những tiếng nổ. Ban đầu mọi người đều ngỡ là ai đó đốt pháo Tết sớm, nhưng chỉ sau vài phút, Cha tôi biết ngay là tiếng nổ của súng. Gương mặt và đôi mắt Ông đầy lo âu. Chỉ trong khoảnh khắc, Ông nhận được điện tín về lệnh chuẩn bi cấm trại và tuyệt đối đề phòng cảnh giác. Cha tôi xin phép Ông Bà Ngoại để đưa Mẹ con chúng tôi về vì phải đi trực. Mọi người đều năn nỉ Cha tôi ở lại vì có lẽ họ đã linh cảm được điều không hay nhưng Cha tôi cương quyết từ chối. Ông nói là cấp chỉ huy thì không thể vi phạm kỷ luật quân đội.

Khi gia đình tôi vừa về đến nhà thì con chó sủa vang và cứ cắn ống quần của Cha tôi. Tuy vậy, Cha vẫn không chú ý đến những cử chỉ khác thường của nó vì ông đang tìm cách liên lạc với cấp trên để nói chuyện. Con chó vẫn sủa ăng ẳng và kéo ống quần của Cha. Đang ở trong tình huống căng thẳng, lo âu, Cha đã nạt lớn và hất mạnh con chó sang một bên. Nó sợ hãi bỏ chạy ra ngoài sân, và hôm sau những người giúp việc đã cố công tìm kiếm con chó nhưng không ai thấy nó.

Đêm Mồng Một Tết, Việt Cộng (VC) tấn công. Vài ngày sau, chúng chiếm thành phố Huế.

Cha bảo Me và tất cả chị em chúng tôi chạy qua trú dưới căn hầm của một gia đình láng giềng cách nhà của chúng tôi năm căn. Cha ở lại nhà tiếp tục liên lạc điện thoại, làm việc với cấp trên.

Sau nhiều ngày chui rúc trong căn hầm, chúng tôi không nghe tin tức gì của Cha nên Mẹ rất lo lắng. Rạng sáng ngày 10 tháng 2 năm 1968, Me tôi đã nhờ O Lan, cô giúp việc trong gia đình, bò về nhà để thăm dò tin tức. Nhân lúc Me đang cho em bé út chưa được một tuổi bú sữa, tôi lén đi theo O Lan.

Khi O bò ra khỏi miệng hầm được một quãng ngắn thì O mới biết là có tôi đi theo. Dù lo lắng Me tôi sẽ rầy la, nhưng O cũng mừng vì có tôi bên cạnh cho đỡ sợ.

Lúc đó khoảng gần 5 giờ sáng, trời mùa đông xứ Huế vẫn còn tối đen và lạnh căm căm. Vất vả lắm chúng tôi mới len qua được những hàng rào ở phía sau các khu vườn và lẻn về đến nhà. Chúng tôi giật mình vì thấy người lạ đứng đầy sân. O Lan vội kéo tôi nằm sát xuống đất sau bụi chè tàu ở giữa Nhà Cẩn và Nhà Tây.

Từ đó, tôi trợn mắt cố nhìn xuyên qua bóng tối. Tôi rụng rời khi thấy Cha tôi và các chú cận vệ đang bị trói ké tay trước hàng hiên của căn nhà Tây. Chúng đang tra hỏi các chú Mãng, Chú Phấn, và chú Truật với những câu được lập đi lập lại „Các anh muốn chúng tôi khoan hồng thì hãy khai ra những gì mà Thiếu Tá Khán giấu diếm, bằng không đừng trách chúng tôi„.

Khi nghe vậy tôi và O Lan lâm râm cầu nguyện để các chú đừng khai mặc dù tôi không thật sự hiểu bọn VC muốn các chú khai những gì…

Họ bắt đầu đánh các chú. Tiếng đấm, đá bình bịch như xoáy vào đầu tôi. Rồi tôi nghe giọng Cha tôi “Các anh muốn gì thì cứ hỏi tôi, binh lính của tôi không có tội tình chi mà các anh hành hạ họ.” Tôi nghe chúng cười gằn rồi nói „Thiếu Tá đừng lo, sẽ tới lượt chúng tôi hỏi thăm sức khỏe của Thiếu Tá…“

Mấy phút im lặng trôi qua, tôi không nghe được khi bọn chúng nói nhỏ những gì với nhau. Lúc ấy, O Lan và tôi vừa lạnh vừa sợ, hai hàm răng của chúng tôi đánh lập cập vào nhau. Chúng tôi càng co rúm người lại, tưởng như chúng sắp phát giác ra sự hiện diện của chúng tôi.

Khi trời tờ mờ sáng thì tôi và O Lan phải đổi tư thế để ngồi xổm lên để lá chè che khuất. Từ chỗ núp, tôi đã thấy được rõ ràng cảnh tượng trước hiên nhà.

Bọn VC mặc đủ sắc phục: đứa thì mặc nguyên bộ đồ nhà binh, đứa thì mặc quần tây, áo sơ mi, nhưng trên cánh tay áo của chúng đều có đeo băng đỏ. Tên nào cũng cầm một cây súng có họng dài và quanh lưng đeo băng đạn, có tên còn cầm lựu đạn trên tay. Trong đám người mặt đầy sát khí này có một người đàn bà mặc bộ đồ đen, tay cầm súng lục.

Chúng vây lại quanh Cha, la hét tra khảo về những việc làm của Cha.

Cha trả lời “Tôi có lý tưởng của tôi, các anh có lý tưởng của các anh, tôi không khai báo, không chỉ điểm đồng đội của tôi.”

Chúng gầm gừ, chửi rủa rồi quay báng súng đánh túi bụi vào đầu, vào mặt Cha.

Một tên thét lớn „Vận mạng của cả gia đình mày đang nằm trong tay của chúng tao. Nếu mày chịu khai báo thì chúng tao sẽ tha và không sai người đi lùng bắt vợ con mày.”

Cha thở hổn hển vì đau nhưng chỉ nói “Các anh cứ làm nếu thấy cần, tôi thà hy sinh vợ con chứ không thể hèn mà đầu hàng các anh”.

Mụ đàn bà la the thé “Đánh nữa! Đánh nữa đi!” Chúng vừa đánh vừa kéo một sợi xích sắt lớn khóa chân Cha tôi và các chú cận vệ lại với nhau. Rồi những báng súng, những cái đá, cái đạp lại liên tiếp giáng xuống đầu, xuống ngực, xuống lưng Cha.

Nước mắt tôi rơi ràn rụa, ngực tôi nhói lên với từng tiếng hừ hự vang lên từ phía Cha tôi…

**

Cha! Đã năm mươi năm qua, con vẫn nhớ như in những giây phút ấy. Những giây phút khủng khiếp mà lời lẽ không bao giờ đủ để diễn tả.

Những cây súng giơ lên, quật xuống. Chúng vây quanh Cha, liên tiếp đánh.

Từ sau bụi chè tàu, con đã đứng lên. Con gạt phăng tay O Lan đang hết sức níu lấy con. Con nhào tới, xụp xuống lạy xin bọn chúng tha cho Cha và các chú.

Cha đã cố ngẩng lên và nhìn thấy con. Cha sững sờ trong khoảnh khắc. Rồi Cha trầm giọng bảo con phải can đảm, đừng van xin vô ích.

Con bỗng nghe đau nhói trên đầu. Một bàn tay thô bạo đã xoắn tóc con, dúi đầu con xuống đất, trước mặt Cha. Chúng gào lên rằng sẽ bắn con nát óc để xem Cha có còn cương quyết từ chối khai báo nữa hay không.

Con sợ hãi đến tột cùng, toàn thân con run bần bật. Con tưởng Cha sẽ đầu hàng nhưng con đã nghe tiếng Cha bảo chúng rằng “Các anh cứ bắn con tôi đi, nếu các anh muốn, nhưng tôi vẫn không thể làm theo lời yêu cầu của các anh”.

Con khóc nghẹn từng cơn như sắp tắt thở, vừa van xin chúng, vừa năn nỉ Cha.

Và, lúc đó, con đã bắt gặp ánh mắt Cha nhìn con. Ánh mắt đầy cương nghị, nhưng cũng chan chứa thương xót, khổ tâm. Ánh mắt của Cha đã cho con thêm can đảm, thêm nghị lực để chịu đựng. Con đã bớt hoảng loạn, đã có thể lắng nghe lời Cha trăn trối. Cha dặn con phải thay Cha để lo cho Me, cho em. Khoảnh khắc đó chỉ dài vài phút, nhưng mãnh lực của ánh mắt, lời nói trước khi Cha con mình vĩnh viễn xa nhau đã theo con cho đến hôm nay.

Bỗng nhiên có một tên VC khác chạy vào, bọn chúng tụ lại bàn nhau điều gì đó với vẻ lo lắng. Cha nhìn thẳng vào mắt con lần nữa, mấp máy môi nói thật nhỏ “Con chạy đi!” Rồi bất ngờ Cha la to “Anh em tấn công!” Bọn VC vội dàn hàng, quay mặt về phía cổng chính. Ngay giây phút đó, con đã phóng qua bụi chè tàu, chạy thục mạng ra khỏi vườn sau.

**

Sau 26 ngày, quân đội Quốc Gia đã tái chiếm Thành phố Huế. Con đã được cho theo cùng với Ông Ngoại, Me, và chú Bốn tài xế để đi tìm Cha ngay lập tức.

Mọi người khởi hành từ 4 giờ sáng ngày 27 tháng Giêng năm Mậu Thân. Trời còn tối đen mà tiếng khóc đã rền rĩ khắp các nẻo đường. Từ cầu Đông Ba đi về phía cầu Gia Hội, nhìn đâu cũng thấy xác người nằm la liệt.

Khi con đến trường Gia Hội, thì những toán đi tìm đang đào những hầm chôn tập thể lên. Có những nạn nhân chưa chết hẳn nhưng khi thân thể của họ được vực lên thì đa số họ hộc máu và tắt thở trong vòng vài phút.

Mùi tử khí đã khiến Ông Ngoại, Me, và con bị xây xẩm mặt mày nhiều lần. Đến khoảng 2 giờ chiều, sau khi đã tìm kiếm ở tất cả các mồ chôn tập thể ở sân trường Gia Hội, Me đã đuối sức vì lúc đó Me đang mang thai mà không biết. Ông Ngoại đề nghị trở về nhà và sẽ tiếp tục chuyện tìm kiếm vào ngày hôm sau. Ông cũng an ủi Me con là biết đâu Cha đang bị chúng bắt làm tù binh. Chú Bốn cũng đồng ý, thế là mọi người thất thểu quay về.

Mọi người vừa qua khỏi cầu Gia Hội chưa đầy một thước bỗng nhiên con chó của Cha bất thần xuất hiện. Mọi người chưa hết kinh ngạc thì con chó tru lên đầy ai oán. Nó cắn lấy ống quần của Me, kéo bà đi theo nó. Ông Ngoại tái mặt, biết ngay là điềm chẳng lành. Ông vội kéo con đi theo con chó.

Đến cửa Thành Nội, ngay dưới chân bức tường đầy rêu phong là một nấm đất cao được đắp sơ sài. Con chó dừng lại, ngửa cổ sủa liên tục. Dân ở những nhà gần đó kéo ra, họ nói với Ông Ngoại là chính họ đã chôn cất Cha. Họ nói là thấy đám VC dẫn đầu bởi Nguyễn Thị Đoan Trinh, và Hoàng Phủ Ngọc Phan, đã áp giải Cha tới đó. Họ đã chứng kiến cảnh Cha bị đánh đập vô cùng dã man nhưng Cha vẫn nhất định không hé một lời.

Rạng sáng ngày 11 tháng 2, 1968, họ nghe tiếng súng nổ, sau đó họ tìm thấy Cha nằm gục ở chân tường. Tuy biết Cha, nhưng họ sợ bị trả thù nên đã phải đợi đến đêm hôm đó mới vội vã chôn Cha.

Khi Chú Bốn đào huyệt lên, Me té xỉu khi vừa nhìn thấy Cha. Cha nằm đó trong cái huyệt nông chưa đầy một thước. Sóng mũi Cha vẫn cao, đôi mắt Cha khép kín nhưng khuôn mặt với nét cương nghị vẫn còn nguyên vẹn. Con đã run rẩy cúi xuống thật gần để rờ mặt Cha. Con đã thấy những dòng máu khô đen từ những vết đánh ở hai bên má và màng tang của Cha.

Cha ơi! Con đã đứng nhìn Cậu dùng khăn tẩm rượu trắng để lau máu trên thân thể cha. Chiếc áo len đen do chính tay Me đan bị lủng nhiều chỗ ở ngực nên con biết là cha đã bị bắn nhiều phát vào tim. Qua chỗ rách Con còn thấy thẻ căn cước của Cha lòi ra khỏi túi áo sơ mi trắng. Qua làn nước mắt ràn rụa, con thấy các binh lính của Cha đóng áo quan cho Cha từ những tấm ván bởi vì cả thành phố Huế chỉ còn một chiếc hòm nhỏ, không vừa với Cha.

Sau đó, những chú lính đã cùng chú Bốn đưa Cha về lại nhà của mình.

Cha nằm giữa phòng khách của Nhà Tây. Ở ngay nơi đó, chỉ một tháng trước chúng con và Me còn quây quần cười nói bên Cha, nay chỉ có chúng con đội tang trắng xóa, ngơ ngác khóc than trước di ảnh Cha. Con nức nở gọi Cha ơi nói chuyện với con đi, đừng im lặng nhìn con như vậy nữa. Trong ánh nến lung linh, con đã thấy như Cha đang đưa mắt nhìn nhìn theo từng đứa chúng con.

Ông Ngoại bảo không nên di chuyển xa trong lúc tranh tối tranh sáng, VC nằm vùng đang còn trà trộn khắp nơi. Các chú đã đào huyệt cho Cha ngay trong vườn, phía bên trái của căn nhà Tây. Các vị sư chỉ dám đến để tụng kinh một tiếng đồng hồ rồi hạ huyệt.

Giờ phút cuối, chúng con đi vòng quanh áo quan trước khi các chú di chuyển Cha ra huyệt, con thấy như ai đâm vào người con hằng trăm mũi dao nhọn. Con tự trách mình đã bỏ chạy để Cha ở lại với bầy quỷ dữ, con tự giận mình không nghĩ ra kế để cứu Cha cùng các chú cận vệ.

Rồi chúng con lại phải ném những miếng đất xuống huyêt. Từng mảnh đất đen rơi lộp bộp lên cỗ quan tài mà Cha nằm trong đó. Nỗi đớn đau trong lòng con không thể có ngôn ngữ nào diễn đạt được, Cha ơi!

**

Cha yêu thương, chuyện xảy ra đã năm mươi năm về trước nhưng hình ảnh của Cha cùng ánh mắt Cha nhìn con trong những giây phút cuối cùng vẫn mãi mãi trong tâm trí con.

Định mệnh đã khiến con trốn Me đi về nhà để được gặp Cha, để được nghe Cha dặn dò lần cuối. Định mệnh đã cho con thấy được ánh mắt cương nghị, đầy dũng khí của Cha, dù Cha đã bị bọn người khát máu hành hạ. Ánh mắt chan chứa xót thương của Cha đã nâng con dậy trong thời gian con bị khủng hoảng sau khi Cha  ra đi, và không biết bao nhiêu lần sau đó khi con ngã quỵ trong những tháng năm dài côi cút.

Định mệnh đã cho con cơ hội nhìn tận mặt để nhận diện những người đã giết Cha, mặc dù mấy chục năm qua con chưa có can đảm tìm hiểu về những cái tên mà người mà dân trong Thành Nội đã kể cho Me và con. Mãi đến đầu năm nay, 2018, Cô C. đã gửi cho con xem cuộc phỏng vấn tên Hoàng Phủ Ngọc Phan về Tết Mậu Thân. Con đã run rẩy suýt đánh rơi cái Ipad khi thấy mặt hắn.

Năm mươi năm trước, vào ngày 10 tháng 2 năm 1968, chính tên này đã dọa giết cả gia đình mình, chính hắn và đồng bọn đã vung báng súng đập lên Cha và các chú.

Cha yêu thương, đến giờ phút này con vẫn khâm phục tài trí của Cha. Cha biết chúng không bao giờ tha cho Cha, dù Cha có khai báo. Vì thế, Cha thà chịu cho cha con mình cùng chết, nhưng Cha đã quyết bảo vệ cho gia đình những đồng đội khác.

Từ đó đến nay, con luôn nuối tiếc vì không còn nghe được tiếng Cha răn dạy. Đó  là nỗi mất mát to lớn của tụi con. Em út không hề nghe được giọng nói và không hề thấy được gương mặt của Cha. Con cứ tưởng tượng đến  nỗi khổ đau  của Me, và con đã khóc trong suốt mấy chục năm qua, nhất là mỗi khi chồng con vô tình choàng vai ôm con để an ủi đã khiến hình ảnh Cha ôm Me ngày nào trở về rõ rệt trong trí con. Con lại bật khóc như đứa trẻ lên năm.

Cha ơi! Bây giờ con đã nên người, đã thành công, đã giữ trọn lời con hứa với Cha năm nào, con đã làm tròn trọng trách Cha đã giao phó cho con. Tất cả các con, các cháu của Cha đã thành nhân. Cha không có con trai nhưng đứa con gái mít ướt này đã cho Cha một thằng cháu ngoại và đứa cháu ngoại này cũng cho Cha một đứa cháu cố trai.

Vì ai mà Cha không được một lần thăm chúng! Vì ai mà Cha lỗi hẹn với Me của con!

Viết cho Cha mà nước mắt con vẫn trào và sẽ không bao giờ ngưng khi con nhớ đến người Cha vắn số của con. Con hãnh diện được làm con của Cha, một người Cha đầy lòng nhân hậu, đầy trí dũng cảm đã giữ đúng cương vị, tư cách, và uy tín của một sinh viên sĩ quan của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Nhớ Cha hoài.

Con gái mít ướt của Cha. Tâm Chánh

CƠN MÊ CHIỀU

Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng Chiều nay không có em, xác phơi trên mái lầu

Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình Đường nội thành đền xưa ai tàn phá ?

Cầu Tràng Tiền bạc màu loang giòng máu

Hương Giang ơi thuyền neo bến không người qua đò Một lần thôi nhưng còn mãi …

Và chiều nay không có em, đường phố cũ chân mềm

Tôi là người khai hoang đi nhặt xác mình, xác người Cho ruộng đồng xanh màu, cho đám mới lên cao

Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên

Đừờng vào thành, hàng cây trơ trụi lá Đồi Ngự Bình thịt xương khô sườn đá

Kim Long ơi, bờ lau ngóng, chuông chùa tắt rồi Một lần thôi nhưng còn mãi

Và chiều nay khg có em, đường phố chẳng lên đèn

Tôi là người trong đêm, mang ngọn đuốc về nội thành Xin làm người soi đường đi xóa hết đau thương

Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên

NGUYỄN MINH KHÔI

74

Bài trướcNàng dâu Nam Kỳ
Bài tiếp theoBí mật của Rolex