Câu truyện tôi kể sau đây là câu chuyện xẩy ra với người bạn của tôi. Anh ấy làm nghề bán đồ cổ. Tôi cứ gọi bạn tôi là Anh bán đồ cổ.
Hôm đó vào khoảng 12 giờ trưa cửa hàng vắng khách, Anh bán đồ cổ định đóng cửa hàng để nghỉ trưa thì có một chiếc ô tô sang trọng đỗ trước cửa. Một người đàn ông tầm tuổi 50 mới bước xuống xe. Ông ta đi vào cửa hàng và lễ phép chào anh bán đồ cổ. Sau màn chào hỏi, người khách nói: “Tôi có một chuyện muốn nhờ anh giúp đỡ, không biết anh có sẵn lòng giúp tôi được không”.
Anh bán đồ cổ nói: “Việc gì ông cứ nói”. Ông khách nói: “Thưa anh tôi có một chiếc bình cổ từ đời cụ kỵ nhà tôi để lại. Tôi vẫn thường để ở nhà tôi. Nhưng hiện nay tôi vướng bận một chuyến công tác xa ở nước ngoài. Tôi không dám để ở nhà vì sợ không có người trông giữ, tôi muốn nhờ anh trông giữ hộ tôi, tôi sẵn sàng trả anh chi phí trông giữ”.
Anh bán đồ cổ thấy việc người gửi trông và gửi bán hộ là chuyện bình thường, liền nói: “Không sao cửa hàng tối vẫn thường nhận trông giữ hoặc bán hộ đồ vật cho khách hàng”. Người khách vội nói: “Không tôi chỉ gủi anh giữ hộ 10 ngày thôi, tôi không nhờ bán, nếu anh giúp tôi sẽ trả anh 10 triệu tiền trông giữ”.
Thấy vẫn là những việc làm như thường lệ, anh bán đồ cổ nhất trí. Sau đó ông khách ra xe mang vào một chiếc bình cũ dáng dấp không có gì đặc biệt. Anh bán đồ cổ và khách hoàn thiện thủ tục ký gửi, trong đó đã bao gồm đánh dấu, chụp ảnh hiện vật, cả phần tạm xác định giá trị hiện vật (hai bên tạm xác định giá trị là 500 triệu, mặc dù anh bán đò cổ có chút lăn tăn về phần giá trị). Ông khách đưa anh bán đồ cổ đủ 10 triệu đồng.
Trước khi ra về ông khách nói: “Anh có thể bầy bình của tôi cho khách xem nhưng ông nhớ là tôi không bán đâu nhé”. Ông khách ra về, chiếc bình được để vào một góc khuất của ngăn tủ trưng bày hiện vật. Công việc của anh bán đồ cổ vẫn diễn ra hàng ngày, khách khứa vào xem người mua vật này, người mua vật kia, không ai để ý gì chiếc bình cổ ông khách gửi. Đến trưa ngày thứ sáu có ba người khách lạ vào cửa hàng, họ nói với nhau bằng tiếng nước ngoài. Sau khi đi xem tất cả các hiện vật tại cửa hàng, một trong ba người nói với anh bán đồ cổ bằng tiếng Việt: “Ông có thể cho chúng tôi xem chiếc bình này được không?”.
Anh bán đồ cổ nói: “Không sao, để tôi lấy cho các ông xem, nhưng các ông phải cẩn thận cho tôi vì nó là hàng dễ vỡ”. Sau Khi xem xong, ba người khách nói gì với nhau bằng tiếng nước ngoài. Ông biết nói tiếng Việt nói: “Giá chiếc bình này bao nhiêu?”. Anh bán đố cổ biết chiếc bình này không thể bán nhưng để khách khỏi mất lòng nên Anh bán đồ cổ nói: “Giá của nó là 1,5 tỷ”. Nghe anh nói xong, ba người khách lại nói gì với nhau không rõ sau đó người biết tiếng Việt lại nói: “Chúng tôi muốn mua chiếc bình này nhưng ông bớt cho chúng tôi chút xíu được không ?“. Ông bán đồ cổ nói: “Các ông trả bao nhiêu?”, ông biết nói tiếng Việt nói: “Chúng tôi trả là 1,4 tỷ nhưng hôm nay chúng tôi chưa mang đủ tiền, nếu ông đồng ý thì chúng tôi xin đặt cọc trước 100 triệu”.
Ông bán đồ cổ ngây người sao lại thế nhỉ, người gửi chỉ định giá 500 triệu, nay lại có người trả giá 1,4 tỷ. Một thoáng nghĩ trong đầu lướt qua, Ông bán đồ cổ nói: “Nếu các ông mua thì tôi bán”. Sau đó hai bên làm thủ tục đặt cọc và đánh dấu hiện vật, trao nhận tiền đặt cọc như đã giao ước, bên đặt cọc hẹn ba hôm nữa sẽ qua lại lấy hàng.
Sau khi ba ông khách ra về, ông bán đồ cổ liền mang chiếc bình cổ cất kỹ vào trong nhà. Đến ngày thứ tám bất chợt ông gửi đồ cổ đến, nhìn ông ta tươi cười rạng rỡ, trên tay cầm một gói quà nhỏ (chai rượu ngoại quốc). Ông khách hớn hở nói “Chào anh không ngờ chuyến công tác của tôi lại thành công tốt đẹp, lại nhanh hơn dự kiến, hôm nay tôi đến xin nhận lại đồ tôi gửi, còn đây tôi xin biếu anh chai rượu ngoại quốc”. Ông bán đồ cổ do đã dự tính trước nên ông ta với bộ mặt u sầu nói: “Thật có lỗi với ông, đã nhận sự ủy thác của ông mà tôi lại không hoàn thành trách nhiệm. Thưa ông do tôi bất cẩn đã làm vỡ mất chiếc bình của ông”.
Ông khách mặt biến sắc kêu tướng lên: “Trời ơi ông giết tôi rồi! Đây là chiếc bình cổ mười đời nhà tôi, ông làm vỡ thì tôi biết nói gì với tổ tiên tôi đây?”. Ông khách rơm rớm hàng nước mắt. Ông bán đồ cổ cũng không kém: “Thực lòng xin lỗi ông, lỗi tại tôi, tôi bất cẩn quá mong ông tha thứ, tôi xin đền toàn bộ giá trị hiện vật được không?”. Ông khách ra chiều suy nghĩ rồi nói: “Thì đành vậy chứ biết sao, chỉ khổ tôi mắc tội với liệt tổ liệt tông”. Sau đó anh bán đồ cổ lấy 500 triệu đưa cho ông khách và nói: “Xin ông nhận cho và cho tôi xin lại giấy tờ mà ông đã ký gửi hiện vật tại đây”.
Ông khách buồn rầu nhận lấy 500 triệu rồi mở cặp lấy giấy ký gửi trả lại cho anh bán đồ cổ, ông ta nói: ”Buồn cho cả ông và tôi, còn chai rượu ngoại quốc đây tôi biếu ông”, sau đó ông khách ra về. Anh bán đồ cổ thở phào nhẹ nhõm, anh ta đang chờ đến ngày mai.
Ngày thứ mười là ngày hẹn của ba người khách đặt mua hàng, Anh bán đồ cổ thấp thổm chờ đợi, thời gian trôi đi chậm chạp nhưng rồi cũng hết ngày, chẳng thấy ba người khách đó đâu. Rồi những ngày tiếp theo nặng nề trôi qua và cũng vậy, chẳng thấy ba người khách đó đâu…
Anh bán đồ cổ vội chạy vào nhà xem lại chiếc bình cổ, nó đúng là một chiếc bình cũ không có gì đặc biêt. Anh bán đồ cổ lúc này mới nhờ mấy tiền bối trong nghề xem lại chiếc bình cổ này. Các tiền bối của anh đều nói đây đâu phải bình cổ, nó chẳng có giá trị gì cả. Anh bán đồ cổ đã hiểu chuyện gì xẩy ra…
SƯU TẦM