Nhạc sĩ Trúc Phương, người tài hoa nhưng số phận bi đát.

Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc. Ông sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Vĩnh Bình (nay là tỉnh Trà Vinh) ở vùng hạ lưu sông Cửu Long, là một nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam trước 1975.

Cha ông là một nhà giáo sống thầm lặng và nghiêm khắc. Nhưng tâm hồn của chàng trai Thiện Lộc thì rất lãng mạn, yêu thích văn nghệ nên đã tự học nhạc, và bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên lúc vừa 15 tuổi.

Theo lời kể của tác giả Hàn Phương, nhạc sĩ có dáng người cao, lưng hơi tôm, bị cận thị, lãng tai và mắc bệnh suyễn nặng. Dù nhà nghèo nhưng có thói quen ăn mặc rất chỉnh tề, thích ăn ngọt và không uống rượu.

Cuối thập niên 1950, ông sinh hoạt văn nghệ với các nghệ sĩ ở Ty Thông Tin tỉnh Vĩnh Bình. Một thời gian sau đó ông lên Sài Gòn.

Trúc Phương bắt đầu học nhạc ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng chung với Đỗ Lễ, Thanh Thúy, Ánh Tuyết… rồi ông dạy nhạc, đồng thời bắt đầu viết nhạc nhiều hơn, và lập nghiệp luôn tại đây.

Những sáng tác đầu tay của Trúc Phương là hai bản rất nổi tiếng với giai điệu trong sáng, vui tươi là Tình thương mái lá, Tình thắm duyên quê viết vào năm 1957, sau đó là Chiều làng quê (1958) và Đò chiều (1959)…

Bài hát „Chiều Làng Quê“ được ông sáng tác vào thời gian này để nhớ về khung cảnh thanh bình ở làng xóm của ông (do Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc trình bày).

Bản nhạc „Tàu đêm năm cũ“ bất hủ của ông được viết vào đầu thập niên 1960, tặng cho những người sĩ quan phải đi xa nhà, vì lúc đó chính quyền Ngô Đình Diệm có sắc lệnh hoán chuyển công tác sĩ quan, công chức miền Nam ra miền Trung và ngược lại.

Không tiền bạc và không một ai thân quen ở đô thành Sài Gòn, ban đầu Trúc Phương ở trọ trong nhà một gia đình giàu có bên Gia Định và dạy nhạc cho cô con gái của chủ nhà.

Không bao lâu sau thì cô gái này đã yêu chàng nhạc sĩ nghèo tạm trú trong nhà, vì con tim cô đã dần dần rung động trước tài năng của Trúc Phương. Biết được chuyện này, ba mẹ của cô gái bèn đuổi Trúc Phương đi nơi khác.

Sau chuyện tình ngang trái này, Trúc Phương càng học thêm về âm nhạc và càng sáng tác hăng hơn. Nhưng những bài hát sau này lại nghiêng về chủ đề tình yêu đôi lứa với những nghịch cảnh chia lià.

Theo lời khuyên của những người bạn mới quen trong giới văn nghệ, Trúc Phương đã cộng tác với vài nhạc sĩ khác để thành lập một ban nhạc nhỏ đi lưu diễn khắp nơi như Biên Hòa, Long Khánh, Vũng Tàu… (trong đó có nhạc sĩ Trần Trịnh, tác giả bài Lệ Đá sau này).

Trúc Phương sáng tác rất dễ dàng, nhưng với bản tính trầm lặng, bi quan và khép kín sau những cuộc tình dang dở, những bài hát sau này của ông thường mang âm điệu u buồn, thê lương như phảng phất nỗi sầu của cổ nhạc miền Nam.

Nổi tiếng nhất là „Nửa Đêm Ngoài Phố“ với tiếng hát liêu trai Thanh Thúy.

Sau đó là „Buồn Trong Kỷ Niệm“ với những câu hát đớn đau, buốt nhói tim gan người nghe như:

„Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn.

Đôi khi nhầm lẫn đánh mất ân tình cũ,

có đau chỉ thế, tiếc thương chỉ thế.

Khi hai mơ ước không chung lối về …“

Có người cho là bài hát này ông đã viết ra sau khi bị thất tình cô ca sĩ Thanh Thúy.lừng danh thời đó.

Tài năng của Trúc Phương chói sáng vào những năm 1965-1970 khi ông bước chân vào quân ngũ và viết những bài tình ca thời chinh chiến như „Trên 4 Vùng Chiến Thuật“, „24 Giờ Phép“, „Bông Cỏ May“…

Chính ca sĩ Chế Linh đã nhiều lần tâm sự, là nhờ nhạc sĩ Trúc Phương và Châu Kỳ đã dẫn dắt ông vào con đường ca hát với những nhạc phẩm rất thích hợp cho giọng hát của ông.

Đặc biệt nhất là hai bài hát „Trên 4 Vùng Chiến Thuật“ và „Thói Đời“. Cũng chính hai bài hát này đã khiến cho ca sĩ Chế Linh được rất nhiều người ái mộ.

Trúc Phương có một số lượng sáng tác gần 70 bài hát, được biết đến từ những năm cuối thập niên 1950 và được phổ biến nhiều trong suốt thập niên 1960 như: Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Thói đời, Hai lối mộng, Kẻ ở miền xa…

Khi nhạc phẩm “Nửa Đêm Ngoài Phố” ra đời, tên tuổi ông đã vang dậy khắp nơi. Với thể điệu Rumba quen thuộc, diễn tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, “Nửa Đêm Ngoài Phố” đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp người trẻ lúc bấy giờ.

Bất cứ buổi trình diễn nào, ca sĩ Thanh Thúy cũng được yêu cầu trình bày “Nửa Đêm Ngoài Phố”, từ các sân khấu phòng trà, khiêu vũ trường cho đến Đại Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi. Ngoài ra, trong những chương trình phát thanh của đài Sài Gòn và đài tiếng nói Quân Đội, vào bất cứ chương trình nhạc nào cũng có bài này…

Từ những anh lính chiến ngoài tiền đồn hẻo lánh xa xăm cho tới giới học sinh, thành phần lao động, phụ nữ và trẻ con ở hậu phương yên bình… hầu như ai ai cũng hát được lõm bõm vài câu nhạc của Trúc Phương.

Ca sĩ Thanh Thúy kể lại: „Mỗi lần viết xong một bản nhạc mới, Anh đều chạy đến nhà tôi vào sáng sớm, nhất định phải đánh thức tôi dậy cho được để dợt nhạc: “Cô Tư, anh có bài này mới, Cô Tư phải dợt bài này với anh, để hát cho Anh chứ…” (Tôi thứ tư trong gia đình, nên được bà vú già lúc bấy giờ gọi là Cô Tư. Đến tìm tôi, các anh đều nghe: “Cô Tư còn ngủ”, hoặc “Cô Tư đi hát”… nên đã có nhiều anh bắt chước bà vú gọi tôi bằng danh từ này).

Anh là một người nhạc sĩ đầy nghệ sĩ tính, đầy mộng mơ. Nhạc của Anh rất giản dị, thân thiết, và dịu dàng, ngay cả khi Anh trách móc, giận hờn người yêu cũ hoặc thói đời.

Hình như Anh chỉ sống với kỷ niệm, sống cho kỷ niệm. Qua bao nhiêu tác phẫm của Anh, lúc nào cũng thấy có kỷ niệm. Anh quý kỷ niệm, Anh gìn giữ kỷ niệm, và rồi trân trọng trao gửi vào lời ca, tiếng nhạc.

Chỉ cần đọc tên bản nhạc, người ta đã thấy được điều này: Buồn Trong Kỷ Niệm, Đêm Tâm Sự, Chuyện Chúng Mình, Hình Bóng Cũ…“

Nhạc của Trúc Phương có một giai điệu rất đặc biệt của riêng ông, mà khó lầm lẫn với người khác được. Tuy nhạc của ông có âm hưởng cổ nhạc miền Nam, nhưng nó lại không giống như những bài hát của Lam Phương, Thanh Sơn, Lê Dinh.

Nó có vẻ trầm buồn, ray rứt, ưu tư trước thời cuộc dạo đó là chiến tranh triền miên, và buồn phiền vì những mối tình dang dở, trái ngang. Nên khi soạn hòa âm cho những bài hát của Trúc Phương, nhạc sĩ hòa âm phải sử dụng ít nhất là một trong vài loại nhạc khí cổ truyền của miền Nam như đàn bầu, đàn tranh, hay đàn cò (hoặc violon) thì mới có thể diễn tả hết cái hay của dòng nhạc Trúc Phương, và người nghe lại càng thấm thía với nỗi muộn phiền, nhức nhối tim gan của ông sau này.

Điều trớ trêu là tuy tên tuổi và tài năng sáng chói, nổi bật so với những người viết nhạc thời bấy giờ, nhưng tình duyên của nhạc sĩ Trúc Phương thì vô cùng lận đận.

Khoảng cuối thập kỷ 50, Trúc Phương được một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, cao sang đài các đem lòng yêu thương ông, do sự rung cảm truyền đạt từ tài năng và những tác phẩm tuyệt vời của ông. Kết cuộc là cả hai đã nên duyên chồng vợ.

Tuy sống trong cảnh nghèo nàn, nhưng đời sống của họ rất là nghệ sĩ. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Trúc Phương và sức sáng tạo nghệ thuật của ông càng sung mãn hơn bao giờ hết với hàng chục bài hát ra đời mỗi năm.

Nhưng niềm vui của đôi uyên ương này lại không kéo dài được lâu bền. Bởi vì sau một thời gian chung sống với nhau, những tình cảm ban đầu trở nên phai lạt dần theo năm tháng và hai người đã lặng lẽ chia tay nhau. Họ ly dị vào khoảng năm 1979.

Câu hát ngày nào lại rơi đúng vào trường hợp này: „Khi hai mơ ước đã không cùng chung hướng về“ và „Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn“ ?

Theo ghi chép của bè bạn, nhạc sĩ Trúc Phương cũng có nhiều mối tình thoáng qua đầy lãng mạn. Mà tình yêu, trong trái tim người nghệ sĩ, có gì lớn lao, to tát đâu. Có khi, chỉ một câu chuyện, một ánh mắt, một lời hẹn cũng đủ để trái tim nhạy cảm ngần ngật đập, ngần ngật sống và không nguôi hy vọng.

Cố nhạc sĩ Thanh Sơn từng kể lại rằng: “Mối tình không thành như loại hoa phù dung sớm nở tối tàn. Ngày đó, nhân chuyến đi Phan Thiết, mua vé ở ga xe lửa Sài Gòn, vô tình trên tàu, anh gặp cô Trần Thị Thắm, 22 tuổi. Chuyện trò qua lại, hai người hợp lòng nhau. Đến Phan Thiết, họ chia tay và hẹn 3 hôm sau ra ga trở lại Sài Gòn. Anh đến ga đợi mãi đến 9 giờ tối, Thắm không đến, anh bèn trở về một mình. Không thể nào quên mối tình ngắn ngủi, anh đã viết bài Hai chuyến tàu đêm”.

Năm 1975, Trúc Phương không di tản và sống tại Sài Gòn.

Ông vượt biên lần đầu năm 1976 nhưng không thành công, do vậy bị tịch thu căn nhà số 301 Lý Thường Kiệt, quận 11, bị bắt và bị tù đày nhiều năm. Khi được thả, ông vượt biên thêm 2 lần nhưng vẫn không thành công, lại bị bắt, bị tù và bị tịch thu hết giấy tờ tùy thân để khỏi vượt biên tiếp. Lúc ra tù, vợ con ly tán (về sống tại quê ngoại ở Bến Tre), ông lang thang không nhà cửa, không giấy tờ, không tiền bạc (nhưng thỉnh thoảng được bạn bè giúp đỡ chút ít, và sau đó có quà của ca sĩ Thanh Thúy từ bên Mỹ gửi về).

Không có nghề nghiệp gì trong tay, ông làm đủ mọi việc để sinh sống. Khoảng giữa năm 1985, ông được nhận vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Đạo Vương, thị xã Vĩnh Long để ở, nhưng không có lương. Không lâu sau, ông trở về sống ở Sài Gòn.

Có người hỏi sao ông không về quê hẳn luôn, ông buồn bã đáp: “Má tôi già yếu đang ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh), nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn… nên tôi không thể về đó để làm khổ cho bà thêm nữa.”

Tại Sài Gòn, ông làm thuê, làm mướn đủ nghề để kiếm sống và lang thang khắp nơi. Ông từng trải lòng: “Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no. Một năm như vậy, tôi ngủ ở Xa cảng hết 9 tháng. Khổ lắm! Hôm nào có tiền để đi xe lam, ra đó sớm khoảng chừng năm giờ chiều, thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự, tương đối vệ sinh một tí. Một chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng. Nhưng mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch sẽ người khác chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ “thằng cha đi tiểu vỉa hè”, cũng phải nằm thôi.”

Còn Tín Đức (Hội viên Hội Văn nghệ tỉnh Vĩnh Long) kể lại: „Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi là vào năm 1988, lúc này Trúc Phương đang sống ở Sài Gòn, tôi đang theo học Trường đại học Mỹ thuật. Ngoài giờ học, tôi cùng một số bạn bè đi làm thêm về mỹ thuật cho Nhà hàng Ðại Dương (nằm trên đường Kỳ Ðồng, gần Nhà thờ Chúa Cứu Thế, Q.3) do thầu khoán Chín Củi lãnh xây dựng. Anh Chín Củi gốc là dân Trà Vinh, quen thân với anh Trúc Phương, đã cưu mang anh trong thời gian này.

Gần chỗ công trình đang xây dựng có một quán cơm bụi giá rẻ như bèo. Hằng ngày, chúng tôi thường cùng ra ăn cơm ở đó. Hôm đó nhằm chiều thứ bảy cuối tuần, anh Chín Củi dẫn cả bọn tôi ra quán cơm bụi này để bồi dưỡng… cơm bình dân và lai rai rượu thuốc. Anh Trúc Phương dù không uống rượu nhưng cũng ngồi chung với chúng tôi.

Cuộc vui kéo dài nửa chừng, trời bắt đầu mưa tầm tã. Bất chợt có hai người hành khất, một cụt chân, một mù hai mắt, đội mưa bước vào. Cả hai – một đàn guitar thùng, một hát bài Mưa nửa đêm.

Lúc đó ánh mắt của anh Trúc Phương tối sầm lại. Anh lẩm bẩm: „Nhạc của mình biến thành nhạc ăn mày rồi!“.

Thấy vậy, anh Chín Củi đứng dậy, kéo tay hai người hành khất kia, miệng nói:

– Lại đây hai chú em, ngồi xuống cùng ăn cơm và lai rai với tụi tui cho vui.

Khi cả hai cùng ngồi xuống, bất chợt Trúc Phương buột miệng:

– Hai chú mày hát nhạc của ai, biết không?

Một người nhanh nhảu trả lời:
– Dạ biết, nhạc Trúc Phương đó!

Trúc Phương cười buồn, mắt ngân ngấn nước:

– Trúc Phương chính là anh, chính tác giả đây!

Hai người ăn mày sửng sốt trong giây phút, rồi người cụt chân chợt quỳ sụp xuống, hai tay nâng cây đàn lên ngang mày, miệng nói:

– Ôi, em xin bái kiến sư phụ. Em hát nhạc của sư phụ, mãi đến hôm nay mới được diện kiến sư phụ. Xin sư phụ chỉ giáo cho em!

Trúc Phương cầm lấy cây đàn:

– Ðể anh hát tặng mấy chú em bài hát này nhé!

„Tôi muốn hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay

Có phải vì tâm tư giấu kín trang thư còn đây

Nên những khi mưa nửa đêm

Làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm…“

Anh hát say sưa giữa hè phố Sài Gòn, hát tặng những người hành khất trong một quán cơm nghèo! Những người lao động có mặt trong buổi chiều mưa hôm đó ngồi lặng lẽ, rồi lần lượt đến vây quanh anh.

Cô bé con chủ quán cơm xúc động, giơ tay dụi mắt giấu lệ! Hôm ấy, Trúc Phương hát như một lời than đau đớn…“

Nhạc sĩ Trúc Phương âm thầm đau khổ trong cô đơn, và bắt đầu vùi vào vào men rượu để sáng tác thêm nhiều bài hát trong nỗi đau thương cùng cực, pha chút chán chường cho nhân tình thế thái.

Bạn bè thường gặp ông ngồi yên lặng bên những ly rượu nơi một quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, gần nhà của ông. Có lẽ đó là một cách làm cho nhạc sĩ tạm quên đi những cay đắng của tình đời.

Từ năm 1975 thì sự nghiệp sáng tác nhạc của ông dừng lại, tất cả những ca khúc của ông đều bị cấm phổ biến và trình diễn.

Sau 3 lần vượt biên không thành công, ông không nhà cửa, không người thân, giấy tờ, sống lây lất khắp nơi (6 con của ông đã vượt biên thành công sang Mỹ & Úc trước đó). Tuy hoàn cảnh rất bi đát nhưng ông chưa hề ngửa tay xin ai một đồng nào, ngay cả những người quen của ông lúc trước. Đó cũng chính là lúc bài hát „Thói Đời“ lại vang lên với những câu như: „Bạn quên ta, tình cũng quên ta, nên chung thân ta giận cuộc đời, Soi bóng mình bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngùi lên tròng mắt…“ và „Người yêu ta rồi cũng xa ta“… „Cỏ ưu tư buồn phiền lên xám môi…“.

Bài hát „Thói Ðời“ đã gây xúc động cho hàng triệu con tim cùng chung số phận nghiệt ngã của cuộc đời. Với riêng bản thân Trúc Phương thì „Thói Đời“ lại như là một lời tiên tri thật chính xác cho quãng đời còn lại của ông suốt gần 25 năm sau đó (1971-1995)

Có thể nói là trong suốt hai chục năm (1975-1995), không biết bao nhiêu ca sĩ, trung tâm ca nhạc đã thu thanh, thu hình những bài hát của Trúc Phương, ở trong nước cũng như tại hải ngoại. Nhưng chắc chắn là ít có người trong số đó biết tin ông đã âm thầm từ giã cõi đời vì bệnh sưng phổi, trong cảnh nghèo nàn, bi đát và cô đơn trong căn phòng trọ tồi tàn, nhỏ hẹp ở quận 11, Sài Gòn vào ngày 18/9/1995.

Ông được gia đình, bạn bè, và lối xóm chôn cất ở nghĩa trang Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé.

Lúc Trúc Phương mất, nhạc sĩ Nhật Ngân (lúc này đã định cư ở Mỹ) có viết tặng Trúc Phương bài „Gửi người về cát bụi“, với lời nhạc có nhắc tên một số bài hát của ông.

Năm 2014, lần thứ hai Trung tâm Asia thực hiện chương trình đặc biệt “Trúc Phương – ông hoàng của dòng nhạc Bolero” (DVD Asia 74) để vinh danh ông, tiếp sau DVD Asia 55 lần thứ nhất khi ông còn sống.

Nhạc sĩ Trúc Phương mất đi, đã để lại cho đời hơn 65 ca khúc viết trước năm 1975, một số tác phẩm khác viết tặng bạn bè chưa được phổ biến, và những bài hát sáng tác sau 1975: Về chín dòng sông hò hẹn, Về An Quãng Hữu, Hoa sách… (mà trong đó nhan đề ca khúc „Về chín dòng sông hò hẹn“ của ông được chọn làm tên cho chương trình Hội diễn văn nghệ quần chúng hằng năm của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay).

Nhiều người trong chúng ta có lẽ cũng vẫn còn nhớ những bài hát của Trúc Phương như: Ai Cho Tôi Tình Yêu, Chuyện Chúng Mình, Hai Lối Mộng, Chiều Cuối Tuần, Con Đường Mang Tên Em, Tàu Đêm Năm Cũ, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Hình Bóng Cũ, Mưa nửa đêm,…?

Tài năng của ông thì vô cùng nổi trội, có thể nói là đạt đến đỉnh cao của nền âm nhạc mang âm hưởng miền Nam. Nhưng đời sống của ông thì lại trải qua quá nhiều bất hạnh và đau thương, khốn khổ cho đến tận những giờ phút cuối cùng.

Cuộc đời của Nhạc sĩ Trúc Phương như giọt rượu nồng giữa cõi trần ai. Càng đượm ưu tư, càng in đậm đường trần; càng xót xa, buồn tủi thì sáng tác của ông càng thăng hoa, người nghe càng ngậm ngùi, đồng cảm.

Cái giá phải trả cho một kiếp tằm rút ruột nhả tơ sao mà đắt đỏ đến thế?

(Sưu tập từ Internet)

Bild könnte enthalten: 1 Person
Keine Fotobeschreibung verfügbar.
Keine Fotobeschreibung verfügbar.
Bài trướcChuyện thằng lai
Bài tiếp theoTân Định – Đa Kao ngày xưa