Người Việt đề cao sĩ diện hơn thể diện
1/Tính sĩ diện bắt nguồn từ mong muốn chứng tỏ bản thân, muốn người khác coi trọng mình.
Điều này cũng tốt thôi, nhưng dần dà nhiều người lạm dụng nó một cách quá mức, khiến nó biến thành tính tự ái hơn là tự trọng. Đây là nguyên nhân làm cho những người có mặc cảm thua sút người khác phải cố gắng gồng lên để thể hiện mình, dẫn đến hoặc trở thành tự ti hoặc dễ trở thành cao ngạo. Điều khá trái khoáy là khi trở thành tự ti hay cao ngạo, những người này đều có đặc điểm chung là dễ „tổn thương“ hơn bao giờ hết, bất cứ một lời nói hay cử chỉ nào của người khác trái ý họ là họ cứ nghĩ rằng người khác giễu cợt hay xúc phạm mình. Ví dụ Xê Kô mỏ nhọn khi tự tin mình đẹp trai thì ai nói cậu ta xấu trai là cậu ta cho rằng xúc phạm cậu ấy do ghen tị, nhưng khi tự ti vì ngoại hình thì ai chê cậu ấy lùn, xấu, mỏ nhọn thì cậu khóc nức nở, trở nên tổn thương vô cùng.
Như vậy tính sĩ diện khiến người ta hay áp đặt cảm xúc của mình qua cách hành xử, đánh giá của người khác. Nó thường gây nhầm lẫn hoặc nâng lên thành quan điểm chung, đôi lúc tạo ra sự ngộ nhận sĩ diện là thể diện. Như một cô gái giàu có lấy một chàng trai nghèo khó, thường bị đánh giá là làm mất thể diện gia đình, nhưng thực ra đó là quan điểm, là suy nghĩ của cha mẹ hay gia đình cô ấy áp đặt lên cô ấy, và họ gọi đó là thể diện. Chúng ta có thể thấy sự ngộ nhận này rất nhiều trong đời sống hiện nay: như một môn thể thao, một cá nhân nào đó được mọi người tôn sùng „vỡ òa“ là niềm tự hào, là thể diện quốc gia, đó là vì họ có nhiều điều thua kém người khác nên rất cần một cái hơn, một cái sĩ diện để mà che giấu. Và rất xui xẻo cho ai lỡ vô tình hoặc cố ý chạm vào cái „thể diện“ ấy.
2/ Thể diện: là giá trị cốt lõi của cộng đồng được mọi người coi trọng thông qua cách ứng xử văn hóa của cả cộng đồng hay từng cá thể trong cộng đồng đó.
Thể diện có thể có trước và được hình thành bởi một lối sống văn hóa của những người có tự trọng cao trong một cộng đồng tạo nên, và những người đi sau có nhiệm vụ ý thức các giá trị đó. Như ta thấy, dùng một sản phẩm Nhật ta vẫn yên tâm hơn các sản phẩm Trung Quốc; người Nhật không chấp nhận làm hàng đểu, bởi từ lâu thương hiệu Nhật đồng nghĩa với „thể diện quốc gia“. Vì thế, sau vụ xử lý làm sạch sông Tô Lịch bị phía Hà Nội vu khống, người Nhật sẵn sàng tài trợ 100% chi phí để chứng minh phương pháp của mình không sai là vậy. Với người Nhật, danh dự của cá nhân gắn liền với dân tộc; là người Nhật, nếu một người làm xấu, cả quốc gia sẽ mang tiếng. Thế nên, việc bé gái Việt bị sát hại tại Nhật, đích thân đại sứ Nhật đã đến nhà cô bé tại Việt Nam xin lỗi, cả nước Nhật xin lỗi chứ không đổ thừa cho bất kì một cá nhân nào như ở xứ ta. Rõ ràng, người Nhật họ vì thể diện chung mà bỏ qua sĩ diện riêng, người Việt vì sĩ diện riêng lại bỏ qua thể diện chung (như việc chối bỏ trách nhiệm vụ 39 nạn nhân thiệt mạng trong thùng container ở Anh).
3/ Sĩ diện và thể diện, cái nào quan trọng hơn?
Người vì sĩ diện cao sẽ sẵn sàng lao vào ẩu đả nhau để chứng minh mình như: giành gái, cho là bị xúc phạm, v.v. người hay sĩ diện là người hay thích hơn thua, thích che giấu khuyết điểm và rất tự ái khi ai nói lên khuyết điểm của mình, thậm chí là oán giận.
Thể diện: giúp con người có ý thức điều chỉnh về hành vi của mình, biết suy nghĩ hơn cho người khác.
Năm 2007, có lần tui đi mua rau. Trời tối, tui đưa 5 chục ngàn, cô bán hàng thối nhầm hai tờ 500 nghìn (vì tưởng là 20 nghìn). Thời đó, lương công nhân tầm khoảng 790 nghìn/tháng. Tui phải đấu tranh trong cả chục phút để quyết định có nói sự thật hay không. Cuối cùng, tui trả lại cho cô ấy vì..tui là người miền Tây, là người miền Tây thì không thể gian dối mà mang tiếng cho cả vùng. Sau khi nhận lại tiền, và biết tui là người miền Tây, cô bán hàng thốt lên: „Công nhận người miền Tây thật thà như đếm“!
Vậy tui có tham không? Rõ ràng lúc đầu tui có tham, nhưng cái ý thức, cái thể diện của người miền Tây đã điều chỉnh lại tui, không cho phép tui đánh mất cái sự tự tôn đó.
Thế nên, khuyên nhủ một con người để họ ý thức được việc làm cụ thể của mình để mọi người tôn trọng hơn là cổ súy lối sống sĩ diện. Một quốc gia có thể diện là một quốc gia biết chăm chút và quan tâm cho công dân mình khi họ ở nước ngoài, Quốc gia ý thức được rằng công dân chính là thước đo cho chuẩn mực của một nền văn hóa, giáo dục. Ngược lại, một công dân biết giữ thể diện là một người biết điều tiết hành vi để quốc gia mình không mất thể diện khi sống ở một cộng đồng khác, quốc gia khác.
Có một câu chuyện hay mà tui đọc được: Một người Trung Quốc muốn trêu tức một người Mỹ bèn châm lửa đốt quốc kỳ Mỹ ngay tại thủ đô Bắc Kinh. Anh người Mỹ thấy vậy không những không giận còn đến phụ một tay. Trước sự ngạc nhiên của anh Tàu đang há hốc mồm, anh Mỹ giải thích:
– Ở Mỹ chúng tôi còn đốt cả cờ và hình nộm Tổng Thống ngay trước phủ Tổng Thống, mọi người đều có quyền bày tỏ cảm xúc của mình và giá trị của nước Mỹ không phải nằm ở lá cờ, ở bất kỳ một con người cụ thể nào mà là ở những giá trị mà người Mỹ làm được cho nhân loại. Nên chúng tôi không có nghĩa vụ ca tụng ai cả mà mỗi chúng tôi đều là hình ảnh của nước Mỹ, mỗi việc làm của chúng tôi sẽ bảo vệ hình ảnh đó.
Rõ ràng, nếu ngược lại là anh Mỹ đốt cờ Trung Quốc, chắc chắn anh Tàu sẽ không để yên. Vì anh Tàu được giáo dục yêu nước là yêu lãnh tụ, yêu lá cờ. (Đó là sĩ diện, không phải thể diện). Anh Mỹ được giáo dục rằng yêu nước là tạo ra những thành tựu cụ thể để xứng đáng; hay chí ít ra ngoài phải có những hành xử chứng tỏ mình là người Mỹ, có tự tôn của dân tộc, không làm điều sai trái khi ra bên ngoài để ảnh hưởng quốc gia.
Còn người Việt ư? Người Việt vì sĩ diện mà có thể chứng minh với cả thế giới rằng khi ra ngoài ta không thua sút bất cứ một ai, vì có thể làm tất cả mọi việc mà người khác không thể ngờ tới! Còn ai hỏi thể diện á? Sẽ nghe câu trả lời:
– Có ăn được không???