Ngày 6 tháng 5 năm 2023, Viện Bảo tàng Di Sản Người Việt, Vietnamese Heritage Museum, đã tổ chức một ngày hội ngộ các thuyền nhân và trình bày chiếc ghe bé nhỏ của 9 người đi tìm tự do năm 1984. Sau phần chào cờ và mặc niệm, chương trình buổi lễ gồm ba phần chính:

Giới thiệu Viện Bảo tàng Vietnamese Heritage Museum, giới thiệu 5 thuyền nhân và các hậu duệ, tham quan chiếc ghe mà họ dùng gần 40 năm trước.

Ông Châu Thụy, sáng lập viên cũng là Giám-Đốc Viện Bào Tàng Vietnamese Heritage Museum nhấn mạnh về biến cố vượt biên của người Việt-Nam sau 1975, sự cứu vớt các thuyền nhân tị nạn. Sự giúp đỡ của thế giới tự do, biểu hiện tính nhân đạo bằng cách chấp nhận cho định cư dân tỵ nạn nói chung… Ông cũng muốn nhắc cho giới trẻ sau này biết được những cha ông họ đã cương quyết ra đi, hy sinh và trả một giá quá đắt, một sống một chết cho hai chữ tự do. Những thành quả mà ngày nay con em có được một phần lớn cũng nhờ quyết định dứt khoát ra đi của cha ông minh…

Ông Châu Thụy cũng cho biết những khó khăn trong suốt ba năm thương lượng để có thể đưa được chiếc ghe từ Pháp về California nơi mang danh Thủ Đô của người Việt Tỵ Nan Cộng-Sản. Những khó khăn bao gồm nhiều mặt về tình cảm, về pháp lý, về địa điểm trưng bày, về chuyên chở và về tài chánh. Nghe nói chi phí lên đến ba mươi ngàn đô la Mỹ.

Qua phần giới thiệu, chúng ta được biết có 5 trong 9 thuyền nhân và gia đình đến tham dự buổi hội ngộ này. Người đến xa nhất là anh Nguyễn Anh Dũng, từ Nhật Bản. Khi ra đi năm 1984, họ còn rất trẻ. Người cao tuổi nhất mới 23 (Phùng Văn Tài và Nguyễn Anh Dũng) và người trẻ nhất mới 12 (Nguyễn Xuân Phát). Về phái tính có ba thanh nữ: Nguyễn thị Mỹ Phương, Nguyễn thị Mỹ Hạnh và Phạm thị Thanh Hẳng. Cả ba đều 19 tuổi. Anh Phạm Đức Nguyên, 22 tuổi, ngưới lái ghe, tài công, kiêm thuyền trưởng (những người trong nhóm gọi đùa là xuồng-trưởng). Sau này có tin vui là anh Nguyên lập gia đình với cô Thanh Hằng. Khán giả ồ lên chúc mừng. Chúng tôi nhận thấy chỉ có 4 gia đình (1 người từ Nhật đi một mình) mà con cháu khá đông. Các cháu đang tuổi thanh niên, vạm vỡ, hòa nhã và rất vui tính, hứa hẹn một tương lai rạng rỡ.

Một đại diện của nhóm hậu duệ, mặc quân phục được mời lên diễn đàn. Đại ý em cám ơn cha ông đã can đảm ra đi tìm tự do cho mình và cho toàn thể con cháu sau này. Em nói lên những giá trị văn hóa cổ truyền của Việt Nam đáng trân trọng. Em có nhắc đến “Cái Nhà“, nơi gia đình trú ngụ, nơi hun đúc tình gia đình ruột thịt, là một tổ ấm thân thương, có nhau khi vui khi buồn, nơi quay về khi tìm lại một lời an ủi. Em cũng nói đến một sự cảm thông, một trân trọng trong giao tiếp nơi xứ người… Bài viết của em đã được ban tổ chức xin giữ lại làm tài liệu.

Phần cuối của chương trình là nhìn lại cái ghe nhỏ bé. Ban tổ chức muốn dành ưu tiên cho các thuyền nhân và gia đình nhìn lại cái ghe đã đưq họ đến bến bờ tự do. Họ không thể ngờ họ có thể nhìn lại cái ghe đó sau gần 40 năm xa cách. Lý do một phần có lẽ nó nhỏ gọn dễ bảo quản. Thường thì khi đến nơi các thuyền nhân được dưa về các trại tỵ nạn. Họ không còn biết số phận các ghe chở họ ra sao. Đối với các ghe tỵ nạn được tàu ngoai quốc vớt ngoài biển khơi, sau khi vớt người, các ghe bị đánh chìm dù rằng nó đã hỏng máy và tơi tả. Năm 1981, khi tàu Hòa-Lan Smit-Lloy12 vớt người xong, chính thuyền trường và người viết xuống kiểm tra lần chót xem có ai chết hay bị bỏ quên rồi mới đánh chìm. Nhìn cái ghe khi bị chiếc thương thuyền to lớn lùi đè lên tan từng mảnh vụn, thật đau lòng. Có người cảm thấy bất nhẫn. Con người được cứu vớt nhưng con thuyền bị đánh chìm. Có một chút gì đó vong ơn !

Chiếc ghe của 9 thanh niên vượt biển dài không quá 6 thước và bề ngang không quá 2 thước. Nó không lớn hơn chiếc tam bản bao nhiêu. Tuy vậy nó cũng có một cabin. Ghe toàn bằng gỗ và không có máy. Ghe chạy được nhờ buồm, gió thổi và sức người chèo thay phiên nhau. Ghe có gặp bão nhưng nhờ kinh nghiệm nương theo làn sóng của tài công nên mới sống còn.

Viện Bảo-Tàng Di-Sản Người Việt đã liên lạc được với Viện Bảo Tàng Hàng-Hải tại Thành phố Le Havre, Pháp,nơi lưu giữ chiếc ghe trên để đem về Little Saigon. Cuộc thương lượng kéo dài ba năm khó khăn và tốn phí. Nếu không có công lưu giữ tại Pháp, chiếc thuyền đã không có được may mắn hôm nay. Chiếc ghe kể như hai lần vượt biến: Lần đầu 1984 với 7 ngày đêm; 38 năm sau, 30 ngày từ Pháp về California, vượt gần 10 ngàn hải lý.

Nhìn hình dáng thì chiếc ghe thuộc loại đi sông rạch chứ không thuộc loại vượt biển khơi. Không ai có thể tin nó có thể qua 7 ngày trên biển khi giông tố. Phép lạ và niềm tin đã cứu họ. Một thuyền nhơn cho biết Anh đã nhìn thấy ánh đèn ở đài Đức Me. Anh cho ánh sáng đó đã dẫn anh tới bến an bình!

Ngoài chiếc ghe và hình ảnh ghi lại nhật ký từng ngày, chúng tôi còn thấy một số vật dụng như 4 cái la bàn, túi xách, mái chèo, mỏ neo… Một vật tuy nhỏ nhưng đã lay động lòng người. Đó là “nhúm đất Quê Hương” đặt trong lồng kính do một bà lớn tuổi đã mang tới. Đúng là ta đi mang theo Quê Hương!

Phần trình diễn văn nghệ của Hội Trống Thiên-Ân thật xuất sắc. Trong các em đánh trống có em mới chừng 5 tuổi.

Với tư cách một khán giả mà cũng là một thuyền nhân, xin nhớ ơn Viện Bảo Tàng thành phố Le havre, Pháp đã có công lưu giữ và nhất là đồng ý chuyển nhượng chiếc ghe trên cho Viện Bảo-Tàng Di Sản Người Việt. Đoc qua bài báo của Thành phố Le Havre và vùng phụ cận để biết người Pháp cũng rất trân quý chiếc ghe mà họ đã trưng bày trong bao nhiêu năm mà nay đành xa cách “Một chiếc ghe mang những nỗi đau buồn lịch sử mới rời thành phố (Le Havre) để về California“ (Un bateau charge’ d’une douloureuse histoire va qutter la ville pour la Californie).

Cám ơn Viện Bảo Tàng Vietnamese Heritage Museum đã tổ chức ngày hội ngộ không những cho các thuyền nhân chiếc ghe “Con Thuyền Hy Vọng“ mà còn cho các thuyền nhân nói chung hay hơn nữa cho toàn thể cộng đồng tỵ nạn người Việt tại Hoa-Kỳ.

Đa tạ…

Tạo Trần

Bài trước“Má ơi! Con vịt chết chìm”
Bài tiếp theoCánh chim lạc đàn